Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông là bậc đại chí đại tài, không chỉ nổi tiếng về tài thần cơ diệu toán, mà còn có khả năng biện luận sắc sảo, ngôn từ có sức mạnh như ngàn vạn gươm đao. Khả năng "tâm lý chiến" của Gia Cát Lượng lưu truyền từ thời Tam quốc đến ngày nay càng khiến hậu thế thêm khâm phục tài trí con người này.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng được La Quán Trung khắc họa là người có thể "hô phong hoán vũ", được thiên địa thần linh giúp đỡ. Ông từng dùng phép thuật "độn giáp" để gặt xong lúa, khiến Tư Mã Ý vừa kinh sợ vừa thán phục.
Cụ thể, năm Kiến Hưng thứ 9 (niên hiệu của Thục Hán), mùa xuân tháng 2, Gia Cát Lượng lại dẫn 10 vạn đại quân ra đánh Ngụy. Bấy giờ nhà Ngụy nghe tin liền cho Tư Mã Ý đi phá địch.
Biết trước đại quân của Gia Cát Lượng sẽ gặp vấn đề quân nhu khi tiến sâu vào lãnh thổ quân Nguỵ, Tư Mã Ý một mặt cho Trương Cáp (có bản dịch là Trương Hợp) ra dựng trại giữ Kỳ Sơn, một mặt đích thân kéo 10 vạn quân ra Lũng Tây, nơi có rất nhiều lúa mỳ đã đến độ thu hoạch, nhằm kiểm soát khu vực này, không cho Gia Cát Lượng có cơ hội lấy quân nhu ở đây.
Khi đến Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng phát hiện quân của Tư Mã Ý đang đóng quân canh giữ ở Lũng Tây nên ông thay đổi kế hoạch. Ông cho quân bí mật lên Lũng Thượng gặt lúa làm lương thực.
Biết tin, Tư Mã Ý dẫn đại quân tới Lũng Thượng. Nhận được tin báo rằng quân địch đang tới, Gia Cát Lượng thấy thế, bèn lấy bản đồ khu vực này ra xem, thấy một vị trí có tên là "Bãi cây ma", thì được biết, chỗ đó chẳng hề có ma, nhưng mà khí vẩn u uất, tiếng gió rít nghe rất rợn người, nghe như ma như quỷ. Thấy vậy Gia Cát Lượng bèn cười nói: "Trời cho ta thành công đây".
Gia Cát Lượng lợi dụng điều này bố trí người đóng giả là ma quỷ bằng cách, sai người đem ra ba cỗ xe bốn bánh, trang sức giống y như nhau, xe này chế sẵn ở Thục mang đi. Khi ấy Gia Cát Lượng sai Khương Duy dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn mé sau Thượng Nhai. Sai Mã Đại, Ngụy Diên, mỗi người dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn hai mặt tả hữu. Mỗi mặt có một cái xe, dùng 24 người, mặc áo thâm, đi chân không, xõa tóc, chống gươm, tay cầm cờ phướng thất tinh đen, xúm quanh đẩy xe. Ba tướng nhận lệnh, dẫn quân đẩy xe đi.
Ngoài ra Gia Cát Lượng còn sai 3 vạn quân mang sẵn liềm hái, thừng chạc, chực rình gặt lúa, lại sai 24 tên lính tráng, đều mặc áo thâm, xõa tóc đi chân không, cầm gươm đẩy một cỗ xe bốn bánh, sai Quan Hưng ăn mặc đóng vai thiên bồng, tay cầm ngọn phướng thâm, vẽ thất tinh, đi trước xe. Gia Cát Lượng ngồi chĩnh chện trên xe, nhằm trại Ngụy kéo đến. Quân Ngụy trông thấy cả kinh, không biết người, hay là quỷ, vội vã về báo với Tư Mã Ý.
Tư Mã Ý ra trại nhìn xem, thấy Gia Cát Lượng đội mũ trâm hoa, mặc áo cánh hạc, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe bốn bánh. Tả hữu có 24 người tóc tai rũ rượi, tay cầm thanh kiếm. Trước mặt có một người mang phướng thâm, hình như thần tướng trên trời. Tư Mã Ý nói: "Đây là Gia Cát Lượng bày trò quỷ quái đây!" Bèn gọi hai nghìn quân mã đến dặn rằng, chúng mày chạy cho mau, bắt cho kỳ hết lại đây".
Quân Ngụy vâng lệnh, ra đuổi theo. Gia Cát Lượng thấy quân Ngụy kéo đến, sai quay xe thong thả đi về trại Thục. Quân Ngụy quay ngựa cố sức đuổi, chỉ thấy gió lạnh gai gai, mây đen mờ mịt, đuổi hàng thôi đường mà vẫn không kịp. Quân Ngụy lấy làm lạ, dừng ngựa lại bảo nhau rằng: "Quái lạ thay! Chúng ta đuổi miết một hồi, tới ba chục dặm đường mà vẫn thấy lù lù ở trước mặt, không sao kịp, chẳng biết duyên cớ làm sao?".
Cứ thế, mỗi lần thúc quân đuổi thêm mấy chục dặm đường đều thấy mãi mà không đuổi kịp, không hiểu chuyện gì. Lúc này Tư Mã Ý kéo binh đến hỏi thì tướng thuật lại y như vậy. Rồi gió lại rít, các tiếng rợn người, khói bay mịt trời, nửa mờ nửa tỏ, đang loay hoay không biết nên tiến tiếp hay nên về thì bỗng nghe thấy, ở mé tả trống trận nổi vang, một toán quân đổ ra. Tư Mã Ý kịp sai quân chống cự, thì thấy trong đội quân Thục, có 24 người, xõa tóc đi chân không, áo đen phướng thâm, xúm xít đẩy một cổ xe. Trên xe Gia Cát Lượng mũ thâm, áo bạc ngồi chễm chệ, tay cầm quạt lông phe phẩy.
Không gian thì ma quái, người ngợm thì xuất quỷ nhập thần, hư hư ảo ảo, không hiểu mình đang phải đuổi theo cái gì luôn.
Tư Mã Ý thất kinh nói: "Vừa mới đàng kia có Gia Cát Lượng ngồi xe, đuổi năm chục dặm không kịp, sao ở đây lại có Khổng Minh? Lạ quá! Lạ quá!". Nói chưa dứt lời, ở mé hữu lại thấy trống đánh om sòm, một toán quân xô đến, trong bọn này cũng có Gia Cát Lượng ngồi xe bốn bánh, tả hữu 24 người đi hộ vệ, y như đám trước. Tư Mã Ý ngờ vực lắm, quay lại bảo các tướng rằng: "Đây chắc là thần binh rồi".
Quân Ngụy bấy giờ đã xôn xao, không dám đánh nhau, tìm đường tháo chạy. Bỗng lại thấy trống đánh vang lừng, một đội quân kéo ra, cũng có Gia Cát Lượng ngồi xe, hình dạng y như các đám trước. Quân Ngụy kinh hãi vô cùng. Tư Mã Ý không biết là người hay quỷ, và quân Thục nhiều ít thế nào, sợ hết hồn hết vía, dẫn quân chạy miết về Thượng Nhai, đóng chặt cửa thành, không dám ra nữa.
Bấy giờ Gia Cát Lượng mới sai 3 vạn quân cắt hết lúa mạch ở Lũng Thượng, vận về Lỗ Thành, đập thóc ra phơi.
Tư Mã Ý ở trong thành Thượng Nhai, ba ngày không dám ra ngoài. Về sau thấy quân Thục rút hết, mới dám sai quân đi tuần tiễu. Quân tiễu bắt được quân Thục ở dọc đường đem về nộp Tư Mã Ý, nó kể lại sự tình Tư Mã Ý mới ngã ngửa đập bàn khóc: "Gia Cát Lượng thực có tài xuất quỷ nhập thần".
Tuy nhiên câu chuyện Gia Cát Lượng dùng phép thuật "độn giáp" để gặt xong lúa của Tư Mã Ý chỉ là do La Quán Trung hư cấu ra.
Theo sử liệu, năm 231, Gia Cát Lượng thống lĩnh đại binh ra Kỳ Sơn lần thứ 2, tiến hành cuộc Bắc phạt lần thứ 4. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa viết rằng "Khổng Minh 6 lần ra Kỳ Sơn", nhưng theo sách sử, Gia Cát Lượng chỉ 5 lần xuất quân đánh Ngụy, còn 1 lần thì quân Thục Hán phòng thủ chống quân Ngụy.
Quân Thục lần này dùng xe trâu (trâu gỗ, ngựa máy) vận chuyển quân lương. Về phía nhà Ngụy, Tào Chân đã bị bệnh chết nên Tư Mã Ý làm thống soái, các tướng lĩnh Phí Diệu, Đới Lăng, Quách Hoài làm tiên phong.
Gia Cát Lượng chia quân ở lại Kỳ Sơn, còn mình đến Thiên Thủy lén gặt lúa. Tư Mã Ý cũng dẫn quân đến Thiên Thủy, Gia Cát Lượng không chủ quan khinh địch, ra lệnh cho quân lính chiếm cứ vùng rừng núi hiểm trở, bố trí trận địa sẵn sàng. Đại quân hai bên đối mặt nhau nhưng vẫn chưa xảy ra giao tranh.
Theo Danviet