Các thành viên hoàng tộc nhà Thanh phân thành tôn thất và giác la. Tôn thất là con cháu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Giác la là con cháu của anh em Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Trong thời kỳ Thuận Trị vào làm chủ trung nguyên, tôn thất và giác la có tất cả 419 người. Sau khi triều Thanh sụp đổ, người ta thống kê hậu duệ tôn thất có khoảng 80.000 người, hậu duệ giác la có khoảng 60.000 người. Toàn bộ hoàng gia có hơn 140.000 thành viên.
|
Triều Thanh sụp đổ, các vương công quý tộc mất đi chỗ dựa, chật vật xoay xở trong cuộc sống mới. |
Mặc dù Phổ Nghi (lúc này 6 tuổi) đã xuống chiếu thoái vị nhưng theo “Điều lệ ưu đãi hoàng gia” trong thỏa thuận giữa triều đình với chính quyền Dân quốc mới, Phổ Nghi vẫn tiếp tục được sống trong Tử Cấm Thành, được chính quyền mới trợ cấp 4 triệu lượng bạc mỗi năm.
Bên cạnh đó, một bộ phận thành viên hoàng gia sống trong Tử Cấm Thành cũng được hưởng “Điều lệ ưu đãi hoàng gia” cho nên cuộc sống vẫn tương đối sung túc. Tình hình này được duy trì cho đến khi tướng Dân quốc Phùng Ngọc Tường phát động cuộc chính biến Bắc Kinh. Cựu hoàng cùng các thành viên hoàng gia bị Phùng Ngọc Tường trục xuất khỏi Tử Cấm Thành.
Một khoản thu nhập cố định lớn lâu nay bỗng biến mất, khiến cho các vương công quý tộc rơi vào lúng túng.
Theo Sina, với lượng lớn vàng bạc châu báu đã tích lũy cùng với công việc kinh doanh của gia đình, đáng ra các vương công quý tộc vẫn có thể đủ sống. Nhưng do họ đã quen cuộc sống xa hoa, tiêu xài hoang phí nên cũng đến lúc phải đem tài sản ra bán để sống qua ngày.
Cuộc sống hàng ngày của Thượng Thư Tải Chấn sau khi nhà Thanh sụp đổ vẫn cực kỳ xa hoa. Thê thiếp đầy nhà, cùng với chứng nghiện thuốc phiện, nên chi phí hàng ngày ở vương phủ rất tốn kém. Khi quân Nhật chiếm đóng Thiên Tân, việc kinh doanh của công ty Tân Nghiệp trở nên khó khăn, Tái Chấn chỉ còn cách bán dần đồ vật quý giá trong nhà để sống.
|
Thuần Thân vương Tải Phong. |
Thuần Thân vương Tải Phong không quen quản lý tiền bạc, nên tài sản trong nhà đem giao hết cho quản gia. Sau khi tiền bạc trong nhà sa sút nhanh chóng, họ chỉ còn cách đem bán dần những thứ quý giá trong nhà như đồ trang sức, đồ cổ, tranh thư pháp... để sống. Năm 1939, Tải Phong bán dinh thự của mình cho chính quyền bù nhìn Nhật Bản, được hơn 200. 000 NDT, đem gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất trang trải dần cho cuộc sống.
|
Lao động dựa vào thể lực là một trong những lựa chọn để thành viên hoàng gia duy trì cuộc sống mới. (ảnh minh họa) |
Có những người không thể tiếp tục “ngồi mát ăn bát vàng” mà tìm cách mưu sinh bằng những công việc dựa vào thể lực như đi kéo xe. Nhờ đó họ vẫn có cái ăn cái mặc.
Ngoài ra, cũng có không ít người bất chấp phẩm giá ăn xin dọc đường, trộm cắp, đào mộ tổ tiên. Phụ nữ thậm chí có người còn bán thân xác.
Biến cố xã hội này đã mang đến cho người Mãn Châu áp lực tinh thần rất lớn. Họ như rơi từ trên thiên đường rơi xuống địa ngục vậy.
Không chỉ rơi vào cuộc sống khó khăn, họ còn tổn thương tâm lý do mặc cảm. Nhiều người Mãn đã thay đổi họ, mạo xưng Hán tộc để che giấu nguồn gốc dân tộc. Có quý tộc người Mãn Châu từng viết ra những câu thơ: “Dân tộc thương tàn như cỏ rác. Ai dám tự xưng Mãn tộc đây”. Câu thơ này có lẽ cũng là tiếng lòng của đa số quý tộc Mãn Thanh lúc bấy giờ.
Khi đó, phần lớn người Mãn tộc đã thay tên đổi họ. Những người họ Ái Tân Giác La đều đổi thành họ Kim. Đa số Qua Nhĩ Giai Thị đổi thành họ Quan. Đa số Nữu Hỗ Lộc Thị đổi thành họ Lãng. Phần lớn Na Lạp Thị đổi thành họ Na...
Thế hệ sau này, những người nổi tiếng như Kim Xảo Xảo, Quan Chi Lâm, Na Anh... đều là người gốc Mãn Châu.
Đương nhiên, cũng có một số ít người lựa chọn khôi phục triều Thanh, trong đó có Trương Huân trực tiếp phát động cuộc binh biến. Ngoài ra còn còn rất nhiều người bị cho là câu kết với chủ nghĩa đế quốc nhưng cuối cùng đã thất bại.
Theo Hồng Nhung/ Dân Việt