Dấu vết của tổ tiên chưa được biết đến xuất hiện khi các nhà nghiên cứu phân tích bộ gene từ các dân tộc Tây Phi và thấy rằng có đến 1/5 ADN của họ dường như đến từ họ hàng thất lạc này.
Các nhà di truyền học nghi ngờ rằng tổ tiên của người Tây Phi hiện đại đã giao hợp với những người cổ xưa chưa được khám phá này từ hàng chục nghìn năm trước, giống như người châu Âu cổ đại từng giao phối với người Neanderthal.
"Khi chúng tôi xem xét miền Tây châu Phi, tất cả đều có tổ tiên từ cộng đồng cổ xưa vô danh này", Sriram Sankararaman, nhà sinh học, người đứng đầu nghiên cứu tại Đại học California ở Los Angeles, nói với Guardian.
Một hộp sọ Homo neanderthalensis. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên/Alamy.
Thế giới từng là nhà của nhiều loài hoặc phân loài liên quan đến con người. Họ đã tình cờ gặp nhau và giao phối như lẽ tất nhiên. Kết quả là, người châu Âu hiện đại mang một ít gene người Neanderthal, trong khi người Australia bản địa, Polynesia và Melanesia mang gene từ Denisovans, một nhóm người cổ xưa khác.
Arun Durvasula và Sankararaman đã thu được 405 bộ gene từ bốn quần thể Tây Phi và sử dụng các kỹ thuật thống kê để tìm hiểu xem liệu một dòng gene từ việc lai tạo có thể xảy ra trong quá khứ không. Các phân tích cho rằng nó có trong mọi trường hợp.
"Có vẻ như họ đã tạo ra tác động khá lớn đến bộ gene của các cá nhân ngày nay mà chúng ta nghiên cứu. Họ chiếm 2% đến 19% nguồn gốc di truyền. Bốn nhóm dân số được nghiên cứu đến từ ba quốc gia: hai từ Nigeria và một từ Sierra Leone và Gambia", Sankararaman nói.
Theo ước tính tốt của các nhà khoa học, "dân số ma" tách ra từ tổ tiên của người Neanderthal và người hiện đại từ 360.000 đến 1 triệu năm trước. Nhóm bao gồm khoảng 20.000 cá thể sau đó được nhân giống với tổ tiên của người Tây Phi hiện đại tại một số thời điểm trong 124.000 năm qua.
Theo Tuyết Mai/Zing