“Thư viện từ những bông hoa” – hạnh phúc là được cho đi

Google News

Với mong muốn lan tỏa thông điệp “hạnh phúc là được cho đi”, Giang Châu cùng các thành viên của dự án “Thư viện từ những bông hoa” đã “cho đi” những giá trị vô giá từ những trang sách.

“Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương”, câu nói này thật đúng với những gì mà Giang Châu (SN 1997, quê Hưng Yên) - người sáng lập Dự án “Thư viện từ những bông hoa” cùng cộng sự đã và đang làm. Với số tiền bán hoa tươi, nhóm đã hiện thực hóa ước mơ của biết bao thầy trò vùng cao đối với sách – lan tỏa hương thơm từ sự tử tế, lòng nhân ái, yêu thương.
“Thu vien tu nhung bong hoa” – hanh phuc la duoc cho di
 Chị Giang Châu với các em học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC.
Bán hoa tươi mua sách, làm thư viện
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, chị Giang Châu cho biết, chị là người rất ham mê đọc sách. Khi lên vùng cao công tác và du lịch, chị thấy cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt, các em nhỏ nơi đây cũng chịu cảnh thiếu thốn, nhất là sách vở và đồ dùng học tập. Khi trở về, điều đó cứ đau đáu trong lòng chị với nỗi trăn trở phải làm gì đó để giúp những đứa trẻ vùng cao có thể thay đổi cuộc sống.
“Thu vien tu nhung bong hoa” – hanh phuc la duoc cho di-Hinh-2
 Thư viện từ những bông hoa.
“Thế rồi, tôi đã nghĩ đến việc mang tri thức đến cho các em nhỏ bằng cách tạo dựng thư viện. Bởi tôi cho rằng, khi tư duy và tâm hồn thay đổi theo chiều hướng tích cực thì các em sẽ có thế giới quan rộng mở, có ước mơ và phấn đấu để đạt được điều mình mơ ước”, chị Giang Châu tâm sự về cơ duyên khiến chị có ý tưởng thực hiện dự án "Thư viện từ những bông hoa".
Tuy nhiên, kinh phí để hiện thực hóa ý tưởng, trong khi không muốn đi xin tài trợ cũng là một bài toán khó. Trong đầu chị bỗng lóe lên suy nghĩ, bán hoa tươi để lấy tiền làm thư viện.
Vốn là một người yêu hoa và hay mua hoa về cắm, chị thấy hoa gắn liền với cái đẹp, với hương thơm. Ở đâu có hoa thì thường ở đó có hy vọng. Ngoài ra, những người mua hoa, chơi hoa thường cũng là người yêu cái đẹp. Vậy sẽ thật ý nghĩa nếu như mỗi hành động mua hoa sẽ góp phần tặng sách, gieo ước mơ cho các em nhỏ khó khăn.
“Sau nghĩ suy nghĩ kỹ, tôi đã quyết định lập dự án bán hoa tươi và dùng lợi nhuận để mua sách, làm thư viện cho học sinh vùng cao”, chị Châu nói.
Nơi gửi gắm sách phải là “thư viện sống”
Từ khi triển khai đến nay, dự án đã tạo dựng được 4 thư viện với 15 tủ sách. Trong đó, 2 thư viện cho 2 trường ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và 2 thư viện cho 2 trường ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Tổng số đầu sách cho những thư viện này là 6.500 cuốn.
“Thu vien tu nhung bong hoa” – hanh phuc la duoc cho di-Hinh-3
 Trao tặng sách cho trường học ở huyện Mù Căng Chải (Yên Bái). Ảnh: NVCC.
Hiện tại, dự án đang lên kế hoạch xây dựng thư viện cho một số trường học tại tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, theo chị Châu, để những cuốn sách phát huy tối đa tác dụng và lợi ích, nơi để sách phải thực sự là một “thư viện sống”. Tức là, ở ngôi trường đó, ban lãnh đạo và thầy cô phải đam mê đọc sách, có mong muốn phát triển văn hóa đọc. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu khi nhóm quyết định xây dựng thư viện ở một ngôi trường nào đó.
Và niềm hạnh phúc nhận lại, chính là niềm vui của những thầy cô giáo học sinh vùng cao khi đọc những trang sách – niềm ao ước bấy lâu.
Gấp lại trang sách đang đọc trong phòng thư viện xinh xắn, em Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), chia sẻ: “Con thích đọc sách, đọc truyện. Nó giúp con nâng cao hiểu biết và thông minh hơn”.
“Thu vien tu nhung bong hoa” – hanh phuc la duoc cho di-Hinh-4
 Niềm vui của các em nhỏ khi được đọc những trang sách. Ảnh: NVCC.
Còn theo em Lò Thị Bảo Hân (học sinh lớp 5), rất ham mê đọc sách nhưng vì nhà trường không có thư viện, kinh tế gia đình eo hẹp nên em chưa có cơ hội được đọc những cuốn sách mình thích. Từ khi có “Thư viện từ những bông hoa” em đã thực hiện được ước mơ đọc sách của mình. “Em vui lắm, vì thư viện có nhiều sách hay, em rất thích đến thư viện”, Bảo Hân nói.
Với các thầy cô, sách giúp họ thực hiện tốt hơn công việc giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang cho biết, cô cùng tập thể nhà trường rất phấn khởi, mong ngóng những cuốn sách ý nghĩa.
“Tôi mong thư viện sẽ ngày càng phát huy hiệu quả. Ngoài việc học ở lớp, các em đọc sách để có thêm kiến thức, thầy cô nghiên cứu thêm các tài liệu nâng cao việc dạy cho từng môn học”, cô Hằng bày tỏ.
Hạnh phúc từ sự “cho đi”
Theo chị Giang Châu, quá trình thực hiện dự án “Thư viện từ những bông hoa” cũng có những khó khăn. Trong đó, có một số người hiểu chưa đúng về dự án khi cho rằng dự án chỉ trích một phần lợi nhuận để làm thư viện. “Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán hoa đều được dùng vào việc mua sách, mọi khoản thu chi đều được công khai, minh bạch”, chị Châu khẳng định.
Để vượt qua được những khó khăn đó, điều may mắn, cả nhóm đều có sự đồng lòng. Chị Phạm Thị Bích Ngọc - người phụ trách công việc bán hoa, kiêm quản lý nguồn quỹ chia sẻ, chị hiểu rất rõ rằng mỗi bó hoa trao đi thì sẽ nhận được thêm những trang sách nên đã dồn hết năng lượng vào đó. Đặc biệt, người nhận chủ yếu là trẻ em, nên chị thấy công việc mình đang làm càng ý nghĩa, khi được góp sức nuôi dưỡng mầm non của đất nước.
“Thu vien tu nhung bong hoa” – hanh phuc la duoc cho di-Hinh-5
 Những bông hoa trao đi, những nụ cười ở lại. Ảnh: NVCC.
Anh Doãn Minh Quân, người tham gia vào những phần việc: Đi mua hoa, phụ kiện, bó hoa và ship hàng cho người mua chia sẻ, cứ nghĩ đến những gì “Thư viện từ những bông hoa” đã, đang và sẽ mang lại cho cộng đồng, nhất là các em nhỏ và thầy cô vùng cao, anh lại thấy hạnh phúc.
“Bởi đây chính là điều tôi mong muốn được làm từ bấy lâu nay”, anh Quân nói.

Chị Giang Châu chia sẻ, nhiều khi chúng ta quá bận rộn để quan tâm đến những điều nhỏ bé. Thế nhưng chỉ cần để ý một chút, bạn có thể thấy cuộc sống có rất nhiều dễ thương, giống như một bông hoa cũng có thể khiến chúng ta trở nên yêu đời. “Và ai cũng có thể giúp đỡ người khác, chỉ bằng những việc làm nhỏ bé, như một cuốn sách cũng có thể cứu rỗi một tâm hồn”, chị Châu tâm sự.

Mời quý độc giả xem video: Anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần than Vàng Danh - VinaComin chia sẻ về ý nghĩa của hai công trình được ghi danh Sách vàng Việt Nam 2023. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan