Thầy giáo dạy nhạc 'giữ lửa'… nghề rèn

Google News

Ngoài gắn bó với nghề giáo hơn 26 năm, thầy Huỳnh Thế Tiến còn được biết đến là thợ lành nghề của làng rèn truyền thống Thủy Châu. Thầy cũng là người “giữ lửa” cho nghề rèn có tuổi đời hàng trăm năm trên đất cố đô.

Thay giao day nhac 'giu lua'… nghe ren
 Những lúc không tới lớp học, thầy Huỳnh Thế Tiến say mê với công việc của nghề rèn. Ảnh: TG
 
Giữ nghề truyền thống
Đến làng nghề Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), còn có tên làng Vực, từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng búa vang lên từng hồi. Trong các lò rèn, những người thợ làm việc một cách say mê để tạo ra những sản phẩm truyền thống như dao, rựa, cuốc, xẻng… Tại đây, hộ gia đình thầy Huỳnh Thế Tiến (sinh năm 1968) có hơn 40 năm gắn bó với nghề.
Thầy Tiến – giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học Thủy Lương (thị xã Hương Thủy) cho biết, nghề rèn hình thành cách đây khoảng 500 năm, bắt nguồn từ những hộ dân ở làng rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) di cư vào khu vực Thủy Châu, Hương Thủy và dần hình thành nên làng rèn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn, thầy Tiến đã lớn lên với những âm thanh kim loại va đập vào nhau và bắt đầu được truyền nghề từ năm 14 tuổi. “Ngoài thời gian học, lúc rảnh rỗi, tôi cùng gia đình làm rèn. Từ đó giúp tôi có thêm công việc cũng như niềm đam mê để theo đuổi nghề rèn cho đến hôm nay”, thầy Tiến chia sẻ.
Được biết, thời gian vào những năm 80 của thế kỷ XX, làng Vực là địa điểm uy tín về nghề rèn. Bà con ngày đêm đỏ lửa, giữ vững nhiệt huyết và làm ra những sản phẩm để phục vụ nông nghiệp bằng cả tâm huyết của mình. Sản phẩm chế tạo ra luôn đạt chất lượng cao và có tiếng ở trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, nay chỉ còn khoảng 20 hộ dân theo nghề. Theo chia sẻ của thầy Tiến, xã hội ngày càng phát triển, thiết bị máy móc hiện đại dần thay thế sản phẩm thủ công, nghề rèn dần mất đi vị trí trên thị trường. Nhiều hộ gia đình đã chuyển nghề khác để mưu sinh. 
“Số hộ gia đình theo nghề ngày càng giảm. Nhưng tôi quyết tâm gắn bó và muốn khôi phục nghề rèn truyền thống. Năm 2008, tôi bắt đầu dự án và nhận được nhiều sự quan tâm của bà con cũng như chính quyền. Tôi rất vui vì được sự ủng hộ của mọi người”, thầy Tiến tâm sự.
Thầy Tiến cho biết thêm, muốn sản phẩm có tiếng, cần phải tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng so với các sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, thầy đã vay vốn rồi đầu tư các thiết bị, máy móc như máy dập sắt, máy cán thép, máy cắt, máy búa… để phục vụ cho nghề rèn.
Với nỗ lực khôi phục nghề rèn, nhiều sản phẩm của thầy Tiến đã được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thị xã, tỉnh và tham gia vào các triển lãm hội chợ, triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, Festival nghề truyền thống… được nhiều người lựa chọn, tin dùng.
“Hiện nay, tôi có sản phẩm là bộ dao làm từ thép không gỉ được các cấp chính quyền cũng như bà con ưa chuộng. Sản phẩm được bán rất chạy trên thị trường và giá cả cũng rất phải chăng. Ngoài ra, mỗi năm tôi cũng cung ứng ở thị trường Mỹ từ 1.000 - 3.000 lưỡi dao, bộ dao, sản phẩm được sử dụng trong công nghiệp khai thác nhựa thông ở Mỹ”, thầy Tiến tự hào nói.
Thay giao day nhac 'giu lua'… nghe ren-Hinh-2
 Nhiều sản phẩm nghề rèn của thầy Huỳnh Thế Tiến được chính quyền địa phương công nhận và trao tặng nhiều giấy khen, giấy chứng nhận.
 
Niềm vui của nghề giáo
Không chỉ là một nghệ nhân nghề rèn làng Vực, thầy Huỳnh Thế Tiến còn rất yêu thương, quý mến học sinh. Gắn bó với nghề giáo hơn 26 năm, niềm vui mỗi ngày đến lớp với thầy là được gặp đồng nghiệp, học trò.
“Tôi nhớ rất rõ ngày đầu đi dạy (20/9/1997, P.V), và yêu nghề giáo lắm. Ngày ngày được đứng trên bục giảng, trò chuyện cùng học sinh và cùng các em cất tiếng hát những bài ca về tuổi trẻ, về quê hương, đất nước... tất cả như xóa tan bao nhọc nhằn cuộc sống và làm cho tôi thấy như mình được trẻ lại”, thầy Tiến chia sẻ.
Tháng 3/1988, thầy Tiến xung phong lên đường nhập ngũ và sau khi ra quân, thầy bước vào cuộc sống với nhiều nghề khác nhau. “Lúc mới ra quân, tôi cũng có vào Đà Nẵng làm cơ khí, sau 2 năm thì trở về quê hương và quyết định nộp hồ sơ theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Huế với chuyên ngành Âm nhạc”, thầy Tiến cho biết. Sau khi tốt nghiệp, thầy Tiến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Tiểu học Thủy Lương và gắn bó với ngôi trường này đến ngày nay.
“Cái duyên với nghề là vậy. Những lúc không lên lớp, tôi lại quay trở lại với nghề rèn. Đây là nghề truyền thống không chỉ đối với gia đình tôi mà nhiều gia đình làng Vực. Vì vậy, với nghề nào tôi cũng đều say mê, nhiệt huyết, nghề nào cũng cần phải giữ lửa”, thầy Tiến tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy Lương cho biết, thầy Tiến không chỉ là giáo viên tận tụy, hết lòng thương yêu học sinh mà ở thầy còn hội tụ được những phẩm chất đáng quý của một nhà giáo mẫu mực, nhiệt tình trong công việc, gương mẫu trong lời nói và hành động, đem hết khả năng của mình để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
“Với cương vị là Hiệu trưởng, Trường Tiểu học Thủy Lương thật may mắn khi có một giáo viên vừa tài giỏi, vừa đức độ như thầy Tiến. Thầy xứng đáng để được lãnh đạo tin tưởng, học sinh yêu thương, phụ huynh kính trọng, đồng nghiệp học tập noi theo”, cô Hương chia sẻ.
Với những sản phẩm chất lượng của nghề rèn truyền thống, thầy giáo Huỳnh Thế Tiến đã được trao tặng nhiều giấy khen và giấy chứng nhận về sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, năm 2016, thầy Huỳnh Thế Tiến đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nghề rèn”.
Theo Hoàng Hải/Giáo dục thời đại