Trạm vô tuyến này được đổi thành “Trạm S” và bắt đầu thu nhận các thông điệp Nhật Bản từ năm 1940.
Vào cuối Thế chiến II, Trạm S chuyên phục vụ thời Chiến tranh lạnh như can thiệp tin nhắn từ Nga và sau này là CHDCND Triều Tiên. Trạm S bị đóng cửa vào tháng 11/1953.
Trung tâm nghe lén
Khoảng tháng 5/1932, Hải quân Mỹ cho thành lập một trạm nghe lén vô tuyến đặt tại Fort Stevens (tiểu bang Oregon, nằm gần Astoria). Nhưng mãi đến năm 1938, trạm này mới khám phá ra những vấn đề tiếp nhận thông tin và áp lực buộc nó phải di dời. Sau khi khảo sát kỹ và quả quyết rằng không nơi nào khác ngoài đảo Bainbridge mới là địa điểm lý tưởng, thế là trạm nghe lén Fort Stevens tái dời đến hòn đảo này trong tháng 9/1939.
Đi vào hoạt động tại Fort Ward (nơi này được thành lập trong giai đoạn 1900-1903) như là Trung tâm hỗ trợ các hoạt động truyền thông (COMSUPACT). Những chiếc ăng ten hình thoi được dựng lên trên khu vực duyệt binh. Năm 1940, cơ sở này được tái đổi tên thành Trạm S trực thuộc Trung tâm hỗ trợ các hoạt động nhóm an ninh hải quân Mỹ (NSGA) và trực tiếp nghe lén mạng lưới vô tuyến Tokyo chuyển đến San Francisco, ghi nhận các thông điệp ngoại giao Nhật Bản được gửi đi bằng mã Morse tiếng Nhật.
Ngay từ đầu, Trạm S đã hoạt động rất bí mật, tránh khỏi sự ngờ vực của các cư dân địa phương và công luận. Được đặt trong khuôn viên của một trạm quân đội cũ với trung tâm tình báo vô tuyến đặt bên trong tòa nhà hậu cần quân đội cũ, tránh xa tai mắt của dân sở tại. Chính cơ chế bảo mật này đã giúp cho Fort Ward có nhiều không gian trống và không cần xây dựng mới bất kỳ cấu trúc nào, nhưng cũng đồng thời thu hút sự quan tâm từ bên ngoài để từ đó cần thiết mở cơ sở đánh chặn liên lạc vô tuyến. Chưa hết, trạm nghe lén Bainbridge còn có một hoạt động tình báo quan trọng khác, đó là Tìm hướng vô tuyến (RDF) để định vị và theo dõi chính xác các tàu địch. Bằng cách dùng tín hiệu vô tuyến thu được từ một số trạm nghe, RDF có thể nhận dạng chính xác địa điểm có tàu địch.
Để xác định hay nhận dạng vị trí có tàu lạ thì cần ít nhất 2 báo cáo của trạm RDF, nhưng cũng thêm một báo cáo thứ 3 để đảm bảo sự chính xác về địa điểm bị nghi ngờ. Trạm nghe lén Bainbridge hoạt động ở Mạng định hướng tần số cao Bờ Tây với tư cách là Trung tâm sơ đồ và điều khiển mạng, tổng hợp dữ liệu từ chính nó và các trạm RDF khác nhằm ghi lại nhật ký về những vị trí có tàu Nhật Bản. Dữ liệu này sau đó sẽ được gửi đến các Bộ chỉ huy hải quân Bờ Tây cùng trưởng phòng tác chiến hải quân ở Washington D.C.
Trường vô tuyến hải quân
Ngày 28/10/1940, Trường vô tuyến dự bị hải quân Mỹ được mở ở Fort Ward. Mỗi lớp học bao gồm 40 học viên, họ có khoảng 4 tháng được đào tạo về vận hành vô tuyến. Để có thể phục vụ cho các học viên này, toàn bộ 6 buồng giam trong nhà bảo vệ của pháo đài cũ đã bị dỡ bỏ và không gian được cải tạo lại thành một lớp học hoàn chỉnh. Thêm nữa, doanh trại của pháo đài cũng được tái tân trang để làm ký túc xá cho học viên. Các học viên sẽ học về mã Morse, đánh máy chữ, các hoạt động liên lạc hải quân, và nghề thủy thủ sơ cấp. Khi tốt nghiệp, những người vượt qua bài kiểm tra sẽ nhận được đánh giá xếp hạng thứ 3 của trạm vô tuyến để rồi họ được đứng chân vào hạm đội hay phải vào bờ. Ngôi trường này đã cung cấp sự bảo vệ hoàn hảo cho các hoạt động vô tuyến tuyệt mật trên khắp các khu vực diễu hành ở tòa nhà hậu cần quân đội cũ.
Sau đó một bài luận ảnh toàn trang xuất hiện trên báo The Seattle Times đã hé lộ rằng trường vô tuyến là mục tiêu của hải quân Mỹ khi đặt trụ sở trên đảo Bainbridge. Năm 1941, thêm một thửa đất rộng 160 mẫu Anh (64,7 ha) được mua lại, thửa đất này nằm ở Tây và Nam của Fort Ward. Các đội xây dựng đã dựng lên 60 tòa nhà khung gỗ tạm thời, và những tòa nhà hiện có tại Fort Ward cũng đã được sửa đổi để sử dụng mới. Tòa nhà hành chính cũ đã trở thành nơi ở của chỉ huy Trạm S, ông B.C.Purrington (1896-1961). Tiệm bánh một thời đã trở thành nhà chứa máy phát điện. Bản thân tòa nhà hậu cần quân đội đã được sửa sang lại thành Trạm S.
Hoạt động trong chiến tranh
Tháng 11 và đầu tháng 12/1941, sự gia tăng các tin nhắn ngoại giao từ phía Nhật Bản được thu thập và lưu giữ tại Trạm S khiến nơi này tất bật đánh chặn các lưu lượng tin tức, và đạt đỉnh từ ngày 4/12/1941 đến 6/12/1941. Chỉ huy B.C.Purrington cũng ghi nhận đà tăng hoạt động tàu thuyền trong các báo cáo mật của Trạm S từ tháng 11 và 12/1941 của ông gửi cho Trưởng phòng tác chiến hải quân ở Washington, D.C. Hoạt động vô tuyến và tàu bè liên tục cho thấy có điều gì đó quan trọng đang xảy ra.
Ngày 7/12/1941, Trạm S đánh chặn một tin nhắn từ Nhật Bản có nội dung đại loại ngừng việc đàm phán với Hoa Kỳ. Ngay lập tức Trạm S đã chuyển tiếp thông điệp quan trọng này về cho Washington, D.C. Đầu tháng 9/1941, các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Nhật Bản đã đi đến quyết định rằng Nhật phải tham chiến nếu như họ không thể đạt được nguồn vật tư thô và dầu mỏ thông qua các cuộc đàm phán.
Mỹ và các nước khác đã đóng băng tài sản của Nhật Bản cũng như ngăn chặn nước này tiếp cận với nguồn dầu thô. Trong lúc đó Nhật đang chiến đấu ở Trung Quốc và rất cần có dầu để duy trì chiến dịch của mình. Các nhà ngoại giao Nhật được chỉ thị đi đàm phán dù họ dự đoán rằng điều đó sẽ không thành công. Trong khi đó quân đội Thiên hoàng đang ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh. Thông điệp bị trạm vô tuyến Bainbridge chặn được chính là tín hiệu khai mào chiến tranh. Tin nhắn bị chặn này cho thấy người Nhật tin chắc rằng không thể đạt được thỏa thuận dù có đàm phán gì đi chăng nữa.
Người Nhật bí mật di chuyển các lực lượng hải quân của họ đến tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii. Tokyo lên kế hoạch rằng đại sứ Nhật sẽ chuyển thông điệp lên Bộ Ngoại giao Mỹ vào lúc 1 giờ chiều ngày 7/12/1941, tức chỉ một thời gian ngắn trước khi bắt đầu đánh Trân Châu Cảng. Nhằm duy trì lợi thế gây ngạc nhiên, chính phủ Nhật không đưa ra lời tuyên chiến.
Việc gửi thông điệp bị trì hoãn, và bất chấp nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy chiến tranh có thể nổ ra, các quan chức tình báo Mỹ đã không lường trước cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Cho đến 1 giờ 20 phút chiều theo giờ Washington D.C vào ngày hôm sau, 8/12/1941, sau bài phát biểu trước quốc hội và toàn quốc, Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1882-1945) đã ra lời tuyên chiến với Nhật Bản. Lại nói tới Trạm S. Tới tháng 11/1942, Trạm S tiếp quản công tác tình báo vô tuyến của Canada.
Trong suốt Thế chiến II, một mạng lưới diệt tàu ngầm đã được giăng khắp Rich Passage (eo biển thủy triều ở Puget Sound). Tới tháng 9/1942, một trạm phát vô tuyến hải quân được xây dựng tại Battle Point, phía Bắc của Trạm S. Trạm Battle Point bao gồm một tòa nhà phát vô tuyến được đúc bê tông kiên cố, một tòa nhà hình xoắn ốc và 4 tòa tháp cao chót vót. Sau đó có một trụ tháp vô tuyến cao 243,8m được đựng thêm vào.
Trạm S chuyên trách tình báo bị đánh chặn từ Thái Bình Dương về cho Bộ Tư lệnh hải quân số 13 đóng ở thành phố Seattle. Năm 1944 xuất hiện các nữ tình nguyện viên khẩn cấp đến làm việc tại Trạm S. Tháng 1/1945, một số nữ nhân viên tình nguyện khẩn cấp đã được huấn luyện rành rẽ cách dùng mã Morse tiếng Nhật đã lên đường làm việc ở các trạm nghe lén khác. Sau Thế chiến II, các mục tiêu nghe lén mới đã được lựa chọn. Năm 1946, Trường vô tuyến hải quân đã dạy mã tiếng Nga, và các tin nhắn Liên Xô đã bị nghe lén. Năm 1950, Trạm S bắt đầu đánh chặn thông điệp từ CHDCND Triều Tiên. Trường vô tuyến hải quân đã trở thành Trường kỹ thuật liên lạc hải quân Mỹ chuyên trách dạy học viên các kỹ năng vô tuyến ngay từ tháng 10/1951 cho đến khi trường này đóng cửa vào tháng 12/1953.
Trung tâm các hoạt động nhóm an ninh hải quân bị đình lại năm 1953 còn Trạm S được chuyển đến Marietta (tiểu bang Washington). Năm 1958, Hải quân Mỹ bỏ hoang đảo Bainbridge. Năm 1959, Cơ quan hành chính các dịch vụ công (GSA) đã tiến hành xử lý đất và nhà cửa trên đảo. Trạm Battle Point bị đóng cửa vào năm 1971 và thửa đất này biến thành quận Bainbridge Park. Năm 1972, chính quyền liên bang đã tháo bỏ 5 tòa tháp vô tuyến. Khu vực này ngày nay trở thành công viên Battle Point, còn bản thân nhà phát vô tuyến trước đây đã biến thành trung tâm thể dục thể thao. Năm 1978, Fort Ward đã được liệt kê trong Sổ đăng ký địa điểm lịch sử quốc gia Hoa Kỳ.
Theo Văn Chương/An Ninh Thế Giới