Nhìn lại lịch sử thời Tam Quốc, có thể thấy năm 219 có thể xem là một trong những cột mốc lịch sử quan trọng hàng đầu của giai đoạn này.
Theo Qulishi, chỉ trong một năm này, Tào Tháo có thể xem như vô cùng chật vật, còn 3 nhân vật cùng chiến tuyến lúc bấy giờ là Lưu Bị, Quan Vũ và Tôn Quyền lại có cơ hội bước lên đỉnh cao của cuộc đời.
Thế nhưng cũng không mấy ai có thể ngờ rằng, chẳng bao lâu sau đó, ba nhân vật từng cùng dắt tay nhau đi tới đỉnh cao ấy lại vô tình kết một món nợ máu khó trả.
Và nguyên nhân của món nợ máu nói trên lại đến từ thủ cấp của Quan Vũ – người được mệnh danh là vị tướng"uy chấn Hoa Hạ" lúc bấy giờ.
Liên thủ với Tào Tháo, Tôn Quyền đánh úp Quan Vũ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau khi Lưu Bị xưng là Hán Trung Vương, Quan Vũ đã phát động cuộc tấn công vào Phàn Thành. Tại đây, ông dùng kế khiến nước ngập 7 đạo quân Tào, bắt sống Vu Cấm, chém chết Bàng Đức, uy chấn Hoa Hạ.
Thậm chí, khí thế của Quan Vũ lúc ấy đã khiến cho Tào Tháo sợ hãi tới nỗi phải bàn tính tới chuyện rời đo.
Thế nhưng dưới sự khuyên can và hiến kế của Tư Mã Ý cùng Tưởng Tế, ông đã nảy ra một ý tưởng hết sức khôn ngoan: Đó là liên minh với Tôn Quyền để cùng nhau đối phó Quan Vũ.
Vào thời điểm nhận được lời mời liên minh từ Tào Tháo, Tôn Quyền đã phải cân nhắc không ít lần.
Bàn về chuyện riêng, Quan Vũ từng kết thù với ông vì từ chối mối hôn sự với nhà họ Tôn và thậm chí còn sỉ nhục cha con ông. Luận về việc công, bản thân Tôn Quyền cũng không muốn thấy Lưu Bị lớn mạnh để rồi lấn át thế lực của họ.
Cho nên sau cùng, vị quân chủ Đông Ngô ấy đã quyết định đồng ý với lời đề nghị của Tào Tháo, liên minh để đánh úp Quan Vũ.
Kết quả là sau đó Quan Vũ thua chạy ở Mạch Thành rồi bị giết trong tay thuộc hạ của Đông Ngô.
Thế nhưng điều đáng nói lại nằm ở chỗ, sau khi hạ sát thành công vị tướng này, Tôn Quyền đã sai người mang thủ cấp của Quan Vũ dâng cho Tào Tháo. Vì sao ông phải làm như vậy?
Lý do khiến Tôn Quyền dâng thủ cấp của Quan Vũ cho Tào Tháo
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau khi Quan Vũ bị giết trong tay một tiểu tướng tên là Mã Trung, Tôn Quyền đã sai người đưa thủ cấp của ông đến cho Tào Tháo, còn mình thì làm lễ an táng cho thi hài của vị tướng ấy.
Qulishi cho rằng, thực chất Tôn Quyền cũng không muốn đuổi cùng giết tận vị tướng họ Quan. Mục đích thực sự của ông chỉ là tấn công để Quan Vũ không thể tiếp tục công thành chiếm đất.
Thế nhưng ít ai có thể ngờ rằng,vị tướng uy chấn Hoa Hạ ấy lại bại trước Lã Mông, để rồi mất mạng trong tay một tiểu tướng họ Mã.
Có thể là do Lã Mông trẻ tuổi muốn thông qua chiến thắng này để khẳng định mình, cũng có thể là do số phận đã định sẵn Quan Vũ chẳng còn đường sống trong hoàn cảnh ấy.
Thế nhưng hết thảy những điều này đều đã vô tình đẩy Tôn Quyền vào thế đầu sóng ngọn gió.
Thực chất, ông cũng không muốn kết món nợ máu sâu sắc với Lưu Bị và Thục Hán, bởi điều này không hề có lợi cho Đông Ngô.
Thế nhưng người cũng đã giết, sự việc này vẫn phải có cách giải quyết sớm nhất để hạn chế tối đa thiệt hại.
Cho nên vì vậy, Tôn Quyền mới quyết định dâng thủ cấp của Quan Vũ cho Tào Tháo. Hành động này ngầm để khẳng định rằng: Tào Tháo mới là người giật dây Tôn Quyền xuất binh tấn công Quan Vũ, nay người đã chết, dâng thủ cấp cho Tào Ngụy là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên nước cờ đổ tội nói trên cũng không thể qua mắt được một Tào Mạnh Đức lão luyện. Đối phó với nước đi hiểm hóc từ Tôn Quyền, Tào Tháo đã làm một việc ít ai có thể chê trách.
Theo đó, khi nhận được thủ cấp của Quan Vũ, ông đã tỏ ra vô cùng đau buồn, sau đó dùng cách thức an táng long trọng dành cho chư hầu để hạ táng thủ cấp của Quan Vũ.
Bởi vậy nên sau cùng, cũng chỉ có mình Tôn Quyền với Đông Ngô là phải gánh chịu toàn bộ sự thù hằn và phẫn nộ của Lưu Bị trước món nợ máu này.
Tuy nhiên trên thực tế, không ít người thức thời từ sớm đã nhìn ra cái khó của Tôn Quyền. Cho nên sau khi Lưu Bị qua đời, Thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng đã nhanh chóng nối lại mối quan hệ bang giao với Đông Ngô có lẽ cũng là vì vậy.
Theo Trần Quỳnh/Gia đình & Xã hội