Chủ hôn cho “Tích Lịch Hỏa” Tần Minh
Hồi 33, Tần Minh theo lệnh Tri Phủ Thanh Châu đem quân đi đánh Tống Giang – Hoa Vinh, trúng kế mai phục, quân binh chết quá nửa còn bản thân thì bị bắt sống. Trong lúc lưu Tần Minh ở sơn trại Thanh Phong, Tống Giang triển mưu độc sai người giả dạng “Tích Lịch Hỏa” đánh phủ Thanh Châu, giết hại dân thường, đốt phá nhà cửa. Vì chuyện này mà tri phủ Thanh Châu – Mộ Dung Ngạn Đạt đã cho thủ hạ giết chết vợ con Tần Minh.
Rơi vào thế “lên trời hết lối, xuống đất không đường” Tần Minh lại được bọn Tống Giang đón về núi Thanh Phong. Tại đây, Tống Giang mới khai thật về việc mình là chủ mưu cho tất cả những bi kịch của họ Tần: “Do Tổng Quản nhất định không chịu lưu lại sơn trại, bởi vậy Tống Giang định ra một kế. Cho tên lâu la hơi giống tướng dạng, ăn mặc các đồ mũ giáp, cưỡi ngựa cầm quân khí của ngài, mà dẫn quân về đánh phủ Thanh Châu. Lại cho Yến Thuận, Nụy Hổ đem năm mươi người đi giúp sức, giả làm Tổng Quản định vào đánh thành để cướp lấy vợ con, rồi lại đốt nhà giết người, để dứt hẳn lối về của Tổng Quản. Cái đó đều là tội của chúng tôi…”
Tần Minh căm lắm nhưng thân cô thế cố thì làm gì được, phải nén giận mà rằng: “Anh em các ông làm thế, vẫn biết có lòng tốt muốn lưu Tần Minh ở lại chốn này. Song chỉ thiệt riêng cho ta, vợ con chết cả, không còn lấy chi làm thú đời, như thế phỏng có độc địa quá không?”. Và chỉ chờ câu nói này của Tần Minh, Tống Giang từ chỗ chủ mưu hại chết vợ con họ Tần bỗng hóa… chủ hôn.
“Tống Giang đáp rằng: Nếu không làm như thế, khi nào huynh trưởng nỡ dứt lòng mà đến đây cho được? Hiện nay Hoa Vinh có một người em gái, tư chất cũng hiền tuệ hơn người. Vậy huynh trưởng có ưng thuận, thì sẽ cho sắm sửa tư trang mà làm lễ tục huyền ngay lập tức.Huynh trưởng nghĩ sao?”
Sau khi bọn Tống Giang thu phục nốt Hoàng Tín và giết chết vợ Lưu Cao (kẻ đã vu oan giáng họa khiến Tống Giang bị tống ngục và chịu nhục hình trước đó), Thi Nại Am đã viết về chuyện hôn sự của “Tích lịch Hỏa” với em của Hoa Vinh ở hồi 34 như sau: “Ngày hôm sau, Hoa Vinh mời Tống Giang, Hoàng Tín làm chủ hôn, Yến Thuận, Vương Nụy Hổ, và Trương Thanh làm nhà mối, để làm lễ thành hôn cho em gái lấy Tần Minh. Bao nhiêu lễ vật đều tự Hoa Vinh xuất tiền mãi biện. Đoạn rồi cùng nhau ăn uống vui chơi ba bốn ngày rất là thỏa thích”.
Chủ hôn đám Vương Anh – Hỗ Tam Nương
Trong những lớp lang câu chuyện ở Thanh Châu, Tống Giang ở lần thả vợ Lưu Cao – người mà Vương Anh năm lần bảy lượt muốn cưới làm áp trại phu nhân, đã có lời hứa với “Nụy Cước Hổ” thế này: “Nếu hiền đệ muốn cầu một người Phu Nhân Áp Trại, để sau này Tống Giang xin tìm một người xứng đáng về đây”, hay “Hiền đệ không nên để bụng làm chi, sau dẫu thế nào tôi cũng xin vì hiền đệ tìm một chỗ nhân duyên cho xứng đáng; không khi nào tôi dám sai lời”.
Và tới lần dẫn quân tới Độc Long Cương, đánh Chúc Gia Trang, Tống Giang đã thực hiện lời hứa này. Sau khi Hỗ Tam Nương đánh hạ Vương Anh nhưng chính nàng lại bị Lâm Xung bắt, Thủy Hử hồi 47 viết: “Bên này Tống Giang thu hết đại đội nhân mã ra đóng trại ở ngoài cửa thôn. Trước hết cho đem Nhất Trượng Thanh lên, sai hai mươi tên tiểu lâu la lão thành, cùng bốn người Đầu mục, cưỡi bốn con ngựa, rồi trói chặt hai tay Nhất Trượng Thanh, cho cưỡi lên một con ngựa, lập tức giải về sơn trại giao cho phụ thân là Tống Thái Công giữ”.
Trong khi đa số các đầu lĩnh Lương Sơn có bụng nghi ngờ Tống Giang muốn chiếm Hỗ Tam Nương làm “của riêng” thì bản thân họ Tống sớm đã có kế hoạch vô cùng sâu sắc. Mưu sâu của Tống Giang được thi triển theo những bước đi rất cụ thể: Kết hợp với kế phản gián của Tôn Lập để đánh tan nhà họ Chúc, mật lệnh cho Lý Quỳ thực hiện cuộc thảm sát 2 nhà Chúc – Hổ.
Chiến sự tại Độc Long Cương kết thúc với thắng lợi toàn diện của Tống Giang, toàn gia nhà họ Chúc (bao gồm cả Chúc Bưu – người có hứa hôn với Hỗ Tam Nương) bị tận diệt; Hỗ Gia ngoài Hỗ Tam Nương đã bị bắt trước đó chỉ còn duy nhất anh nàng – Hỗ Thành chạy thoát, còn lại cha mẹ người thân bị giết sạch. Hỗ Tam Nương thành kẻ “cô đơn giữa biển người” ở Lương Sơn. Và tới đây, Tống Giang mới triển nốt “đòn” cuối trong việc tạo ơn uy cho thuộc hạ.
“Tống Giang gọi Vương Nụy Hổ đến rằng: - Khi trước ở núi Thanh Phong, ta có hứa việc hôn nhân cho ngươi, từ bấy đến nay trong lòng vẫn áy náy, chưa sao mà như lời được. Vậy nay phụ thân ta có một người con gái, xin gả cho ngươi để khỏi phụ lời khi trước. Nói đoạn liền mời Tống Thái Công cho dẫn Nhất Trượng Thanh ra mà khuyên dỗ: - Người anh em tôi là Vương Anh tuy võ nghệ không bằng hiền muội, song trước tôi có hứa làm mối lương duyên cho hắn, mà chưa thành được. Vậy nay hiền muội đã nhận phụ thân tôi làm nghĩa phụ, thì các vị Đầu Lĩnh đây xin làm mối lái, chọn ngày lành tháng tốt cho hiền muội cùng Vương anh kết làm phu phụ, nên chăng?
Dĩ nhiên, ở vào thế thân cô thế cô, Hỗ Tam Nương làm gì còn lựa chọn nào khác mà không chấp thuận chuyện sắp đặt của họ Tống, dù Vương Anh là tay vừa xấu người (tướng ngũ đoản) lại xấu nết: “Nhất Trượng Thanh thấy Tống Giang có lòng như vậy, không tiện từ chối, bèn cùng Vương Anh lạy tạ mà nhận lời kết tóc xe tơ”.
Chủ hôn cho “Song Thương Tướng” Đổng Bình
Hồi 68, trong lần dẫn quân đánh phủ Đông Bình, Tống Giang thấy “Song Thương tướng” Đổng Bình lần đầu là ưa ngay. “Nguyên Đổng Bình là một người tinh anh lanh lợi, tam giáo cửu lưu không gì là không thạo, quản huyền ty trúc không gì là không hay. Nhân thế mà bọn Sơn Đông Hà Bắc, ai ai cũng gọi tên là Phong Lưu - Song thương Tướng xưa nay… Hôm đó khi trời vừa sáng, đôi bên dàn trận xong, Tống Giang đứng bên nầy trông thấy Đổng Bình, ra dáng vẻ anh hùng tuấn tú, thì trong bụng mừng lắm”.
Sau khi bắt sống và chiêu hàng Đổng Bình, Tống Giang được “Song Thương Tướng” dùng kế mở cổng thành Đông Bình rước nghĩa quân Lương Sơn vào. Trong những diễn biến ở sự vụ này, Thi Nại Am viết rõ: “Tống Giang truyền lệnh cho quân sĩ không được đốt nhà đốt cửa và không được giết hại lương dân. Đổng Bình vào tới thành, vội vàng chạy đến phủ đường, giết chết cả nhà Trình Vạn Lý và cướp lấy người con gái của Trình Thái Thú”. Tức Tống Giang một mặt không cho người của mình gây chuyện đổ máu trong thành nhưng mặt khác, để mặc Đổng Bình thực hiện cuộc thảm sát.
Ngược lại một chút về “tâm sự” của họ Đổng: “Trình Thái Thú nguyên có một người con gái hình dung yểu điệu, tính hạnh dịu dàng, Đổng Bình đã mấy phen toan dạm làm vợ mà Trình Vạn Lý nhất định không gả. Bởi thế nên hai bên có ý không bằng lòng với nhau từ trước. Hôm đó nhân ra trận đánh thành, Đổng Bình muốn thừa thế, mà cho người vào nói với Trình Thái Thú để dạm hỏi con gái”.
Có thể thấy Đổng Bình đã mượn việc giúp Tống Giang để mưu cầu cho lợi ích cá nhân. Còn Tống Giang, thì nương đúng “tâm sự” của tay võ tướng này để từ đó đạt được thắng lợi vang dội ở trận đánh phủ Đông Bình. Đôi bên cùng có lợi thế, chuyện hôn sự của Đổng Bình sau khi gia nhập Lương Sơn không được Thi Nại Am chép tới, nhưng chủ hôn thì chắc chắn không ai hợp hơn Tống Giang cả!
Nhìn lại một lượt ba lần chủ hôn của Tống Giang có thể thấy ngay 3 điểm chung lớn. Thứ nhất, trước đám hôn là một vụ thảm sát hoặc được chủ mưu bởi Tống Giang hoặc họ Tống có liên đới trực tiếp: gia đình vợ con Từ Ninh, hai nhà Hỗ Trúc và nhà Trình Thái Thú. Thứ hai, một trong hai đối tác của hôn sự (cô dâu hoặc chú rể) bị đặt vào thế ép buộc phải thành thân: em gái Hoa Vinh, Hỗ Tam Nương, Trình Tiểu Thư.
Và điểm chung cuối cùng là đều giúp họ Tống đạt được những lợi ích chính trị to lớn, củng cố vị trí của chàng ở Lương Sơn. Ban ơn uy cho kẻ dưới, tạo vây cánh vững chắc và có thêm đồng minh – tâm phúc cho mình. Cơ trí và thủ đoạn của Tống Giang, đúng là ít người bì kịp!
Theo Thanh Xuân/ Dân Việt