Trong "Tây Du Ký", sư phụ của Ngọc Hoàng là ai?
Đạo giáo Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa và Thái Thượng Lão Quân được coi là ông tổ sáng lập đạo. Trong thần thoại Trung Quốc, Thái Thượng Lão Quân được đồng nhất với Lão Tử, tuy nhiên trong Đạo giáo thì Lão Tử chỉ là một hóa thân giáng trần của Thái Thượng Lão Quân. Trong "Tây Du Ký", Thái Thượng Lão Quân đứng vị trí rất cao, chỉ sau Ngọc Hoàng trong hàng ngũ các thượng tiên hàng đầu thiên giới.
Trong thần thoại Trung Quốc, Thái Thượng Lão Quân là đệ tử của Hồng Quân Lão Tổ. Hồng Quân Lão Tổ có ba đệ tử gọi là Tam Thanh bao gồm Thông Thiên Giáo Chủ, Thái Thượng Lão Quân và Nguyên Thủy Thiên Tôn.
Nguyên Thủy Thiên Tôn là người đứng thứ nhất trong Tam Thanh với ngôi vị Ngọc Thanh. Thái Thượng Lão Quân là học trò thứ hai của Hồng Quân Lão Tổ. Thái Thượng lão Quân có tên hiệu là Thái Thanh, Đạo đức Thiên tôn... Ông thường cưỡi một con trâu màu xanh và sở hữu nhiều bảo bối lợi hại như vòng kim cang, lò bát quái bào chế rất nhiều linh đơn... Người cuối cùng là Linh Bảo Thiên Tôn (Thông Thiên Giáo Chủ) - đệ tử thứ ba của Hồng Quân Lão Tổ, đứng thứ ba trong hàng Tam Thanh với danh xưng Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn.
Tại sao Thái Thượng Lão Quân không xưng Ngọc Hoàng? Đây có thể là một dấu hiệu của sự tôn trọng đối với Thái Thượng Lão Quân.
Trong "Tây Du Ký", khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên đình, Như Lai từng tiết lộ về quá trình tu hành của Ngọc Hoàng kéo dài 1.750 kiếp, mỗi kiếp kéo dài 129.600 năm. Theo lời giải thích của Đức Phật Như Lai, Ngọc Hoàng dường như đã tự tu luyện mà không có thầy. Nhưng cách giải thích này không phù hợp với cách hiểu của nhiều khán giả bởi hình ảnh Ngọc Hoàng cần gần gũi với lòng người. Vì thế Ngọc Hoàng được xây dựng là người cũng có xuất phát từ thấp đến cao, phải trải qua khổ hạnh mới đắc đạo và cũng có gia thế.
Ngài bắt đầu đi theo con đường xuất gia sau đó đạt được nhiều thành quả, từ đó mới là người được chọn để cai quản trật tự trên thiên đình. Về gia thế Ngọc Hoàng cũng có em gái. Cụ thể trong "Tây Du Ký" có đoạn giới thiệu Nhị Lang thần (Dương tiễn), là con trai thứ hai của Dương Thiên Hựu và Dao Cơ tiên tử (em gái của Ngọc Hoàng).
Như vậy, Ngọc Hoàng là người cũng có gia đình, con cháu. Còn về ngôi vị, trong "Phong thần diễn nghĩa", Ngọc Hoàng Thượng Đế làm vua ở thiên đình, cũng là do Tam Thanh chỉ định. Vì vậy, về danh tính sư phụ của Ngọc Hoàng, có nhiều giả thuyết cho rằng ông cũng là đệ tử của Hồng Quân Lão Tổ, vì vậy được Tam Thanh chỉ định là người cai quản thiên đình. Trong khi một số tác phẩm thần thoại Trung Quốc cho rằng ông là đệ tử của Bàn Cổ.
Bàn Cổ được biết đến là một nhân vật thần thoại hư cấu, và người dân thường quen thuộc hơn với truyền thuyết về việc Bàn Cổ tạo ra thế giới. Vì vậy, nhiều người suy luận, Bàn Cổ là vị cổ thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ nên chính ngài là sư phụ của Ngọc Hoàng. Sau khi Bàn Cổ qua đời đã cho đệ tử của mình cai quản trời đất và trở thành chủ nhân của Tam giới.
Mặc dù những huyền thoại và truyền thuyết này rất phức tạp nhưng chúng tạo nên sức hấp dẫn độc đáo của thần thoại Trung Quốc và thể hiện trí tưởng tượng cũng như sự theo đuổi của con người đối với vũ trụ, các vị thần và sức mạnh thiên nhiên.
Theo Hoàng Anh/Thương Hiệu và Pháp Luật