Hay có người ví von Thanh Hóa là đất “đế vương chung hội” vì đa số vua, chúa đều xuất thân từ nơi đây. Trong khi đó, Cao Bằng là đất “đế vương dung thân”, giúp vua giữ gìn phúc khí.
Dựa trên các tài liệu lịch sử, Thanh Hóa quả thực là “cái nôi” sản sinh ra nhiều vua, chúa nhất Việt Nam với 4 triều vua, gồm: Nhà Tiền Lê (2 người), nhà Hồ (2 người), nhà Hậu Lê (27 người) và nhà Nguyễn (13 người). Bên cạnh đó còn 2 dòng là chúa Trịnh và chúa Nguyễn.
Thanh Hóa vào thời Bắc thuộc được gọi là Cửu Chân, sau này là Ái Châu. Nơi đây được đổi tên thành Thanh Hoa vào thời nhà Lý, tồn tại đến thời nhà Nguyễn. Sau này vì trùng tên húy với bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Triệu Trị) nên đổi thành Thanh Hóa.
Mảnh đất địa linh nhân kiệt này được nhận xét là linh thiêng bậc nhất Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng địa phương này ẩn chứa long mạch, hội tụ linh khí nên mới là nơi phát tích của nhiều vua, chúa như vậy. Đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể cho lý do vì sao Thanh Hóa lại sản sinh ra nhiều bậc đế vương, anh hùng hào kiệt như thế.
Theo phong thủy địa lý, Thanh Hóa có hình thế đắc địa, thuận lợi khi vừa có rừng, vừa có biển, lại có cả sông và rừng già. Quân xâm lược phương Bắc cũng nhìn ra điều này nên sợ rằng nơi đây sẽ xuất hiện bậc đế vương chống lại mình. Đó là lý do nhiều thầy phong thủy, địa lý của chúng tìm cách để trấn yểm, phá bỏ phong thủy của Thanh Hóa.
Bên cạnh đó còn vô số truyền thuyết gắn liền với đất Thanh Hóa trong quá trình các triều đại thành lập. Chung quy lại, mảnh đất này vẫn được xem là “đất vua, quê chúa” độc nhất vô nhị ở nước ta. Không một nơi nào trên Việt Nam có nhiều vua, chúa như Thanh Hóa.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hiện tại Thanh Hóa là một trong số những tỉnh thành phát triển nhanh của Việt Nam. Nơi đây vẫn được đánh giá cao về tiềm năng và là tỉnh có nhiều nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dị bản
Ngoài câu nói được lưu truyền là “Vua xứ Thanh, Thần xứ Nghệ” thì trong dân gian còn xuất hiện dị bản “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” hay “Thanh thế, Nghệ thần” cũng nói về 2 xứ lắm vua nhiều chúa này.
Hai tác giả H.Le Breton và Đặng Thai Mai đã đưa ra giải thích cho câu nói này có nghĩa là vùng đất Nghệ Tĩnh được thừa hưởng ân huệ của vua chúa. Nơi đây cũng là vùng đất của các vị thần. Nghệ Tĩnh hãnh diện vì có một trong bốn ngôi đền đẹp nhất An Nam “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Giáo sư Đặng Thai Mai còn giải thích rằng “Thanh Hóa là đất đế vương. Nghệ Tĩnh là đất thần linh. Thần xứ Nghệ phần lớn là những nhân vật lịch sử. Lịch sử Nghệ Tĩnh luôn gắn với nước nhà. Trong các thời kỳ khủng hoảng bi đát của dân tộc người xứ Nghệ vẫn tự hào với những di tích anh hùng và những nhân vật lẫy lừng của xứ sở”.
Hiện tại Thanh Hóa- Nghệ An là 2 tỉnh quan trọng của Việt Nam cả về kinh tế và lịch sử. Nơi đây vẫn luôn sản sinh ra những người con ưu tố, nhân tài giúp ích cho đất nước đúng như dân gian lưu truyền về mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.
Theo PV/thoibaovhnt.com