Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Trần Văn Trứ, tự là Anh Mẫn, thụy là Đôn Nhã, hiệu Thanh Khê, sinh năm 1716. Năm 28 tuổi, ông thi đỗ Hoàng Giáp khoa Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm 1743.
Ông ra làm quan tới Thiên đô ngự sử dưới thời vua Lê Hiển Tông, người đương thời quen gọi ông là tiến sĩ Từ Ô (ông quê thôn Từ Ô, huyện Thanh Miện, Hải Dương).
Sách Hải Dương phong vật chí chép rằng tuy làm quan to, vì thấy triều đình quá mục nát, ông cáo lão về quê. Nhiều người tiếc nuối, bởi ông là vị quan thanh liêm chính trực, có tài lại thương dân.
Tương truyền có lần, Trần Văn Trứ phụ trách khoa thi hương ở trấn quê nhà. Hay tin này, bà vợ nói riêng với ông “năm nay có đứa cháu đi thi, mong được ông rộng tay cho nó được mở mày mở mặt. Tên nó là Hi”.
Nghe vợ nói thế, ông không nói gì mà chỉ gật đầu biết vậy. Bà vợ lại nói với người theo hầu nhớ để ý việc này, khi nào ông duyệt đến quyển văn của cháu thì làm hiệu “hi hi”, để nhắc để ông nhớ.
Khi ông chấm văn, người hầu nhận ra dấu hiệu trong bài thi mà quan bà đã nói, liền đứng cạnh vờ đằng hắng “hi hi”. Khi ấy, ông sực nhớ lời vợ. Ông liếc qua lời văn dưới mắt mình thì thấy lời lẽ bất thông, không xứng đáng cho đỗ.
|
Tranh vẽ về "tiến sĩ cưỡi bò" dạy quan huyện hống hách bài học. |
Ngay lúc đó, ông cầm bút son sổ dài lên mặt quyển thi mà nói rằng: “Này thì hi hi! Này thì hi hi”. Thấy vậy, người này tái mặt, vội vàng trốn ra ngoài.
Theo sách Giai thoại văn học Việt Nam, trong lần về nhà, biết viên tri huyện là kẻ rất hách dịch, hễ ai qua nhà hắn mà không xuống ngựa, xuống cáng đều bị hắn đánh đòn. Một hôm, nhân đi chơi qua dinh huyện, ông mượn một con bò cưỡi đi nghênh ngang không chịu xuống.
Lính huyện thấy vậy liền ra lôi ông vào trong phủ quan. Ông nói là thầy đồ già đi dạy học ở tỉnh xa mới về nên không hay biết lệ này, vả lại lệ quan buộc phải xuống ngựa chứ không buộc xuống bò.
Nghe ông nói vậy, viên quan huyện quen thói hống hách liền la hét một hồi, truy hỏi sách này, vặn sách kia để thử thách. Thấy ông đối đáp trôi chảy, lại có vẻ ung dung mà có tuổi tác, viên quan có ý nể, liền bảo: “Lý ra tội nhà thầy phải đánh đòn, nhưng ta nể cái bộ râu của thầy nên tha đòn cho. Thầy phải đối câu ta ra để tạ ơn nghe!”.
Lão quan huyện ra vế đối rằng: “Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh”. Ông chợt nhớ tới chi tiết “bộ râu” trong vế đối của quan huyện bèn cười khẩy và nói to: “Tiến sĩ Từ Ô hạnh hữu tu nhi đắc thoát", nghĩa là "Tiến sĩ Từ Ô may nhờ có râu mà thoát đòn”.
Lúc này, viên quan huyện cùng lũ nha lại mới biết là tướng công họ Trần, sợ toát mồ hôi, liền phủ phục lạy như tế sao. Khi ấy, ông nghiêm sắc mặt, chỉnh cho chúng một hồi về đạo đức khiêm tốn rồi bỏ đi.
Một hồi sau, đám quan lại vẫn không dám đứng dậy, người xem được một trận cười. Từ đó, những hành động hống hách, vô lý kia của quan huyện cũng được bãi bỏ.
Trần Văn Trứ sinh ra trong gia đình khoa bảng, có nền nếp thi thư, nhiều đời có người làm quan, làm thầy đồ, thầy thuốc. Ông là người thẳng thắn, làm quan chấp pháp nghiêm minh, danh tiếng vang xa.
Sinh thời, ông để lại một số tác phẩm văn chương, dù số lượng hiện nay không thật đồ sộ, cũng đóng góp đáng kể cho diện mạo văn học trung đại Việt Nam thời kỳ này.
Bên cạnh đó, cuộc đời và nhân cách của ông là tấm gương phản ánh tư tưởng, tình cảm, vị trí của tầng lớp trí thức đương thời trong xã hội đầy biến động thời kỳ này.
Theo Nguyễn Thanh Điệp / Zing