Từ sau khi Chu Thiên Tử thực hiện chế độ phân đất phong hầu, Trung Quốc đã ở trong thời kỳ thống trị của giới quý tộc trong gần một nghìn năm, nếu như xuất thân không tốt thì rất khó mà thăng tiến được, càng không cần phải nói đến việc quyền cao chức trọng, phong hầu bái tướng.
Nhưng từ cuối thời Chiến Quốc, dưới tác động của những cuộc cải cách chính trị của các nước, đặc biệt là khi nước Tần đưa ra chế độ phong hầu không dựa vào tổ tiên mà dựa vào công trạng trong chiến đấu, xã hội quý tộc mới dần dần tan rã.
Đến cuối thời Tần, Đế quốc Tần hùng mạnh đã bị một nhóm "ô hợp" xuất thân tầng thứ thấp cùng với những tiểu lại lật đổ, Tây Hán lập quốc mở ra thời đại "Bố y tương tương" (ý chỉ các quan nhà Tây Hán đều từ thường dân áo vải mà ra). Nhưng điều rất nhiều người không nghĩ tới là, so với "chính quyền bình dân" mà nói, thì còn có một thế lực đầy tham vọng khác đang ẩn mình trong bóng tối, đó là thế lực họ ngoại lấy hậu cung Tần Phi làm nòng cốt.
Những năm đầu thời nhà Hán, nhóm họ ngoại khiến người ta sợ nhất đó chính là gia tộc Lã thị do Lã Hậu cầm đầu.
Sự hình thành nhà Tây Hán
Một nhóm các anh hùng xuất thân thấp kém đã lật đổ chính quyền tàn bạo, xây dựng một quốc gia hoàn toàn mới, điều này nghe có vẻ huyền hoặc, nhưng đó là câu chuyện có thật về Lưu Bang và các thuộc hạ đã cùng sáng lập Tây Hán. Sau khi Tây Hán được thành lập, vì đã có bài học giáo huấn về nhà Tần đoản mệnh, Lưu Bang phân đất phong hầu, ngoài con em họ Lưu, có rất nhiều khai quốc công thần cũng được phong hầu.
Từ một góc độ khác mà nói, lúc này tình hình chính trị của Tây Hán cũng chưa thực sự ổn định, nguyên nhân cũng rất đơn giản, gần một ngàn năm trước, mọi người vẫn dựa vào huyết thống và gia tộc để thành lập chính quyền, duy trì thống trị, việc này làm cho mọi người hình thành một loại bản năng sùng bái và lệ thuộc vào huyết thống và gia tộc. Nhưng đến Lưu Bang, tất cả đều bị phá bỏ, việc này làm cho rất nhiều khai quốc công thần có suy nghĩ muốn "gây rối", nếu Lưu Bang có thể làm hoàng đế, vậy thì họ cũng có thể làm hoàng đế.
Đầu thời Tây Hán, triều đình không hề an ổn. Nếu nói Lưu Bang vẫn có thể dựa vào mị lực và thủ đoạn của bản thân để áp chế quần hùng, cũng lấy quyền cao lộc hậu để báo đáp lại, như vậy một khi Lưu Bang qua đời, hoàng đế mới còn có thể áp chế các lão thần hay không? Đây là vấn đề ông phải giải quyết trước khi qua đời.
Lưu Bang đã mở ra chiếc hộp ma quái "Pandora", ông đại khai sát giới với các công thần có công lớn khai quốc như Hàn Tín, Bành Việt… những người này đều bị giết chết trước khi Lưu Bang qua đời, các chư hầu khác trước sau cũng bị triệt tiêu. Lưu Bang cho rằng giết chết những công thần có dã tâm thì có thể giúp cho con cháu sau này an ổn kế thừa đế vị, nhưng điều khiến ông không ngờ tới là, điều khiến Tây Hán thiếu chút nữa bị tiêu hủy cũng không phải là những bộ hạ cũ, mà chính là người vợ Lã Trĩ.
Gia tộc Lã thị nhanh chóng vùng lên
Sau khi Lưu Bang qua đời, con trai của ông và Lã Trĩ là Lưu Doanh kế vị, được gọi là Hán Huệ Đế. Không có nhiều ghi chép liên quan đến Hán Huệ Đế, nhưng dựa vào một vài ghi chép lẻ tẻ, đã phác họa hình tượng một đế vương nhỏ tuổi suốt ngày sợ hãi núp sau bóng của mẹ. Lưu Doanh sau khi kế vị thì trước sau không thoát khỏi sự khống chế của Lã Trĩ. Và cái chết của ông khi còn trẻ cũng liên quan đến việc bị kích động quá mức. Lưu Bang sau khi chết không lâu, triều đình Tây Hán liền phát sinh biến hóa to lớn, Lã Trĩ và nhóm người họ Lã nhanh chóng nắm giữ quyền lực cốt lõi của Tây Hán.
Thành viên cốt cán nhất của gia tộc họ Lã dĩ nhiên là Lã Trĩ, bà trước tiên lấy thân phận hoàng hậu xuất hiện trước triều đình, sau đó lại là Thái hậu, cũng bởi vì từng hỗ trợ Lưu Bang giành thiên hạ mà có tiếng nói rất lớn. Ngoài Lã Trĩ, gia tộc họ Lã còn có Lã Trạch, Lã Thích Chi, Lã Sản, Lã Lộc… Trong đó Lã Trạch, Lã Thích Chi là huynh trưởng của Lã Trĩ, Lã Trạch còn vì diệt phản loạn mà chết trên sa trường, Lã Thích Chi từng ra sức bảo vệ Lưu Doanh khỏi bị loại khỏi vị trí thái tử.
Lã Sản, Lã Lộc theo thứ tự là con trai của Lã Trạch và Lã Thích Chi, hai người họ bởi vì cha chú có công lớn mà được kế thừa tước vị, cũng bởi vì Lã Hậu trong quá trình soán quyền mà phát huy tác dụng trọng yếu, có thể nói rằng họ là những nhân vật cốt cán của gia tộc họ Lã thời hậu Lưu Bang. Gia tộc họ Lã ngoại trừ một số ít đại thần có họ khác như Phàn Khoái, cơ hồ đều do thân thuộc của Lã Trĩ tổ thành, họ được Lã Hậu bao bọc, trong triều có vị trí rất cao.
Vào lúc Lưu Bang tiến hành thanh trừ công thần, các thành viên gia tộc họ Lã bởi vì có Lã Hậu nên tránh khỏi tai ương, vậy nên sau khi Lưu Bang qua đời, họ có thể lợi dụng "lỗ hổng quyền lực" mà nhanh chóng vùng lên. Sau khi Lã Trĩ thăng làm thái hậu, đã ra sức giúp đỡ, khiến gia tộc họ Lã trở thành tập đoàn quyền lực cao nhất thời kỳ Hán Huệ Đế.
Gia tộc họ Lã tiêu tan
Thời kỳ Hán Huệ Đế, kết cấu quyền lực triều đình chia làm 3, một phe là những công thần không bị Lưu Bang và Lã Trĩ thanh tẩy, một phe là các chư hầu vương họ Lưu được phân đất phong hầu, một phe là Lã Trĩ và gia tộc họ Lã. Trong 3 bên này, con cháu họ Lưu tuy làm hoàng đế, nhưng lại là phe có thế lực yếu nhất, cho dù là hoàng đế Lưu Doanh, nhưng vì sống dưới sự khống chế của Lã Hậu nên rất nhu nhược.
Năm 188 trước công nguyên, Lưu Doanh được gần 23 tuổi thì bị bệnh chết, Lã Hậu sau đó lập tức nâng đỡ hai vị con em họ Lưu làm hoàng đế bù nhìn, việc đại sự trong triều tất cả đều do bà chủ trì. Cùng lúc đó, Lã Hậu còn không e dè gì mà phong cho con em họ Lã làm vương hầu, không ngừng tiêu diệt vây cánh họ Lưu, giết rất nhiều người trong hoàng thất. Sau khi Lưu Doanh chết, Lã Trĩ hoàn toàn kiểm soát triều đình, một tay che trời, những công thần còn sót lại và con cháu họ Lưu đành phải ẩn mình, lặng lẽ chờ đợi thời cơ.
Năm 180 trước công nguyên, Lã Trĩ bởi vì bị bệnh qua đời, gia tộc họ Lã cảm thấy nguy cơ nên buộc phải nghĩ cách lật đổ gia tộc họ Lưu, nhưng bởi vì lộ ra tin đồn mà thất bại. Vì để bảo vệ giang sơn Tây Hán, gia tộc họ Lưu quyết định liên hợp với các công thần khởi binh thảo phạt gia tộc họ Lã. Chu Bột, Trần bình, khai quốc công thần ở trong thành Trường An, nhanh chóng triển khai hành động, họ trước tiên khống chế quân đội ở trong kinh thành, sau đó vào trong cung lùng giết nhân vật cốt cán của gia tộc họ Lã là Lã Lộc, Lã Sản…
Nhưng lại xuất hiện một vấn đề, rốt cuộc nên lập ai làm hoàng đế? Vì để tránh lại xuất hiện nhóm họ ngoại Lã thị, các công thần quyết định từ bỏ Tề vương Lưu Tương với thế lực họ ngoại cũng mạnh như vậy, lựa chọn Đại vương Lưu Hằng với thế lực họ ngoại rất yếu. Bằng cách này, tập đoàn họ Lã sau khi bị tiêu diệt, nhà Hán lại một lần nữa nằm trong tay của gia tộc họ Lưu.
Văn Sử Quân nói: Cơ cấu chính trị thời đầu Tây Hán cũng không phải là đơn giản như mọi người tưởng tượng, Lưu Bang sau khi qua đời cũng không để lại một triều đình vững chắc và một tân đế mạnh mẽ, quyền lực bắt đầu bị Lã Hậu và gia tộc họ Lã khống chế. Dưới ảnh hưởng của chế độ quý tộc kế thừa gần một ngàn năm, mọi người rất dễ tỏ ra nghi ngờ đối với thân phận của Lưu Bang, cho rằng gia tộc Lưu Bang cũng không có nhiều vốn liếng để trở thành hoàng thất. Chờ đến thời "Văn Cảnh chi trị" (thời đại của Hán Cảnh Đế và Hán Văn Đế) và Hán Vũ Đế thì quan niệm này mới triệt để kết thúc.
Theo Lý Hoa/Tri Thức