Những nước có lịch sử lâu đời như Ai Cập có vai trò quan trọng trong thể hệ văn hóa thế giới, là một bước quan trọng trong nền văn minh Địa Trung Hải, còn là quốc gia thống nhất đầu tiên trên thế giới. Khi nô lệ Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp Cheops vĩ đại bên bờ dòng sông Nile thì những quốc gia cổ đại khác mới chỉ ở trong giai đoạn sơ khai. Là một quốc gia có ảnh hưởng sâu sắc tới các nền văn minh cổ đại Hy Lạp, La Mã, Ai Cập lại có một tập tục kỳ lạ khiến người ta thấy khó hiểu, đó chính là bộ tóc giả của họ.
Những văn vật của Ai Cập mà ngày nay chúng ta được nhìn thấy, cho dù là điêu khắc, hội họa hay những văn vật khác thì chỉ cần đề cập tới hình tượng con người thì chúng ta đều có thể phát hiện, những nhân vật này đều đội một bộ tóc giả rất dày, đen bóng, giống như nhân vật Cleopatra VII trong bộ phim điện ảnh "Cleopatra" xuất hiện với hình ảnh bộ tóc giả đen bóng với chiếc mái ngố. Đây chính là ví dụ điển hình nhất về hình tượng con người được khắc họa trong các văn vật chân thực.
Với bộ tóc dày và thẳng như vậy, nhìn là biết đó là tóc giả, vậy tại sao người Ai Cập cổ đại lại thích đội tóc giả đến vậy? Không lẽ họ đều bị mắc chứng rụng tóc? Không hề. Nguyên nhân họ đội tóc giả chủ yếu là để "che đi cái xấu", tiếp nữa là để thể hiện địa vị thân phận. Vậy che điểm xấu gì? Vì đa số họ đều cạo trọc đầu, càng là người có địa vị cao thì đầu cạo càng trọc.
Liên quan đến văn hóa cạo đầu sau đó đội tóc giả của người Ai Cập cổ đại, trước kia từng có người phân tích, có thể là vì Ai Cập nằm ở khu vực Châu Phi nóng bức, thường xuyên toát mồ hôi, lại không có đủ nguồn nước để tắm, thế nên trên đầu dễ xuất hiện chấy rận, cạo trọc đầu đi thì sẽ sạch sẽ, vệ sinh hơn.
Nhưng thực sự là như vậy sao? Nếu nói cạo đầu trọc là để sạch sẽ hơn, vậy tại sao lại phải đội tóc giả? Tóc giả dày đến vậy, nếu không chăm sóc, vệ sinh thật kỹ thì cũng sẽ rất bẩn. Vì thế, muốn tìm hiểu về việc người Ai Cập cổ đại cạo trọc đầu vẫn cần phải tìm hiểu từ tín ngưỡng tôn giáo của họ.
Khác với quan niệm cổ xưa "thân thể da tóc là cha mẹ ban cho" của một số nước Châu Á, người Ai Cập cổ đại cho rằng lông tóc là thứ "không sạch sẽ, không thuần khiết" còn cả cơ thể, tâm hồn họ đều thuộc về thần linh. Vậy nên để thân thể không bị vấy bẩn, không được để cho bản thân là thứ thuộc về thần linh không được thuần khiết, họ sẽ cạo trọc đầu, địa vị càng cao thì đầu càng bóng, giống như những thầy tế lễ ở Ai Cập cổ đại, lông tóc râu ria trên người đều phải cạo sạch, không được để lại chút gì.
Nhưng sau khi cạo đầu lại thấy không được đẹp cho lắm, người Ai Cập cổ đại lại rất chú trọng vẻ bề ngoài. Khi các nước khác còn đang ở thời kỳ thượng cổ thì người Ai Cập cổ đại đã bắt đầu vẽ mắt, tô son, dùng hương liệu rồi, họ không thể nào chịu đựng được việc để đầu trọc ra ngoài. Để đẹp mắt hơn, họ đành phải đội tóc giả, vì tóc giả chỉ là vật phụ kiện trang sức bên ngoài, không ảnh hưởng tới sự thuần khiết, trong sạch của họ.
Vậy tóc đã cạo hết rồi, tóc giả của họ được lấy ở đâu ra? Lấy từ nô lệ và tù binh. Ai Cập cổ đại là quốc gia thống nhất đầu tiên trên thế giới, từng bá chiếm cả Bắc Phi và khu vực ven Địa Trung Hải. Trong thời đại triều đại mới của Ai Cập cổ đại (thời đại đế quốc, khoảng từ năm 1567 trước công nguyên tới trước năm 1085 trước công nguyên), các nước như Syria, Palestine ngày nay trước kia đều phải cúi đầu trước Ai Cập cổ đại. Quân đội Ai Cập cổ đại đánh chiếm thẳng tới thung lũng Euphrates (văn minh Lưỡng Hà), đến cả Assyria - kẻ được sinh ra để chiến đấu mà cũng không dám chống lại.
Chiến tranh không những đem lại cho Ai Cập cổ đại lượng tiền tài, của cải khổng lồ, mà còn đem đến vô số các tù binh và nô lệ. Những người sống dưới đáy của xã hội không những phải phụ trách những công việc khổ lao, đồng thời phải cung cấp tóc của mình cho người dân và tầng lớp quý tộc của Ai Cập cổ đại, giống như những người có địa vị cao như Pharaoh, thầy cúng, sẽ có một nhóm người chuyên làm "nhà cung cấp" tóc cho họ.
Cùng với dòng chảy thời gian, cho dù là lớn mạnh hay là suy thoái đều là những điều mà một nền văn minh không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Có thể vượt qua được thì sẽ trở thành thiên cổ lưu truyền đời sau, không vượt qua được thì sẽ chỉ có thể trở thành cát bụi trong lịch sử. Thể chế của Ai Cập cổ đại bị Đế quốc La Mã phá hủy còn văn minh tinh thần lại bị hủy diệt trong cuộc hành trình của nền văn minh Ả Rập.
Theo PV (Theo Công lý & xã hội)