Trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta, ông cha ta nhiều lần đánh bại ngoại xâm phương Bắc. Điều đáng lưu ý ở chỗ sử phương Bắc mặc dù không chịu chép việc thua trận nhưng cũng có ghi tưởng tận chuyện xử lý các tướng làm mất mặt triều đình.
Cuộc chiến chống Tống của nhà Lý là một thắng lợi vang dội trong lịch sử Đại Việt. Năm 1077, đại quân của Lý Thường Kiệt đại phá quân của Triệu Tiết, bao vây quân của Quách Quỳ. Tình cảnh của quân Tống đúng là cá nằm trên thớt. Nhưng quân ta mở đường hiếu sinh cho quân xâm lược Tống và cũng là tiết kiệm xương máu cho binh sĩ ta sau khi đã đạt được mục đích cơ bản.
|
Quân nhà Lý truy kích quân Tống. |
Lý Thường Kiệt bàn với các tướng sĩ: “dùng biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng sĩ, đỡ tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”. Sứ giả mang thư của triều đình nhà Lý gửi cho Quách Quỳ. Thư viết rằng: “… Xin hạ chiếu rút đại quân về, sẽ lập tức sai sứ sang tạ tội và triều cống…”. Thực ra đây là cách nói ngoại giao giúp cho vua quan nhà Tống giữ được thể diện mà nghe theo. Còn trên thực tế thì ai cũng hiểu quân nhà Lý thắng và mở đường Quách Quỳ rút quân về để khỏi mất mặt. Các cụ nhà ta nói 'đánh chó ngó mặt chủ' nên muốn nhà Tống ngậm bồ hòn làm ngọt chấp nhận các yêu sách của ta thì cũng phải mở đường cho họ tự sướng. Đừng quên nhà Tống thời đó dù hằng năm phải triều cống cho các nước Liêu, Kim nhưng vẫn dùng từ "phong thưởng" nghe cho oai.
Quách Quỳ vớ được thư mở đường mừng quá bèn nói với các tướng sĩ: “Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình. Đó là ý trời! Thôi ta đành liều một thân ta chịu tội với triều đình, để mong cứu hơn mười vạn nhân mạng”. Rồi triều đình Đại Việt mang biểu của vua Lý Nhân Tông giao cho Quách Quỳ để chuyển tới vua Tống. Quân hai nước định ngày để cho nhà Tống rút quân. Tình cảnh của Quỳ không khác gì Thống chế Đức Friedrich Paulus khi phải đầu hàng ở Stalingrad năm 1943.
Khôi hài nhất là khi bại quân về nước, triều đình Tống lại mở tiệc chúc mừng thắng trận. Không hiểu nhà Tống quan niệm về chiến thắng như thế nào nhưng chỉ biết rằng khi kiểm binh, trong số 10 vạn lính chiến đấu đã ra đi chỉ còn 23.400 lính trở về, ngựa chiến thì còn lại 3.174 con. Số dân phu 20 vạn trở về không được một nửa. Phí tổn chiến tranh được triều Tống tính ra là 5.190.000 lạng vàng.
Đáng lẽ sau khi thắng thì phải luận công ban thưởng nhưng vua Tống bắt đầu luận tội để trừng phạt. Sử Tống bên cạnh ghi các thiệt hại chiến tranh còn ghi cả việc luận tội. Như vậy thì dù không dũng cảm nhận thua thì họ cũng tự vạch chuyện thảm bại tại Việt Nam.
Tội to nhất dĩ nhiên là của Quách Quỳ. Quỳ bị quy tội vì đã trì hoãn không chịu tiến binh. Quỳ bị đổi đi Ngạc Châu, rồi giáng làm tả vệ tướng quân và an trí ở Tây Kinh. Gọi là an trí nhưng thật ra là bị quản thúc, cư tại gia khoảng 10 năm, đó là cách vua thời xưa xử phạt những quan tướng bất tài. Đến khi Tống Triết Tông lên ngôi (năm 1086) Quỳ lại được phục chức làm tri Lộ Châu, Quảng Châu quan sát sử, tri Hà Trung. Năm Nguyên Hựu thứ ba (1088) ốm chết, thọ 68 tuổi.
Nhờ Quỳ nhận tội tự ý nghị hòa và chịu biếm chức, Triệu Tiết chỉ bị kết tội không lập tức dẹp giặc, giáng làm Trực Long Đồ các, tri Quế Châu . Nhưng 5 năm sau (1082) khi bị đổi lên lộ Phu Diên, Tiết tỏ vẻ không bằng lòng, vua Tống mắng rằng: “Triệu Tiết trước đây đi đánh An Nam bị thua, đã được tha không bị tội chết. Nay còn ý oán. Nếu không trừng trị thì còn ai sợ lệnh trên nữa”. Đấy, kim khẩu của vua Tống đã nói rằng Triệu Tiết bị thua nên không hiểu năm 1077 nhà Tống ăn mừng chuyện gì?
Dương Tùng Tiên, đại tướng thống lĩnh thủy quân vốn nằm trong kế hoạch là một mũi nhọn 5 vạn quân thọc vào nước ta từ Biển Đông nhưng bị tướng nhà Lý là Lý Kế Nguyên đánh cho đại bại phải rút về nước cố thủ. Trong đợt 'luận công' này, Dương Tùng Tiên cũng có phần. Tục Tư trị thông giám trường biên nói rằng lúc đầu họ Dương cũng bị xử tội nhưng về sau được ân xá.
>>> Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Một Thế Giới