Một trong những hành vi xâm phạm thân thể, tiết hạnh của phụ nữ bị xử lý rất nghiêm khắc đó là tội cưỡng dâm. Để có cơ sở pháp lý trừng phạt những kẻ dâm tà phạm tội, vua Lê Thánh Tông đã ban hành một số chế định về vấn đề này.
Theo định nghĩa trong Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta, cưỡng dâm được hiểu là “người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu”. Trong trường hợp này, nạn nhân dù không muốn những vẫn buộc lòng phải đồng ý giao cấu trước các thủ đoạn dọa dẫm, hứa hẹn, lừa phỉnh, dụ dỗ giúp đỡ về vật chất, tình cảm…
|
Giở thói dâm bôn hại nữ sắc. Tranh minh họa. |
Cưỡng dâm là một trong những hành vi thuộc tội phạm tình dục, pháp luật phong kiến nói chung và luật pháp triều Hậu Lê nói riêng chưa có khái niệm giải thích về tội này. Tuy nhiên trong các điều luật đã có sự phân biệt giữa cưỡng dâm với các tội phạm khác như tội gian dâm, thông dâm, thông gian, hiếp dâm…; thậm chí có điều luật còn nêu ra tình huống tương tự như trong khái niệm về tội cưỡng dâm của luật hình sự hiện đại, như tại điều 408 của bộ Quốc triều hình luật quy định như sau: “Ngục quan và ngục lại, ngục tốt gian dâm với những đàn bà, con gái có việc kiện tụng thì xử tội nặng hơn tội gian dâm thường một bậc. Đàn bà, con gái mà thuận tình thì giảm tội ba bậc, bị hiếp thì không xử tội”.
Trong sách Thiên Nam dư hạ tập, một văn bản luật đương thời cho biết vào năm Ất Dậu niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465), vua Lê Thánh Tông ban bố nhiều điều lệ, trong đó cũng có quy định tương tự như tại điều 408 Quốc triều hình luật, đó là quy định: “Ngục quan, ngục tốt thông dâm với nữ phạm nhân thì bị xử tăng thêm 1 bậc so với tội thông dâm thông thường. Nữ phạm nhân nếu là thông dâm thì được giảm 3 bậc, nếu bị cưỡng bức thì không bị bắt tội”.
Mức hình phạt cho tội cưỡng dâm
Sử sách chép rằng, trong số các lệ được ban bố ngày 20 tháng 4 năm Bính Thân niên hiệu Hồng Đức thứ 7 (1476) có quy định về tội cưỡng dâm vợ người khác như sau: “Đạo trời có sinh có tử, chỉ biết thọ yểu, đạo lý của con người có nam có nữ phải có hôn nhân, đó là lẽ thường của vợ chồng lưu truyền mãi cho đời sau. Nguyễn Mỗ bất chấp điều luật, coi thường phép nước, phạm tội cưỡng dâm vợ người, bị xử tội lưu, thích chữ vào mặt, đánh 80 trượng”.
Về sau, mức hình phạt áp dụng cho kẻ phạm tội cưỡng dâm được tăng lên khi bộ Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật, bộ luật Hồng Đức) được chính thức ban hành vào năm Qúy Mão niên hiệu Hồng Đức 14 (1483).
Đây là bộ luật nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò đặc biệt nhất trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam bao gồm 16 chương, 722 điều chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ được xem là chuẩn mực của nền cổ luật nước ta qua nhiều triều đại; bên cạnh tính giai cấp nó còn mang tính nhân dân và tính dân tộc đặc trưng.
|
Thi hành án trảm quyết. Tranh minh họa. |
Về tội cưỡng dâm, tại điều 403 thuộc chương Thông gian của Quốc triều hình luật có quy định mức hình phạt như sau: “Cưỡng dâm thì xử tội lưu hay tội chết và phải nộp tiền tạ hơn tiền tạ về tội gian dâm thường một bậc. Nếu làm người đàn bà bị chết thì điền sản kẻ phạm tội phải trả cho người nhà người chết”.
Như vậy với tội cưỡng dâm, hình phạt nhẹ nhất là lưu (đi đày) và cao nhất là tử hình. Theo điều 1 của Quốc triều hình luật, tội lưu có 3 mức là: Lưu châu gần như đày vào Nghệ An, phải đeo xiềng kèm theo đánh 90 trượng, bị thích 6 chữ vào mặt. Lưu châu ngoài như đày vào Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình), phải đeo xiềng 2 vòng, bị đánh 90 trượng, thích 8 chữ vào mặt. Lưu châu xa đến các vùng biên cương như Cao Bằng, phải đeo xiềng 3 vòng, bị đánh 100 trượng, thích 10 chữ vào mặt.
Đối với án tử hình, cũng được chia làm 3 bậc, theo đó “thắt cổ, chém là một bậc; chém bêu đầu là một bậc; lăng trì là một bậc; tùy theo tội mà tăng giảm”.
Hình phạt áp dụng trong các trường hợp cưỡng dâm khác nhau
Tuy cùng là hành vi cưỡng dâm, nhưng đối tượng bị cưỡng dâm khác nhau thì trong một số điều luật, luật lệ cụ thể, mức xử lý cũng được quy định rõ ràng tùy trường hợp. Theo Hồng Đức thiện chính thư, năm Bính Thân (1476) Lê Thánh Tông ban bố các quy định về hộ hôn với nhiều điều răn cấm, trong đó có quy định chỉ xử kẻ phạm tội, còn “trường hợp bị cưỡng dâm thì đàn bà, con gái không bị xử tội”.
Sách Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức thì ghi nhận các quy phạm như sau: Nếu quan lại “cưỡng dâm gái tân, bị đánh 80 gậy, xử tội đồ, giáng một chức”, “nếu cưỡng dâm dân nữ, quả phụ, bị đánh 100 gậy, thích 80 chữ vào mặt, xử tội đồ làm lính chăn voi”; trường hợp “cưỡng dâm trẻ con dưới 12 tuổi thì xử tội giống như tội cưỡng dâm dân nữ”.
Riêng về trường hợp giao cấu với trẻ em gái tuổi từ 12 trở xuống, bộ Quốc triều hình luật quy định: “Gian dâm với con gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù người con gái thuận tình, cũng bị xử tội như tội cưỡng dâm” (Điều 404). Hay như trong bộ Thiên Nam dư hạ tập cũng có quy định tương tự: “Gian dâm với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, tuy là thuận tình nhưng cũng bị xử tội cưỡng dâm”.
|
Bắt trói tội phạm. Ảnh minh họa. |
Ban quy cách về lập biên bản vụ việc phụ nữ bị cưỡng dâm
Để thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về vụ việc, đề ra biện pháp xử lý, vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) vua Lê Thánh Tông cho ban bố bản Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức (thể thức đơn kiện tụng thời Hồng Đức) cung cấp những mẫu đơn từ giúp người thực thi pháp luật và người dân nắm được nội cung, cách thức làm các dạng văn bản khác nhau như đơn kiện, đơn xin bồi thường, giấy cam đoanm tờ trình, biên bản… để dựa vào đó mà làm theo khi xảy ra một tình huống pháp luật cụ thể. Trong đó thể thức lập biên bản về vụ cưỡng dâm phụ nữ quy định như sau:
“Xã trưởng mỗ xã, huyện, phủ mỗ xử lý vụ cưỡng dâm con gái nhà người. Vào giờ, ngày, tháng, năm mỗ thấy Nguyễn… người bản xã đến trình rằng con gái y bị Nguyễn mỗ người bản xã cưỡng dâm. Xã trưởng cùng mọi người đến tận nơi xem xét, thấy Nguyễn mỗ bị trói tay ngồi dưới đất, tay trái bị thị mỗ cắn vết thương rộng mấy phân, một đoạn giải áo dài bao nhiêu. Qủa thật là Nguyễn mỗ dưỡng dâm Thị mỗ, không phải là điều gì khác. Nay lập biên bản”.
* * *
Trên đây chỉ là một số quy định được vua Lê Thánh Tông ban bố nhằm xử lý tội phạm cưỡng dâm, đó như là những biện pháp răn đe nhằm giữ gìn sự ổn định xã hội, sự bình yên trong gia đình, làng xóm; ngăn chặn những kẻ manh tâm có thể vì dục vọng đê hèn mà làm tổn thương đến nhân phẩm phụ nữ, ảnh hưởng đến đạo đức, luân lý, chuẩn mực.