Tái thiết sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Kỳ vọng hồi sinh!

Google News

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, mục tiêu của chính phủ là xây dựng lại đất nước trong 1 năm. Liệu mục tiêu này có thể gặt hái thành công trong thời gian ngắn như vậy?

Sau 13 ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng, tính đến thời điểm 21/2/2023, số người chết do hậu quả của thảm họa thế kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 47.000 người và dự kiến con số này còn tăng do vẫn còn nhiều người mất tích hoặc mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Nỗ lực tái thiết của chính phủ Thổ nhĩ Kỳ sau thảm họa thế kỷ
Động đất đã phá hủy khoảng 70.000 tòa nhà, 264.000 căn hộ. Thiệt hại kinh tế tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng của động đất ước lên tới 85 tỷ USD, trong đó 70,8 tỷ USD là thiệt hại đối với các tòa nhà dân sự.
Tai thiet sau dong dat o Tho Nhi Ky: Ky vong hoi sinh!
Cảnh tượng đổ nát tại một bệnh viện ở quận Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, sau trận động đất ngày 6/3. Ảnh: Reuters. 
Song song với nỗ lực tìm kiếm nạn nhân, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu dọn dẹp các đống đổ nát và tái thiết. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuad Oktay đã tuyên bố khởi động một chiến dịch với tên gọi “Nhà của tôi cũng là nhà của bạn” nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm đang sở hữu nhiều nhà ở, tự nguyện cung cấp miễn phí cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất hoặc cho họ thuê với giá hợp lý.
Ngoài ra các nhà hảo tâm cũng có thể quyên góp ủng hộ giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi động đất trả tiền thuê nhà trong khuôn khổ chiến dịch này. Tuy nhiên, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lo lắng và không biết tới khi nào cuộc sống và thành phố của họ mới có thể trở lại như trước.
Lạc quan về triển vọng tái thiết sau thảm họa
Khi các nỗ lực tìm kiếm kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển sang việc công cuộc tái thiết đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, mục tiêu của chính phủ là xây dựng lại đất nước trong 1 năm. Nhưng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc liệu mục tiêu này có thể gặt hái thành công trong thời gian ngắn như vậy không.
Theo các chuyên gia, công cuộc tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm tỷ USD. Điều này sẽ phụ thuộc vào các khoản đầu tư nước ngoài bởi vì nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng tài chính để tái thiết. Thảm họa xảy ra vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tai thiet sau dong dat o Tho Nhi Ky: Ky vong hoi sinh!-Hinh-2
Cuộc tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Ảnh: Reuters. 
Tuy vậy, không ít chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của cuộc tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ajay Chhibber - nhà kinh tế từng là Giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra cách đây hai thập kỷ - tin rằng, Tổng thống Erdogan sẽ đạt được mục tiêu lớn của mình nếu mọi người chung tay hành động để tái thiết đất nước.
Ông Ilan Kelman - Giáo sư về thảm họa và sức khỏe tại Đại học College London (Anh) nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua được khó khăn vì: “Không quốc gia nào đặc biệt giàu có, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất có nền tảng cơ bản là đất nước này đã không có một cuộc xung đột lớn chia cắt đất nước trong 12 năm. Họ không bị cô lập thông qua các biện pháp trừng phạt”.
Bà Caroline Holt - Giám đốc phụ trách Thảm họa, Khí hậu và Khủng hoảng tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) ước tính, tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn công việc phục hồi sẽ diễn ra trong 2 đến 3 năm. Tại Syria, đất nước láng giềng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất, quá trình tái thiết đất nước có thể sẽ mất từ 5 đến 10 năm do hoàn cảnh kinh tế và chính trị đặc thủ ở nơi đây.
Sở dĩ nhiều chuyên gia tin tưởng vào khả năng hồi sinh của Thổ Nhĩ Kỳ bởi đất nước này đã từng có kinh nghiệm xương máu sau thảm họa động đất cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người ở Izmit năm 1999. Cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới Ajay Chhibber cho rằng, vấn đề ban đầu là cố gắng xử lý viện trợ quốc tế.
Tai thiet sau dong dat o Tho Nhi Ky: Ky vong hoi sinh!-Hinh-3
Hiện trường trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999. Ảnh: Daily Sabah
Theo ông Chhibber, vào thời điểm đó rất nhiều người dân đã đem bán các mặt hàng được viện trợ cho các cửa hàng cầm đồ để lấy tiền. Sau khi kết luận rằng mọi người cần tiền hơn là hàng hóa vật chất, Ngân hàng Thế giới đã khởi động hệ thống chuyển tiền mặt để bảo vệ nền kinh tế và cộng đồng địa phương.
Sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống, nỗ lực cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ trải qua nhiều giai đoạn. Ngân hàng Thế giới huy động được từ 3-4 tỉ USD để tái thiết. Để xoa dịu những lo ngại về khả năng tham nhũng, Ngân hàng khẳng định, số tiền trên sẽ được giải ngân thông qua một bộ mới thành lập trong văn phòng Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều kỳ diệu đã xảy ra. Chỉ trong vòng 2 năm sau trận động đất năm 1999, hầu hết cơ sở hạ tầng và nhà ở của quốc gia này đã được xây dựng lại.
Nhật Bản cũng là đất nước chịu nhiều thảm họa thiên tai kinh hoàng. 12 năm trước (11/3/2011), trận động đất lịch sử kéo theo sóng thần đã tàn phá bờ biển Đông Bắc nước này. Từ đống hoang tàn đổ nát, "xứ sở mặt trời mọc" đã nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả của thảm họa kép, khẳng định sức hồi sinh mãnh liệt vươn lên từ gian khó.
Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỷ USD cho hoạt động tái thiết ở các nơi bị ảnh hưởng, bao gồm việc xây dựng lại các cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nạn nhân. Trong giai đoạn từ 2021 - 2025, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục chi 14 tỷ USD để hỗ trợ quá trình phục hồi của các tỉnh bị ảnh hưởng.
Trong số những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất, thị trấn Onagawa (thuộc tỉnh Miyagi) được đánh giá là nơi hồi sinh thần kỳ và ngoạn mục nhất. Hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu mọc lên; thị trấn được phủ xanh toàn bộ và hứa hẹn trở thành địa phương có sức hút du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thanh Bình