"Muối" và sự lựa chọn
Năm 1948, tác giả người Mỹ Gore Vidal cho ra mắt The City and The Pillar (tạm dịch: Thành phố và cột muối) được coi như cuốn tiểu thuyết về đồng tính đầu tiên của nước Mỹ hiện đại. Bốn năm sau đó, Patricia Highsmith - đang có danh tiếng với cuốn trinh thám Người lạ trên tàu, cũng cho ra mắt The Price of Salt (tựa Việt: Tận đáy cảm xúc) về hai người phụ nữ yêu nhau, và là tác phẩm đầu tiên thuộc dòng văn này có cái kết đẹp. Cả hai đều là nhà văn tiên phong cho việc nhìn thấu bản năng của một con người.
Tiểu thuyết xoay quanh hai nhân vật chính: Therese Belivet, 21 tuổi, một cô gái trẻ có phần ngây thơ; và Carol Aird - một phụ nữ đã có gia đình khoảng ngoài 30 tuổi, đang trong quá trình hoàn tất ly dị. Tình cờ gặp nhau vào dịp Giáng sinh, tình yêu đã kịp nảy nở giữa hai người họ.
Nhưng liệu hạnh phúc có thể xảy ra khi các định kiến về việc yêu thương một người giống mình vẫn còn bị coi là bại hoại? Và liệu Carol sẽ chọn làm mẹ hay là được yêu và có tự do? Thêm một lần nữa, Highsmith đã đi rất sâu vào các đường biên, từ đó mang đến câu chuyện phức tạp và nhiều suy tư.
|
Nhà văn Patricia Highsmith và cuốn tiểu thuyết Tận đáy cảm xúc |
Có một điểm chung giữa hai tác phẩm nêu trên, khi hai tựa sách đều nhắc đến "muối". Nếu Gore Vidal dẫn lại một tích Kinh thánh về vợ của Lot khi ngoái nhìn thành Sodom phóng đãng đã bị biến thành một cột trụ muối; thì với Highsmith, "muối" là nước mắt và nỗi đau. Theo đúng nguyên tác, tựa gốc của tác phẩm là The Price of Salt, or Carol - như ngầm ám chỉ hành động lựa chọn.
Vậy liệu Therese sẽ chọn Carol hay chọn nước mắt? Cả hai tác giả đều đã mang đến tình thế nan giải của những cá thể không được là mình. Và rồi để sống đúng với bản năng, họ buộc phải chọn và hy sinh một điều gì đó mà giá phải trả không hề nhỏ.
Trong tác phẩm này, hai nhân vật chính bị kẹp chặt giữa các gông cùm. Với riêng Carol là sự thiêng liêng của việc làm mẹ mà người chồng cũ đang muốn ly gián, và cùng chung sống với người mình yêu. Còn với Therese, đó là câu hỏi về sự hy sinh hay phải níu giữ hình bóng một người. Gạt qua vấn đề mang tính đấu tranh, Highsmith đã đào rất sâu vào mặt nội tâm, từ đó gợi ra tâm tư phức tạp.
Cũng như Robert trong Tiếng cú kêu hay quý ngài Ripley trong bộ trinh thám cùng tên, Highsmith vẫn cho thấy khả năng miêu tả tâm lý vô cùng ấn tượng. Đi theo quá trình phát triển của các nhân vật, ta có thể thấy được nhiều phức cảm bất khả lý giải, và cách miêu tả hoàn toàn trung thực về một nhân vật và một câu chuyện không thể khác hơn.
|
Tiểu thuyết Tận đáy cảm xúc
Nguồn The New Yorker và Bách Việt cung cấp
|
Tính nữ riêng biệt
Với một kết cấu mà các âm mưu, vai trò, mục đích chồng lớp lên nhau, Tận đáy cảm xúc vẫn còn thách thức những sự lý giải đến tận ngày nay. Tuy được viết từ trải nghiệm cá nhân, nhưng Highsmith vẫn chưa giải đáp nỗi hoài nghi nào trong tác phẩm này. Liệu mối quan hệ giữa hai nhân vật thuần là tình yêu hay còn cảm xúc nào khác? Và liệu có mầm mống nào cho cuộc đấu tranh thiên về nữ quyền?
Cách nhau khoảng hơn 10 tuổi, mối quan hệ giữa Carol và Therese còn có thể nhìn như người mẹ và con gái. Điều này từng bị hoài nghi bởi Carol vẫn luôn chăm lo cũng như hậu thuẫn cho người còn lại, từ ly sữa, món ăn đến cách sống và ứng xử… Ngược lại, cô gái ở tuổi 21 cũng được đưa vào hoàn cảnh bất hạnh, khi sống cô độc, hoàn toàn ngây thơ, để khớp với việc nhận lấy đặc ân. Vì vậy quan hệ giữa hai người họ dường như là sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân hơn một cảm xúc có tính đồng nhất.
Một điều cũng đáng chú ý là Highsmith đã thể hiện ra một tính nữ khác vô cùng dịu dàng. Trong các mô tả của bà, ngôn từ, nhịp điệu và cách hành văn rất đậm nét. Bà cho thấy khả năng quan sát một cách tài tình và biết gọi tên từng cảm xúc một. Với riêng Carol đó là con mắt thông minh, là mùi nước hoa ngọt ngào và suối tóc vàng buông lơi… Còn với Therese là nỗi hoài nghi, những sự e dè, ghen tuông và cơn tuyệt vọng… thay nhau thống trị.
Highsmith cũng viết nên những thời khắc đẹp, đậm tính điện ảnh và còn đọng lại đến ngày nay. Năm 2015, đạo diễn Todd Haynes đã mang cuốn tiểu thuyết này lên màn ảnh rộng. Trong đó phân cảnh Therese ngồi bên cây dương cầm lớn và cuộc đấu trí cùng với Carol, khuôn miệng của người phụ nữ phát âm hai tiếng "Te-zee" và cái chạm khẽ lên bờ vai gầy… đã được tái dựng một cách sống động. Bộ phim sau đó được đề cử 6 giải Oscar, 9 giải BAFTA với màn trình diễn vô cùng xuất sắc của hai minh tinh Cate Blanchett và Rooney Mara.
Tính dục trong cuốn tiểu thuyết cũng tiệm cận đến mức chuẩn mực. Highsmith vẫn cho ta thấy những nỗi đam mê cùng sự khoái lạc, từ đó truyền tải được sự tự do cũng như cảm xúc khi được sống đúng bản năng. Điều này có phần trùng khớp với làn sóng thứ hai của các phong trào nữ quyền, khi bản năng gốc là một phương tiện để họ lên tiếng và giải phóng mình. Do đó nhìn nhận rộng hơn, cuốn tiểu thuyết này cũng là một tiếng nói khác đi tìm tự do vô cùng mạnh mẽ.
Suốt 7 thập niên ra mắt độc giả, Tận đáy cảm xúc vẫn là cái tên luôn được nhắc đến trong các tác phẩm viết về, cũng như viết cho cộng đồng LGBTQ+. Riêng tại VN, tác phẩm vẫn chiếm vị trí quan trọng khi được tái bản trong nhiều năm liền, từ đó cho thấy một thời đại khác, những con người khác - khi họ là người tiên phong, dám viết, dám yêu và dám sống thật.
Patricia Highsmith (1921 - 1995) là tiểu thuyết gia và nhà viết truyện ngắn người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm trinh thám, tâm lý, kinh dị. Trong suốt văn nghiệp gần 5 thập niên, bà đã ra mắt 22 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Chủ điểm bà thường đưa ra là các câu hỏi về bản sắc riêng cũng như thách thức mệnh đề đạo đức. Năm 2008, tờ TIMES gọi bà là người viết truyện tội phạm vĩ đại nhất.
Theo Minh Anh/Thanh Niên