Cam Ranh là một vịnh biển có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Việt Nam. Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2015), Đại tướng Lê Đức Anh đã kể lại một vài câu chuyện thể hiện tầm nhìn lớn của ông về vịnh biển đặc biệt này.
Trước tiên, Đại tướng đã đề cập đến vị thế của Cam Ranh trên bản đồ quân sự thế giới:
“Về vùng vịnh Cam Ranh và quân cảng Cam Ranh, tôi đặc biệt quan tâm đến vị trí này ngay từ khi tôi làm Tổng Tham mưu trưởng. Đây là một trong ba vịnh tốt nhất thế giới cùng với San Francisco (Xan Phranxixcô) của Mỹ và Rio de Janeiro (Riô đơ Giannêrô) của Braxin. Cam Ranh có vị trí chiến lược, một khu vực phòng thủ then chốt của miền Trung và của cả nước, là căn cứ bảo vệ cả vùng biển rộng lớn và quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, ở Cam Ranh còn có một điều vô cùng quý giá mà không phải cảng biển nào cũng có được là ngay sát mặt nước biển mặn chát lại có một mỏ nước ngọt với trữ lượng lớn. Biên giới phía Bắc nóng bỏng như vậy, kể cả những trọng điểm như Chi Lăng, Vị Xuyên, Trà Lĩnh, tôi cũng chỉ cố gắng đến được hai lần; vậy mà với Cam Ranh, tôi vào tới bốn lần”.
|
Quân cảng Cam Ranh những năm 1970-1980. |
Từ cái nhìn tổng quan này, Đại tướng Lê Đức Anh đưa ra những nhận định mang tính chiến lược liên quan đến an ninh quốc gia về việc để Liên Xô thuê quân cảng Cam Ranh:
“Vậy bây giờ xu hướng giải quyết với Liên Xô về Cam Ranh như thế nào, về lực lượng cố vấn như thế nào, tôi nghĩ giải quyết phải có tình có lý, có pháp lý. Trước đây, hai nhà nước Liên Xô và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện, những gì đã ký kết thì phải tôn trọng. Những gì bổ sung ngoài nội dung ký kết thì phải trao đổi, hai bên đồng thuận thì mới được thực hiện. Chẳng hạn, họ yêu cầu cho gia đình của họ vào ở bãi Cam Ranh cho thuận tiện đối với sĩ quan của họ, đây là điểm "bổ sung", ta đồng ý. Nhưng nếu Liên Xô đưa tàu ngầm và các chiến hạm mang đầu đạn hạt nhân vào quân cảng Cam Ranh thì ta từ chối, vì sẽ làm phức tạp thêm, hơn nữa trong hiệp định ký kết giữa hai nước không ghi.
Khi vào Cam Ranh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đưa tôi đi thị sát toàn bộ khu vực. Thấy họ khai thác đá và cát trong vịnh để xây dựng kho và hầm ngầm, tôi bảo: "Không được! Cứ cho họ khai thác thế này thì vịnh Cam Ranh sẽ bị sa mạc hóa". Ở đây mỗi cục đá là một cục vàng, cát cũng là vàng, một nhành cây cũng không được chặt mà chỉ có trồng thêm. Sẽ giải quyết đá và cát cho họ, nhưng không phải lấy ở vịnh mà lấy trong đất liền mang ra. Trở về Hà Nội, tôi báo cáo các anh trong Bộ Chính trị. Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đề nghị kiên quyết: Một là, không đưa vũ khí hạt nhân vào Cam Ranh. Hai là, không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh. Các anh đồng ý. Lúc đó, tôi đã nghiên cứu kỹ văn bản hiệp định để có thể "gỡ" vấn đề. Trong hiệp định không có chỗ nào nói đến "hạt nhân và nguyên tử", nên với danh nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nói với Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô: "... Trong văn bản hiệp ước không nói, nên các đồng chí không được lấy đá ở trong vịnh để xây dựng công trình, mà phải lấy ở ngoài. Hơn nữa, văn bản hiệp định cũng không hề nói đến vũ khí hạt nhân, nên mọi vũ khí hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân không được có ở đây". Sau khi Đại sứ Liên Xô điện về nước, họ xin gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của ta. Anh Phạm Hùng gặp Đại sứ Liên Xô (theo yêu cầu của Đại sứ), đồng thời gọi tôi lên. Tôi bảo trong hiệp ước không có chuyện hạt nhân, tên lửa và không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh. Chúng tôi sẽ có đá và cát cho các đồng chí. Đại sứ Liên Xô điện về nước. Sự việc êm! Tôi chỉ đạo bộ đội ở vịnh Cam Ranh làm một con đường chừng 30km vào khai thác đá núi trong đất liền chở ra vịnh.
Đến khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga thay thế tiếp tục thực hiện hiệp định, duy trì quân đội Nga đứng chân ở Cam Ranh. Mặc dù hiệp định còn hiệu lực tới năm 2004, nhưng tàu ngầm và chiến hạm của Liên Xô không còn ở Cam Ranh”.
Thanh Bình (lược chép)