Thương tiếc một tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường

Google News

Hoàng Phủ Ngọc Tường được ví như người đã “đánh thức” dòng sông Hương với vẻ đẹp lộng lẫy, mộng mơ, tha thướt, yêu kiều; đầy hấp dẫn, mê dụ…

Người đánh thức dòng sông Hương
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937, tại thành phố Huế. Ông sinh sống và học tập tại Huế cho đến khi hết bậc trung học ở Huế năm 1960 thì ông chuyển vào TPHCM học tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán - Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó ông quay trở lại Huế và tiếp tục việc học tại Trường Đại học Văn khoa Huế, tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học năm 1964.
Thuong tiec mot tai hoa Hoang Phu Ngoc Tuong
 Nhà văn tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Từ năm 1960 - 1966, ông dạy tại Trường Quốc học Huế và tham gia tích cực vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi độc lập, thống nhất đất nước.
Gắn bó với Huế từ khi sinh ra, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết rất nhiều về Huế, về sông Hương, núi Ngự,
“Những kỷ niệm thời ấu thơ như những đêm nghe ca Huế dù đã cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn không quên. Ngày đó những đêm ca Huế không sân khấu đèn màu, không micro, người nghe ngồi bệt dưới nền đất để thưởng thức âm nhạc…Những kỷ niệm dung dị đó đã ám ảnh suốt những năm tháng tôi xa sông Hương sau này, để bài ký đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi là con sông quê hương”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết.
Khi đọc những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Trong nhiều vùng quê Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đến và viết, xứ Huế là nơi ông am hiểu hơn cả. Những trang văn của ông viết về Huế đã chứa đựng nhiều đặc sắc của văn phong. Trầm tĩnh lắng đọng trong giọng điệu, phong phú dầy dặn trong vốn liếng và kỹ lưỡng tự nhiên trong ngôn từ, ngữ pháp”
Còn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã ví nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người đã “đánh thức” cho dòng sông Hương với “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
"Sông Hương từ khi mới sinh ra đã như một cô gái xinh đẹp, nhưng là một người đẹp ngủ vùi trong rừng thẳm... Mãi tới khi có Hoàng tử đến đánh thức bằng câu hỏi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” thì người đẹp mới choàng tỉnh dậy.
Cũng từ khi đó vẻ đẹp lộng lẫy, mộng mơ, tha thướt, yêu kiều; đầy hấp dẫn, mê dụ; sang trọng quý phái mà sâu sắc, đậm đà của người đẹp Hương giang mới bung nở, rạng rỡ trong lòng hàng triệu người đọc, nhất là khi nó chính thức bước vào CT Ngữ văn năm 2000 và lần đầu tiên xuất hiện trong SGK Ngữ văn 12 (2007). Bây giờ lại tiếp tục có mặt trong CT 2018 và sách Ngữ văn lớp 11 (CD)”, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã chia sẻ những dòng tiễn biệt nhà văn tài hoa.
Đã viết như “không thể sống mà không viết”
Mùa hè 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến. 25 năm qua, ông chỉ ngồi trên xe lăn. Nhiều người lúc đó nghĩ rằng ông sẽ suy sụp, buồn chán mà bỏ nghiệp văn của mình. Tuy nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến mọi người phải thán phục trước nghị lực phi thường của ông.
Thuong tiec mot tai hoa Hoang Phu Ngoc Tuong-Hinh-2
 Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời còn trẻ (Ảnh: Tư liệu).
“Lúc đó tôi chỉ lo mình không đủ thời gian để viết hết những gì đã ấp ủ bấy lâu nay, bao nhiêu công việc dang dở còn chờ mình phải hoàn thành sao dễ dàng gục ngã như vậy được”, nhà văn có lần bộc bạch.
Không thể cẩm bút vì tay bị liệt, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đọc cho vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ghi ra giấy hoặc đánh trực tiếp lên máy vi tính. Sau đó ông nghe vợ đọc lại và chỉnh sửa kỹ càng từng câu.
Nằm trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục cho ra mắt nhiều tập sách như "Ngọn núi ảo ảnh" - tập bút ký; "Trong mắt tôi"- tập lý luận phê bình; "Rượu Hồng Đào chưa uống đã say"- Tập bút ký; "Cây đàn Lia của Hoàng tử bé"- Tập viết riêng về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn; "Miền cỏ thơm"…
Trong một tác phẩm, ông gọi vợ là hoàng hậu của một nhà vua không ngai, với những lời lẽ chân tình, cảm động:
"Tôi chỉ là nhà vua không ngai
Ông vua lận đận giữa trần ai
Em là Hoàng hậu bên tôi đó
Vàng áo phong trần mỗi sớm mai...".
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, cũng như các nhà văn lão thành đã mất, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc và quá nhiều đau thương.
“Và họ đã sống một cuộc sống với vô vàn khó khăn, thiếu thốn và nhiều thách thức, nhưng họ đã viết như "không thể sống mà không viết"”, ông Thiều viết.
Sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là nỗi đau buồn của Hội nhà văn Việt Nam. Nhưng ông đã được giải thoát khỏi bệnh tật và được bay về Cõi vĩnh hằng với người vợ của mình: nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn ông. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông. Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông và ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình.

Trong sự nghiệp viết văn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nắm giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình TP. Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Ông đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam các năm 1999, 2008; Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2003); Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Mai Loan