Nhà Đường được công nhận là một trong những triều đại mạnh nhất của Trung Quốc trong lịch sử với chiều dài 289 năm và 21 đời Hoàng đế. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, nhà Đường được cho là một quốc gia cực kỳ hùng mạnh trên thế giới và có quan hệ chặt chẽ với các nước châu Á và châu Âu. Vì vậy, sau thời Đường, nhiều nước gọi người Hoa là người Đường.
Ai cũng biết Hoàng đế là người giàu có trong thiên hạ, tam cung lục viện, hậu cung có ba vạn mỹ nữ, giai nhân, nhiều đến mức có nữ nhân đến chết cũng không có cơ hội được Hoàng thượng sủng ái. Vì số lượng nhiều như vậy, để được hưởng vinh hoa phú quý và thoát kiếp cô độc suốt đời, họ chỉ có một cách duy nhất là lọt vào mắt xanh, chiếm được sự sủng ái của Hoàng thượng, sau đó tìm cách sinh Hoàng tử hoặc Công chúa. Các cuộc tranh sủng trong cung cũng vì vậy mà diễn ra vô cùng tàn khốc.
Ở một triều đại hùng mạnh như nhà Đường, chỉ số hạnh phúc của người dân cũng rất cao. Ai ai cũng biết, đầy đặn được coi là chuẩn mực cho vẻ đẹp của phụ nữ thời Đường. Địa vị của phụ nữ ở thời này cũng cao hơn các triều đại khác, chẳng hạn họ có thể chủ động yêu cầu ly hôn và tái hôn sau ly hôn. Điều này đủ để phản ánh mức độ cởi mở ở thời Đường, khi mà xã hội Trung Quốc cổ đại luôn có xu hướng "trọng nam khinh nữ".
Bộ máy cai quản đời sống về đêm của Hoàng thượng ở hậu cung gọi là Kính sự phòng, người phụ trách có quyền hạn cao nhất là thái giám Kính sự phòng, có nhiệm vụ sắp xếp, ghi chép đời sống chăn gối của Hoàng thượng và hậu phi. Khi Hoàng thượng và Hoàng hậu, phi tần qua đêm cùng nhau, viên thái giám này buộc phải ghi chép rõ ràng, chi tiết ngày, tháng, năm để làm chứng cứ thụ thai sau này.
Để cung tần mỹ nữ "ai ai cũng có phần", Kính sự phòng bố trí cuộc sống về đêm của Hoàng đế theo ngày âm lịch và mức độ tròn khuyết của mặt trăng. Trong 15 ngày đầu tiên của một tháng âm lịch, trăng sẽ càng ngày càng tròn hơn, sau đó 15 ngày còn lại sẽ khuyết dần đi. Vì vậy, từ mùng 1 đến ngày rằm, Hoàng thượng sẽ lần lượt thị tẩm các phi tử từ chức vụ thấp tới cao, sao cho ngày trăng tròn sẽ tới Hoàng hậu có địa vị cao nhất. Các ngày còn lại sẽ được xếp theo chiều ngược lại, từ người có địa vị cao xuống thấp. Như vậy có thể thấy rằng, Hoàng hậu là người được ưu ái hơn cả, vì một tháng có hai ngày là 15 và 16 được vua thị tẩm.
Cứ như vậy, ngày 17 sẽ thuộc về 4 vị "phu nhân", ngày 18 dành cho 9 "tần", 3 ngày từ 19 đến 21 là của 27 "thế phụ". Cấp bậc phi tần có số lượng nhiều nhất là "ngự thê", 81 người sẽ được chia ra trong 9 ngày từ 22 đến 30 để thị tẩm, như vậy bình quân mỗi đêm sẽ có nhiều nhất 9 người tới "hầu hạ" Hoàng thượng.
Theo quy định thông thường, vua không được phép từ chối mà phải "thỏa mãn" tất cả các cung tần mĩ nữ. Lâu dần, sức vua cũng có hạn, thậm chí phải giả bệnh cáo ốm vài ngày để "nghỉ ngơi hồi sức". Quy định này được áp dụng trong một thời gian khá dài, nhưng người ra quy định này lại quên mất một điều là cảm nhận của chính Hoàng thượng. Cho dù có là bậc cửu ngũ chí tôn thì vua cũng chỉ là một người bình thường, "tần suất thị tẩm" đều đặn như vậy sẽ chỉ khiến ngài khiếp sợ và tìm mọi cách để trốn tránh mà thôi.
Theo Pháp Luật và Bạn Đọc