Tiết lộ nội dung 22 lá thư Trần Nhân Tông gửi vua quan nhà Nguyên

Google News

Vua Trần Nhân Tông có một mảng văn chữ Hán mà cho đến nay chưa được công bố và nghiên cứu chưa đầy đủ. Đó là 22 lá thư gửi cho vua quan nhà Nguyên.

Trong số những lá thư này, có những lá còn giữ được nguyên vẹn, có những lá chỉ còn đoạn phiến. Điểm đặc biệt là chúng hầu hết được bảo tồn trong các tư liệu Trung Quốc, chủ yếu là Nguyên sử, Thiên Nam hành ký, Trần Cương Trung thi tập và An Nam chí lược. Phía các sử liệu nước ta hình như không bảo lưu một văn bản nào. Có chăng thì cũng chép lại văn bản từ các tác phẩm vừa nêu.
Tiet lo noi dung 22 la thu Tran Nhan Tong gui vua quan nha Nguyen
Đọc những lá thư này, điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất là quan điểm trước sau như một của vua Trần Nhân Tông:
Quan điểm không chịu đầu hàng giặc, không chấp nhận đánh mất chủ quyền quốc gia bằng cách thỏa mãn đòi hỏi của Hốt Tất Liệt, yêu cầu vua phải đích thân vào chầu tại Đại Đô ở Trung Quốc. Hốt Tất Liệt đã dùng nhiều mánh khóe lý luận khác nhau, từ lời dụ dỗ đường mật về quan tước mà y hứa ban cho, cho tới những lời đe dọa dùng vũ lực, và trên thực tế y đã hai lần dùng vũ lực để thực hiện ý đồ của mình, nhưng hoàn toàn thảm bại trước sức chiến đấu ngoan cường của quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông. Không những thế, vua Trần Nhân Tông còn vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những lý lẽ mà Hốt Tất Liệt đưa ra.
Chẳng hạn, Hốt Tất Liệt khoe khoang rằng y đối đãi rất nồng hậu với những người chịu đến chầu, coi họ như con cái mà y có trách nhiệm thương yêu. Những sứ giả do y cử đến, đều nói lòng thương của y bao la như trời biển phủ khắp mọi nơi. Chúng thường dùng tới câu “Nhất thị đồng nhân”, tức đem lòng nhân từ ra mà thương yêu khắp hết mọi người như nhau cả. Trước những luận điệu ấy, vua Trần Nhân Tông vạch ra rằng, nếu Hốt Tất Liệt có lòng thương như thế, thì tại sao phải bắt vua vào chầu ? Bắt vua vào chầu, lỡ dọc đường chết phơi xương thì thế nào?
Điều đó chắc chắn làm tổn thương đến lòng nhân của hoàng đế thiên triều. Ta sẽ thấy trong các lá thư hai lý luận này thường được nêu ra để trả lời tại sao vua ta không chịu vào chầu Hốt Tất Liệt.
Vua Trần Nhân Tông hiểu rõ hơn bất cứ ai rằng, vào chầu tức đầu hàng giặc, tức đem chủ quyền quốc gia mà trao cho giặc. Cho nên về điểm này nhà vua dứt khoát không có sự nhượng bộ nào. Hốt Tất Liệt tưởng dùng vài ba lá thư có thể khuất phục được ý chí cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia của vua Trần Nhân Tông. Nhưng y đồng thời cũng biết rằng, vài ba lá thư với lời lẽ dụ dỗ đường mật thế nào đi nữa, cũng không thể khuất phục được ý chí bảo vệ chủ quyền ấy. Cho nên, bên cạnh những lá thư đó, y đã vung sẵn lưỡi gươm qua hai lần liên tiếp xua quân tiến đánh nước ta với đám tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm chiến trường và hàng chục vạn quân binh thuyền bè.
Vậy mà y đã thất bại thảm hại.
Những lá thư viết cho các viên chức nhà Nguyên, mà chủ yếu là viết cho phái bộ Lương Tăng đến nước ta vào năm 1293, cũng thế. Đây là những lá thư vừa mềm mỏng, vừa đanh thép, lên án chính sách giả nhân giả nghĩa vừa nói, vạch trần những âm mưu đen tối nằm đằng sau những lời lẽ có vẻ quang minh chính đại. Một mặt khác, những lá thư này cho thấy thái độ khinh thường của triều đình ta đối với những kẻ đại diện cho thiên triều và thử thách khả năng chịu đựng của chúng. Trong An Nam tức sự của Trần Cương Trung thi tập 2 tờ 34a3-4, Trần Phu đã kể lại việc sứ bộ của y ngay khi đến nước ta đã bị triều đình Đại Việt đưa đi theo những con đường mới phát quang nhằm gây nỗi kinh hoàng cho chúng: “Sứ thần đến nước ấy, lại không đi theo lối cũ, đều phải đục núi mở đường, trèo vượt quanh co, ý là muốn tỏ ra xa hiểm”. Chúng biết thế, mà đành phải ngậm miệng đi theo, không dám đưa ra bất cứ một đòi hỏi nào.
Rồi khi đến Thăng Long, chúng phải qua nhiều lần đấu tranh, chúng mới được đi vào cửa Dương Minh, tức là cửa chính Nam của kinh thành, thay vì phải đi vào cửa Vân Hội hay cửa Nhật Tân mà triều đình ta đề nghị, như Lương Tằng truyện của Nguyên sử 178 tờ 1b3-6 đã ghi: “Tháng giêng năm Chí Nguyên 30 (1293) đến An Nam, Nước đó có 3 cửa. Giữa gọi là Dương Minh, trái gọi là Nhật Tân và phải gọi là Vân Hội. Bồi thần ra đón ngoài thành, sắp do cửa Nhật Tân để đi vào. Tăng rất giận, nói: ‘Đón chiếu không do cửa giữa, thế là ta làm nhục mệnh vua’. Liền trở về sứ quán. Thế rồi, mời mở cửa Vân Hội để đi vào. Tăng lại cho là không thể được. Rồi mới tự cửa Dương Minh đón chiếu vào. Tăng trách Nhật Tôn không tự mình ra đón chiếu”.
Đây có thể nói là những đòn nắn gân phái bộ thiên triều. Đòn nắn gân này trước đó vua Trần Nhân Tông đã cho Sài Thung nếm thử vào năm vua mới lên ngôi (1278), khi vua thiết yến hắn tại hành lang. Hắn tức giận trở về sứ quán. Đến khi vua ta báo sẽ thết tại điện Tập Hiền thì hắn mới đến, như An Nam truyện của Nguyên sử 209, tờ 4a11-12 đã ghi: “Nhật Huyên theo lệ cũ, thết yến ở dưới hành lang. Bọn Thung không chịu đến dự yến. Khi đã trở về sứ quán, Nhật Huyên sai Phạm Minh Tự đưa thư tạ lỗi, đổi thết yến đến điện Tập Hiền”.
Phái bộ Trương Lập Đạo đến nước ta vào năm 1291 cũng nếm thử những đòn này, dù sau đó vua Trần Nhân Tông đã tiếp đãi chúng rất vui vẻ, như chính bản thân Trương Lập Đạo đã ghi nhận trong Trương thượng thư hành lục do tên Việt gian Lê Thực chép lại trong An Nam chí lược 3 tờ 45-47.
Hai mươi hai lá thư vua Trần Nhân Tông viết cho vua quan nhà Nguyên, do thế, là một tập văn đáng cho chúng ta đọc để thấy cuộc đấu tranh ngoại giao và tư tưởng đầy cam go và thử thách giữa ta và kẻ thù. Chúng thể hiện ý chí sắt đá không chỉ của vua Trần Nhân Tông, mà của cả dân tộc ta trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, cương quyết không nhượng bộ kẻ thù bất cứ dưới hình thức nào. Chúng vì vậy, có thể coi như mở đường cho sự ra đời của loại văn phục vụ trực tiếp sự nghiệp đấu tranh chính trị và quân sự, mà sau này Nguyễn Trãi nhân danh Lê Lợi đã thực hiện trong Quân trung từ mệnh tập.
Loại văn này có đặc trưng của nó. Lời văn phải vừa tao nhã mềm dẻo, lại vừa đanh thép sắc bén. Phải có đủ lý lẽ để khuất phục kẻ thù về mặt tư tưởng, đánh trúng và đánh mạnh vào những tín niệm mà chúng coi như chân lý bất di bất dịch và tưởng không bao giờ có thể bị bác bỏ. Hốt Tất Liệt đã vạch ra cho vua Trần Nhân Tông thấy rằng, ở đời làm gì có người không chết, và trên cõi đất này làm gì có nơi bất tử. Nhưng vua Trần Nhân Tông cũng vạch cho y thấy rằng vấn đề không phải là chết hay không chết, mà vấn đề nằm ở chỗ cái chết ấy có lợi hại gì cho ai không.
Cũng như Hốt Tất Liệt tự hào về lòng nhân từ của y mà bao nhiêu đám quần thần xung quanh ra sức hết lời ca tụng, thì vua Trần Nhân Tông vạch ra rằng nếu y có một lòng thương như thế thì làm sao phải bắt vua vào chầu ? Hốt Tất Liệt trả lời vào chầu sẽ được ban thưởng tước vị trọng hậu. Vua Trần Nhân Tông đáp lại rằng, vua không những muốn được ban thưởng trọng hậu mà chính mắt mình muốn thấy được quang cảnh Trung Quốc, song chỉ sợ chết dọc đường thì sự ban thưởng có ích gì nữa. Chết dọc đường thì đối với bản thân vua Trần Nhân Tông đã không có lợi, mà ngay cả đối với Hốt Tất Liệt cũng chẳng có lợi gì, thậm chí còn làm tổn thương đến lòng nhân từ bao la của y.
Những lá thư này không chỉ lý luận để khuất phục kẻ thù, mà còn tố cáo tội ác của chúng đối với nhân dân Đại Việt.
Trong lá thư gửi cho vua Nguyên vào năm 1291 do Từ Minh Thiện chép lại trong Thiên Nam hành ký ở Thuyết phu 51 tờ 18b 6-7 vua Trần Nhân Tông đã kể những hành động tàn bạo cướp của giết người đốt nhà phá chùa của Ô Mã Nhi: “Đến mùa đông năm Chí Nguyên 24 (1287) lại thấy đại quân thủy bộ cùng tiến, thiêu đốt chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp trăm họ, các việc tàn ngược không gì là không làm (…). Tham chính Ô Mã Nhi lâu nắm quân thuyền, riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết, nhỏ thì bắt đi, đến nỗi treo trói mổ xẻ, thân một nơi đầu một ngã”. Đây có thể nói là bản cáo trạng đầu tiên về tội ác chiến tranh do những tên xâm lược hiếu chiến gây ra, và nhất định chúng phải bị nhân dân ta trừng phạt đích đáng, mà lá thư năm 1291 gửi cho vua Nguyên đã chỉ ra.
Những lá thư vua Trần Nhân Tông viết cho vua quan nhà Nguyên, như thế có một vị trí văn học nhất định. Đặc biệt chúng đã đi đầu, tạo nên thể loại văn học mà sau này Quân trung từ mệnh tập đã kế thừa và phát huy tới đỉnh cao hiệu lực của nó trong sự nghiệp đấu tranh với quân thù. Đây là loại văn học vừa đánh vừa đàm. Trọng lượng của lời nói trong những lá thư đàm phán được quyết định bằng những chiến thắng ngoài mặt trận. Nói cách khác, lời nói phải được yểm trợ và thể hiện bằng những hành động bạo lực. Cho nên, có những lúc, có những nơi dù lời nói có chính nghĩa, mà không có bạo lực thành công, đặc biệt trong quan hệ bang giao giữa hai nước, cũng không đạt được mục tiêu nó nhắm tới, là bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Những lá thư trên do vậy, có một vị trí văn học hết sức to lớn. Vị trí này cho đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức, thậm chí có nơi còn lệnh lạc, đặc biệt là trong các giáo trình văn học sử Việt Nam. Cho nên chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa ở đây để điều chỉnh lại cách đánh giá, nhằm làm rõ hơn những cống hiến đặc sắc mà vua Trần Nhân Tông đã đóng góp cho lịch sử văn học dân tộc ta. Đây cũng chính là lý do để cho chúng tôi sưu tập và công bố toàn bộ các lá thư do vua Trần Nhân Tông gửi cho vua quan nhà Nguyên. Từ trước tới nay, những lá thư này chưa hề được sưu tập và công bố một cách trọn vẹn, tối thiểu là trong giới hạn những tư liệu mà ta hiện biết.
Lối văn chữ Hán của những là thư này ít nhiều chịu ảnh hưởng văn phong tiếng Việt, đặc biệt có một số cấu trúc mà ta đã tìm thấy trong Lục độ tập kinh. Chẳng hạn trong lá thư thứ 5, theo cách đánh số của chúng tôi dưới đây, có câu: “Bất năng thân kiến mạc quan, nhiên trung tâm hân hạnh”. Cấu trúc trung tâm hân hạnh này là một cấu trúc tương đối đặc biệt. Dạng trung tâm chỉ thấy xuất hiện trong Kinh Thi, rồi sau đó trong bản dịch Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội1. Thế mà đến thế kỷ thứ 13, ngoài lá thư thứ 5 của vua Trần Nhân Tông vừa dẫn, ta còn gặp trong lá thư của vua Trần Thánh Tông viết gửi cho Hốt Tất Liệt vào tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 12 (1275) chép trong An Nam truyện của Nguyên sử tờ 3b2-10 với câu “trung tâm hỷ duyệt”. Đây rõ ràng biểu thị ảnh hưởng của Lục độ tập kinh. Trong thơ của Tuệ Trung Trần Quốc Tung, ảnh hưởng của kinh này rất rõ qua bài Vật bất năng dung.
Như vậy, thông qua những văn thư ngoại giao ấy ta còn biết thêm về những ảnh hưởng của kinh điển Phật giáo đối với loại văn chính luận không chỉ của vua Trần Nhân Tông, mà còn của những nhà thơ, nhà văn khác của triều Trần. Không chỉ có thế, những hình ảnh vua Trần Nhân Tông dùng trong văn thơ ngoại giao này bộc lộ ít nhiều quan điểm đánh giá của vua đối với Hốt Tất Liệt. Trong những lá thư, ta đọc thấy vua tự xưng mình là “bề tôi nhỏ bé” của Hốt Tất Liệt, nhưng hình ảnh mà vua dùng để có vẻ ca ngợi Hốt Tất Liệt thì hóa ra đó là một hình ảnh chê bai bóng gió. Ta nhiều lần bắt gặp vua Trần Nhân Tông nói đến Hốt Tất Liệt như “núi biển bao hàm, dơ bẩn chứa hết”(Văn thư số 9), hoặc “với lượng càn khôn bao chứa đồ dơ” (Văn thư số 20). Rõ ràng qua những lần xâm lược nước ta, lòng dạ Hốt Tất Liệt dĩ nhiên toàn bao chứa “đồ dơ” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Các văn thư ngoại giao của vua Trần Nhân Tông, do thế, đáng được đọc và nghiên cứu kỹ, để thấy sự sâu sắc và hoành tráng của một con người đã từng dựng nên một thời đại anh hùng của dân tộc. Đấy là con người vừa kiên cường bất khuất, vừa mềm dẻo thâm trầm, đầy lòng độ lượng vị tha nhưng cũng tràn trề ý chí quyết chiến quyết thắng, cương quyết đè bẹp mọi ý đồ xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Theo Lê Mạnh Thát/Dân Việt