Theo đó, vào ngày 15/10, Ban Quản lý di tích Nguyễn Du tiếp nhận cuốn "Kim - Túy - Tình - Từ" - thường gọi là Truyện Kiều in bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1917, từ Họa sỹ Lê Anh Tuấn - Hội Viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
|
Trang bìa trong của cuốn "Kim túy tình từ" được in bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1917 tại Sài Gòn. |
Cuốn sách được in lần thứ nhất tại nhà in Sài Gòn năm 1917, có khổ 22cm x 16cm, 157 trang (cả phần phụ lục), do ông Phạm Kim Chi dịch ra chữ Quốc ngữ.
Ông Hồ Bách Khoa cho biết: “Cuốn sách đã ngả màu vàng, mất trang bìa chính, từ trang bìa trong đến phần phụ lục đang được giữ nguyên. Đặc biệt cuốn sách có bài tựa của Tiến sỹ Nguyễn Mai (dòng họ Nguyễn Tiên Điền) nói về "Kim -Túy - Tình - Từ", do ông Hoàng Thúc Mậu phụng dịch”.
Như vậy, đến nay, ngoài bản in của ông Phạm Kim Chi về Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ thì trước đó xuất hiện thêm 2 bản dịch khác. Đầu tiên là của Trương Vĩnh Ký (in năm 1875), bản thứ hai là của Nguyễn Văn Vĩnh (in năm 1912) tại nhà in Ích Ký (Hà Nội).
"Cuốn "Kim -Túy - Tình -Từ" được đánh giá là một trong những cổ thư quý hiếm. Cuốn sách sẽ được Ban quản lý di tích Nguyễn Du giới thiệu, trưng bày vào bộ sưu tập các bản dịch Truyện Kiều qua các thời kỳ nhân dịp Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) vào cuối năm 2015", ông Khoa cho biết thêm.
Theo ĐS & PL