Chúng ta đều đã biết, Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi năm 1402, cho đến khi qua đời năm 1424, suốt 22 năm tại vị, ông không hề có thêm người con nào.
Theo lý mà nói, trong thời gian làm Hoàng đế dài như vậy thì không thể không có thêm con cái được.
Tất nhiên, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết là, sau khi lên ngôi chứ không phải trước đó, bởi vì sự thực là trước khi đăng cơ Hoàng đế, Chu Đệ đã có 4 con trai và 5 con gái.
Tuy nhiên, sau khi người con nhỏ Chu Cao Hi ra đời vào năm 1392 thì kể từ đó về sau Chu Đệ không hề có thêm người con nào khác. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Tại sao trong suốt 22 năm tại vị, Chu Đệ không có thêm người con nào?
Trong dân gian có lời đồn rằng, bởi vì Chu Đệ cướp ngôi của cháu trai cho nên sau khi đăng cơ bị "đoạn tử tuyệt tôn".
Dĩ nhiên, lời đồn này chẳng hề có căn cứ xác thực nào, nhưng chúng ta có thể nhận thấy một điều rằng, trong mắt người dân bấy giờ thì việc Chu Đệ soán ngôi là một việc làm ác.
Mặt khác, chúng ta cũng để ý thấy rằng, người con trai út của Chu Đệ sinh năm 1392 nhưng đến năm 1402 Chu Đệ mới đăng cơ, trong suốt 10 năm đó Chu Đệ cũng không hề có thêm người con nào. Vậy mới nói, lời đồn trong dân gian này không hề đáng tin cậy.
Khi người con trai út của Chu Đệ ra đời, ông mới 32 tuổi. Theo lý mà nói, đối với một người đàn ông bình thường, tuổi 32 có thể xem là độ tuổi sung mãn, cũng tức là cho dù trước đó ông đã có 9 người con thì sau này vẫn hoàn toàn có thể sinh thêm được, vậy tại sao lại sau này lại không thể?
Đã xảy ra chuyện gì trong quãng thời gian này?
Chúng ta biết rằng, con trai út Chu Cao Hi của Chu Đệ ra đời được một năm chính là thời điểm Thái tử Chu Biểu qua đời. Chúng ta cũng biết vì việc Thái tử đột ngột qua đời nên Chu Nguyên Chương sẽ phải xem xét xem ai sẽ là người thừa kế ngôi vị của mình.
Trong số những người con trai của Chu Nguyên Chương, trừ người con cả Chu Biểu có tài năng đức độ ra thì chỉ còn lại Chu Đệ.
Suy cho cùng bấy giờ Chu Nguyên Chương cũng chưa hề cân nhắc đến cháu trai Chu Doãn Văn của mình, cho nên khả năng cạnh tranh của Chu Đệ trong số những người anh em còn lại là rất lớn.
Song bấy giờ Chu Nguyên Chương vẫn còn đang quan sát, cho nên chưa hề nói rõ ra ai sẽ là người kế vị.
Bởi vậy, Chu Đệ khi ấy luôn cố gắng thể hiện mình thật tốt, ông không chỉ nghe lời, ngoan ngoãn thuận theo ý kiến của cha mình là Chu Nguyên Chương mà mặt khác ông cũng thể hiện ra mình là một người con trai có tài năng và đức độ.
Cũng chính bởi suy nghĩ này của Chu Đệ nên bắt đầu từ khi đó, mọi sự tập trung chú ý của ông đều đặt lên vấn đề chính trị, lên vị trí thừa kế ngai vàng.
Song, những hành động của Chu Đệ làm sao có thể qua mắt được con mắt tinh đời của Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương sau đó đã chọn Chu Doãn Văn là người kế vị, bản thân ông chẳng bao lâu sau cũng qua đời.
Chu Đệ bấy giờ vô cùng buồn bã, song bởi vì người kế vị đã được định đoạt, bản thân có làm gì thêm cũng vô ích. Cho nên theo lý mà nói, chuyện người kế vị đã được định đoạt xong, Chu Đệ cũng nên hết hi vọng với chuyện chính trị, quay trở lại cuộc sống của riêng mình.
Nhưng trùng hợp thay, sau khi Chu Doãn Văn lên ngôi lại định ra chính sách triệt phiên.
Dưới sự áp bức, Chu Đệ quyết tâm khởi binh tạo phản, kết quả sau đó ra sao mọi người đều đã biết. Chu Đệ phát động Tĩnh Nan chi biến, thành công soán ngôi của cháu mình Chu Doãn Văn.
Dốc sức xây dựng uy quyền, ấy lòng tin của quần thần và dân chúng
Sau khi lên ngôi, đối diện với đất nước mà mình vừa mới chiếm được, bởi vì bản thân là một vị vua "không chính thống" cho nên ưu tiên hàng đầu của Chu Đệ chính là xây dựng uy quyền cho bản thân, để quần thần và nhân dân tin phục.
Cho nên suốt thời gian ấy, mọi tâm tư suy nghĩ của Chu Đệ đều dành cho chuyện chính trị.
Hơn thế, sau khi lên ngôi ngoài việc ban thưởng cho các quan viên có công cùng Hoàng hậu phi tần của mình, điều quan trọng nhất là Chu Đệ còn xây dựng pháp lệnh riêng cho triều đại Vĩnh Lạc của mình.
Năm Vĩnh Lạc thứ 7, Chu Đệ cho xây dựng Trường Lăng trên núi Thiên Thọ Bắc Kinh để thể hiện quyết tâm đứng vững ở phía Bắc của mình. Ông cũng duy trì giao hảo với các dân tộc thiểu số phía Bắc như Mông Cổ.
Trong suốt thời gian từ năm Vĩnh Lạc thứ 8 đến năm Vĩnh Lạc thứ 22, Chu Đệ từng 5 lần tự mình dẫn quân chính phạt phương Bắc, giúp củng cố vững chắc biên phòng của Đại Minh.
Mất khả năng sinh dục?
Ngoài những việc kể trên, trong cuốn "Lý triều thực lục" của Triều Tiên có ghi chép rằng, Chu Đệ sau khi lên ngôi đã mất sinh khả năng sinh dục. Cụ thể ghi chép như sau:
"Sau khi Chu Đệ lên ngôi, ông vô cùng sủng ái một phụ nữ Triều Tiên gọi là "Quyền Phi", nhưng sau đó vị phi tần này không may mắc bệnh qua đời. Một phi tần khác của Chu Đệ là Giả Lã lại vu cáo cung nữ Lã thị hạ độc hại chết Quyền Phi, Chu Đệ vô cùng tức giận cho nên đã hạ lệnh giết rất nhiều cung nữ.
Sau này, Chu Đệ lại nghe được tin tức Giả Lã và cung nữ Ngư thị lén lút câu kết qua lại với thái giám, Chu Đệ nổi giận lôi đình, bức ép Giả Lã và Ngư thị phải treo cổ tự tử.
Sau khi để xảy ra chuyện bê bối như vậy, Chu Đệ bắt đầu thanh lọc hậu cung, vì chuyện này đã giết chết hơn nghìn cung nữ, đây cũng chính là sự kiện "Lã Ngư chi loạn" được ghi chép trong lịch sử."
Trước khi bị hành hình, một cung nữ đã lên tiếng tố cáo Hoàng đế: "Tự gia dương suy, cố tư niên thiếu tự nhân, hà cữu chi hữu?"
Ý của câu này là, "Vì bản thân hoàng đế dương suy, nên chúng ta mới phải tư thông với thái giám, vậy thì có tội gì cơ chứ?"
Căn cứ theo những ghi chép trong "Lý triều thực lục" để suy đoán rằng, có thể sau khi lên ngôi, Chu Đệ bị mất khả năng sinh dục nên mới không thể có thêm con cái.
Theo Phan Linh / Tổ Quốc