Từ Ninh Cung được xây dựng từ thời Hoàng đế Gia Tĩnh nhà Minh với mục đích ban đầu là nơi ở cho Thái hậu, đồng thời cũng là tẩm cung của Hoàng Quý phi Tiền triều.
Đến thời Hoàng đế Vạn Lịch, mẹ ruột của Hoàng đế là Từ Thánh hoàng thái hậu đã được sắp xếp ở Từ Ninh Cung.
Khi Hoàng đế Vạn Lịch qua đời, Tân đế đã an bài cho Trịnh Quý phi và nhiều phi tần khác của Hoàng đế Vạn Lịch đến ở Từ Ninh Cung.
Tuy nhiên, Từ Ninh Cung được biết đến nhiều nhất từ khi nhà Thanh nhập quan.
Hiếu Trang Hoàng thái hậu (thân mẫu của Hoàng đế Thuận Trị) đã sống tại Từ Ninh Cung khoảng 44 năm.
Trong thời gian này, Hiếu Trang Hoàng thái hậu đã phụ tá Hoàng đế Thuận Trị và sau đó là Hoàng đế Khang Hi, giúp nhà Thanh ngày càng ổn định hơn.
Có thể nói, Hiếu Trang Hoàng thái hậu đã trải qua thời khắc huy hoàng nhất cuộc đời tại Từ Ninh Cung.
Sau khi Hoàng đế Khang Hi lên ngôi, Hiếu Trang Hoàng thái hậu trở thành Thái hoàng thái hậu, vẫn tiếp tục sống tại Từ Ninh Cung.
Năm Khang Hi thứ 26, Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu bệnh nặng nguy kịch, Hoàng đế ngày đêm túc trực bên ngoài Từ Ninh Cung.
Thậm chí Hoàng đế còn thỉnh cầu trời đất giảm tuổi thọ của mình và tăng tuổi thọ của tổ mẫu (bà nội).
Tuy nhiên, Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu cũng không thể qua khỏi. Tháng 12 năm Khang Hi thứ 26, Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu qua đời tại Từ Ninh Cung.
Sau khi Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu qua đời, Hoàng đế Khang Hi vô cùng đau buồn và đã lên kế hoạch tu sửa Từ Ninh Cung trở thành điện thờ Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu.
Để xây dựng tòa điện này, Hoàng đế Khang Hi đã hủy 5 gian phòng phía Đông của Từ Ninh Cung.
Bởi vì Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu là Thái hoàng thái hậu khai quốc, có uy vọng cực cao, khiến cho các Hoàng thái hậu sau này đều không dám chuyển đến cư trú tại Từ Ninh Cung.
Tuy nhiên, theo nhiều tin đồn được lan truyền khắp hậu cung lúc đó, mỗi đêm đều có thể nghe thấy tiếng nhạc vọng ra từ Từ Ninh Cung và có thể thấy rất nhiều bóng cung nữ và thái giám di chuyển trên tường.
Nhưng, tin đồn đáng sợ nhất chính là về một chiếc giếng thần kỳ ở Từ Ninh Cung.
Đây vốn là một giếng khô, ban ngày có thể nhìn thấy đáy giếng nhưng vào ban đêm, trong giếng sẽ chứa đầy nước và khi nhìn xuống sẽ không thấy bóng phản chiếu của mình.
Nhưng nếu các hậu phi Tiền triều không ở Từ Ninh Cung thì họ sẽ ở đâu?
Chắc chắn là phải sắp xếp một nơi ở khác cho các hậu phi tiền triều. Năm Khang Hi thứ 13 - năm Càn Long nguyên niên (1735 - 1736), Thọ Khang Cung được xây dựng ở phía Tây của Từ Ninh Cung. Từ Ninh Cung sau đó chỉ là nơi tổ chức các điển lễ.
Về sau, Sùng Khánh Hoàng thái hậu từng được sắp xếp ở Từ Ninh Cung trong 5 năm cuối đời.
Theo Thuỳ Linh/Pháp luật & Bạn đọc