Tào Tháo từng nói: "Anh hùng thiên hạ, chỉ có Lưu Bị và Tào Tháo".
Tào Tháo từng nói với Lưu Bị: "Anh hùng trong thiên hạ chỉ có quân và Tào ta". Vì sao Tào Tháo hùng mạnh lúc đó đánh giá cao Lưu Bị chỉ bàn tay trắng, mà lại xem nhẹ thần đồng Tôn Quyền ở Giang Nam trù phú?
Lấy "đức" phục nhân tâm
Trong hồi "Kết nghĩa đào viên", Lưu Bị khi nhìn thấy bảng cáo thị đã thời dài một tiếng. Tiếng thở dài ấy đã bị Trương Phi nghe thấy: "Đại trượng phu vì xả thân vì nước, cớ sao phải thở dài?".
Lưu Bị thuật lại thân thế và nói: "Hận không đủ năng lực, chỉ đành thở dài". Khí chất của Lưu Bị đã hoàn toàn thuyết phục được Trương Phi. Sau đó Quan Vũ xuất hiện, Lưu Bị cũng đem chí hướng của mình chia sẻ với Quan Vũ, thế là ba người rủ nhau về vườn đào nhà Trương Phi uống rượu tâm sự, cuối cùng quyết định "kết nghĩa đào viên", Lưu Bị được xưng làm đại ca.
Cần biết rằng luận về tuổi tác, Lưu Bị còn sinh sau Quan Vũ, vậy mà lại được xưng làm đại ca, là bởi Lưu Bị thân thế bất phàm, vốn là Hán thất chính thống. Ngoài ra còn vì Quan Vũ và Trương Phi trong lần đầu gặp mặt đã bị đức độ và khí thế hào kiệt anh hùng của một quân chủ toát ra từ Lưu Bị làm cho kiêng nể.
Chữ "đức" giúp Lưu Bị có được sự phục vụ các anh hùng giỏi nhất trong thiên hạ.
Tiếp đến là "Tam cố thảo lư", Lưu Bị chấp nhận rũ bỏ thân phận, 3 lần đích thân ghé thăm Gia Cát Lượng để mời xuống núi.
Lần thứ nhất Lưu Bị ghé thăm thì được biết Gia Cát Lượng đã ra ngoài ngao du từ sớm, Trương Phi liền nói: "Đã không gặp thì quay về thôi", nhưng Lưu Bị lại nói: "Hãy đợi một lúc".
Lần thứ hai, Lưu Bị gặp được hai chí hữu của Gia Cát Lượng. Vừa gặp Lưu Bị đã hỏi: "Hai vị ai là Ngọa Long tiên sinh?"; "Vậy tiên sinh đây chắc là Ngọa Long rồi?". Tất cả đều không phải, Lưu Bị cảm thấy ái ngại nhưng không hề tức giận, mà vẫn thể hiện được phong thái quân tử. Lần thứ 3, Quan Vũ và Trương Phi đều vô cùng tức giận, nhất quyết không đến tìm Gia Cát Lượng. Lưu Bị phải quát mắng Trương Phi, ép phải tiếp tục đi tiếp.
Hành động này cho thấy Lưu Bị rất coi trọng người tài. Thành ý của Lưu Bị cuối cùng cũng được Gia Cát Lượng đền đáp. Sau này, chính nhờ Gia Cát Lượng phò tá mà Lưu Bị từ 2 bàn tay trắng có thể giành được 1/3 thiên hạ.
Dùng người chuẩn xác
Dùng người trước phải biết nhìn người. Khi Mi Phương nói "Triệu tướng quân đã hàng Tào", Trương Phi đã vội trách mắng "Triệu Vân sợ chết, ham vinh hoa phú quý", mỗi Lưu Bị từ đầu đến cuối đều tin rằng "Triệu Vân chắc chắn không bỏ ta". Triệu Vân quả nhiên không làm Lưu Bị thất vọng. Khi Lưu Bị bại trận và qua đời tại thành Bạch Đế, Triệu Vân vẫn một mực trung thành cùng với Gia Cát Lượng bảo vệ nhà Thục Hán.
Một ví dụ khác liên quan đến Mã Tắc, Lưu Bị từng hỏi Gia Cát Lượng: "Quân sư thấy Mã Tắc là người như nào?", Gia Cát Lượng đã đánh giá rất cao. Thế nhưng Lưu Bị lại nói: "Người này không thể trọng dụng", Lưu Bị lo lắng chính là bởi sự tự tin luôn thể hiện ra ngoài của Mã Tắc.
Sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng đã đem Mã Tắc ra dùng, cuối cùng chính sự tự tin quá mức đã khiến Mã Tắc cãi quân lệnh, phạm sai lầm để mất Nhai Đình, khiến chiến dịch phạt Bắc lần 1 của Gia Cát Lượng thất bại.
Có thể thấy, Lưu Bị tuy không dũng mãnh như Ngũ Hổ tướng, trí không bì được Gia Cát Lượng, nhưng tài năng lãnh đạo của một quân chủ giúp ông có được sự phục vụ của Ngũ Hổ tướng và Gia Cát Lượng. Năng lực lãnh đạo của Lưu Bị không rời khỏi chữ "đức".
Đổng Trác tàn bạo hay Viên Thiệu thiếu quyết đoán, dù có binh lực hùng mạnh nhưng đều kém xa khi so với Lưu Bị. Như vậy làm sao mà Tào Tháo có thể xem thường Lưu Bị được.
Theo Hoa Vũ/Đời Sống & Pháp Luật