Tôi bắt đầu “sự nghiệp” cố vấn cho các Tổng Bí thư (TBT), Thủ tướng do mối thân tình với ông Đặng Xuân Kỳ, con cố TBT Trường Chinh.
Chỉ dám đề cập đến xóa bỏ quan liêu bao cấp
Trong một hội thảo năm 1982, tôi có tham luận về chính sách kinh tế mới nhưng không được đọc ở hội trường. Khi thảo luận tổ thì tôi được đọc và ông Đặng Xuân Kỳ đem về cho ông Trường Chinh xem.
Sau đó, đến khi ông Trường Chinh giữ cương vị TBT thay ông Lê Duẩn thì một nhóm các chuyên gia tư vấn như Dương Phú Hiệp, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Thiệu, Hồng Giao, Trần Ngân, Hà Nghiệp… được tập hợp lại.
Lúc đó tôi là trẻ nhất trong nhóm được cụ Trường Chinh giao cho hai chuyên đề: Chính sách kinh tế mới và chính sách đối ngoại. Ông Trường Chinh muốn đổi mới, xóa bỏ cái cũ nhưng vẫn phải có “cái mũ” Lênin. Mặc dù vậy, khi những đề xuất của nhóm tư vấn này được đưa lên thì cũng chỉ dám đề cập đến xóa bỏ quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.
Tính kế hoạch vẫn phải là đặc tính thứ nhất. Nhưng cũng không ổn. Vì những ý tưởng đổi mới ấy, ông Trường Chinh bị nhiều ý kiến nói rằng theo tư bản vì khuyến khích kinh tế hàng hóa và gọi ông là “con ngựa thành Troy”. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem ông Trường Chinh có phải là theo tư bản hay không.
Ông Trường Chinh sau đó giao cho nhóm tư vấn phải xem xét lại. Và rất may trong các đề xuất ấy vẫn đề cao “tính kế hoạch” nên những đề xuất dần dần được chấp nhận, bởi nó cho thấy kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo.
Khi Đại hội VI diễn ra, TBT Trường Chinh khi đó đã 82 tuổi và dù được tiến cử nhưng ông vẫn từ chức TBT và ông Nguyễn Văn Linh là người kế nhiệm.
Khi TBT Nguyễn Văn Linh đắc cử thì suốt một năm, vì chưa quen “thông thổ” Hà Nội nên ông Nguyễn Văn Linh thường xuyên làm việc với những người tư vấn mà ông chọn hoặc được giới thiệu.
TBT Nguyễn Văn Linh nói tôi, anh Lê Đăng Doanh và Nguyễn Thanh Sơn mỗi người phát biểu 30 phút vào băng ghi âm để ông ấy nghe. Sau đó thì TBT Nguyễn Văn Linh chọn anh Lê Đăng Doanh.
Khi ông Đỗ Mười làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay ông Phạm Hùng qua đời thì tôi và nhiều người khác lại tiếp tục “sự nghiệp tư vấn”.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban nghiên cứu. |
Bảo thủ quyết liệt, đổi mới quyết liệt
Nhiều ý kiến nói TBT Nguyễn Văn Linh là người đổi mới, còn TBT Đỗ Mười là người bảo thủ. Tuy vậy, tôi không đồng ý điều đó.
Phải nói rằng người khởi xướng đổi mới là TBT Trường Chinh, TBT Nguyễn Văn Linh là người thực hiện và TBT Đỗ Mười là người tiếp tục đổi mới một cách quyết liệt.
Khi ông Đỗ Mười trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, một nhà sử học Canada viết bài báo nói rằng: Người bảo thủ nhất của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình lại là người đổi mới quyết liệt. TBT Trường Chinh của Việt Nam cũng thế. Vậy liệu ông Đỗ Mười, cũng là người bảo thủ, có tiếp tục xu hướng này.
Tôi mang bài báo đến cho ông Đỗ Mười đọc, ông chỉ cười.
Thời điểm năm 1989, lạm phát ở mức khoảng 200% nhưng vẫn thấp vì hồi năm 1986 lên tới 600%-700%. Lúc ấy, mọi cơ quan đều tìm cách chống lạm phát bằng nhiều hội thảo, đề án khác nhau. Tôi thấy trên bàn ông Đỗ Mười có hơn 40 đề án.
Tôi đề xuất thực hiện lãi suất dương và tự do buôn bán. Vì thực tế hồi đó một người nông dân nếu bán một con bò đi đem gửi tiết kiệm thì vài năm sau chỉ mua được con gà. Ông Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lúc đó là thường trực ban chống lạm phát được ông Đỗ Mười gọi đến và chỉ đạo tổ chức hội thảo để thực hiện lãi suất dương và tự do lưu thông hàng hóa. Nhưng hội thảo không đồng ý phương án đó.
Ông Đỗ Mười vẫn kiên quyết thực hiện, trước hết thí điểm ở Hải Phòng tăng lãi suất lên 12%, tự do hàng hóa, không ngăn sông cấm chợ và thành công. Giá cả ở Hải Phòng đang cao vút tự nhiên tụt xuống. Sau đó ông quyết định áp dụng trên toàn quốc. Bởi ông ý thức ông đang “ngồi trên chiếc ghế nóng”. Quả nhiên, lạm phát đang từ 12%/tháng tụt xuống còn 1%-2%, thậm chí có tháng còn âm.
Đến Tết năm 1989, ông Đỗ Mười rất lo lắng về việc khan hiếm hàng hóa. Bởi mỗi năm Nhà nước phải in 300 tỉ đồng để mua lúa gạo của nông dân rồi bán cho thành thị với giá như cho không. Chúng tôi đề xuất tự do buôn bán, đảm bảo Nhà nước không cần in 300 tỉ đồng. Tôi vẫn không tin lắm vì dạ dày của toàn dân mà Nhà nước không lo thì ai lo?
Chúng tôi đề xuất ngay Tết 1989 cho thí điểm tự do buôn bán tại Hà Nội, dân chúng xung quanh được phép mang hàng hóa vào thủ đô để bán. Quả nhiên, giáp Tết 1989 ở Hà Nội hàng hóa ê hề, đủ mọi thứ. Các cô mậu dịch “ngồi chơi xơi nước”. Và sau Tết, ông Đỗ Mười đã ra chỉ thị tự do hóa buôn bán trên toàn quốc.
Tuy vậy, khi tổng kết chống lạm phát và phát triển kinh tế không phải mọi ý kiến đều đồng ý đó là thành công.
Võ Văn Kiệt và tư vấn “bốn không”
TBT Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh hay Đỗ Mười đều không có quyết định thành lập tổ tư vấn. Chỉ mỗi khi cần họp tư vấn thì các vị cho người ký thư mời từng người đến.
Và đến thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì Ban nghiên cứu (BNC) của Thủ tướng mới được thành lập. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới nhậm chức đã chỉ đạo chúng tôi thành lập một nhóm tư vấn cho ông. Khi ấy chúng tôi đề ra các tiêu chí cho nhóm tư vấn tựu chung phải là “bốn không”.
Trước hết là “không thủ trưởng”. Mục đích là để cho các nhà tư vấn được quyền nói trái với ý kiến của Thủ tướng và những cơ quan khác. Bởi quyền được nói trái này rất quan trọng, nó tránh được việc nói theo ý của cấp trên. Khi đó ý kiến của các thành viên hầu hết là đổi mới, trái với những gì đang diễn ra.
Điểm thứ hai là: Để có thể nói trái thì không có chức vụ.
Thứ ba là không có lợi ích. Bởi nếu có lợi ích thì các thành viên có thể bị mua chuộc bất cứ lúc nào.
Thứ tư là không biên chế. Nếu có biên chế thì khi nói trái sẽ gặp rắc rối với cơ quan mà mình đang công tác. Bởi vậy, trong BNC của Thủ tướng thì chỉ có vài người có biên chế như ông Trần Đức Nguyên.
Lúc đó ông Trần Đức Nguyên là trưởng ban, ông Đặng Đức Đạm là phó ban, rồi ông Nguyễn Ký làm phó ban phụ trách hành chính nữa. Ngoài ra có các thành viên, cộng tác viên thường xuyên và cộng tác viên không thường xuyên. Cộng tác viên thường xuyên thì mỗi tuần họp vài lần, cộng tác viên không thường xuyên thì mỗi quý chúng tôi gặp nhau một lần.
Đến thời ông Trần Xuân Giá làm trưởng BNC của Thủ tướng thì hơi khác một chút. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông Giá từng là bộ trưởng.
Vào tù trao bằng khen
TS Lược kể: Khi đường dây 500 kV Bắc Nam được đưa ra thảo luận, rất nhiều ý kiến đều phản đối. Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt và TBT Đỗ Mười kiên quyết làm.
Nhưng cũng vì đường dây 500 kV đó, ông Vũ Ngọc Hải khi đó là bộ trưởng Bộ Năng lượng phải vào tù.
TS Lược kể: Chuyện này có nguyên cớ của nó. Một trong những nguyên cớ đó là anh Hải ký một hợp đồng nhập khẩu linh kiện gì đó sai một vài nguyên tắc. Thế là anh ấy bị truy tố. Tuy vậy, ông Đỗ Mười cũng nói với Bộ Công an để thu xếp tốt nhất cho anh Hải khi ở trong tù. Và ông Võ Văn Kiệt đã vào tận trong tù để trao bằng khen cho anh Hải.
Sau khi ra tù, ông Vũ Ngọc Hải có trả lời báo chí rằng: “Việc khó khăn nhất là làm sao nói cho cấp trên hiểu và ra quyết định”. Nhận định điều này, TS Lược khẳng định: “Sự thật là như vậy. Nêu ý kiến gì đối với cấp trên là phải hết sức thuyết phục. Vả lại, điều quan trọng nhất đối với người làm tư vấn là phải được cấp trên tin tưởng tuyệt đối qua hiệu quả công việc”.
Theo Chân Luận/Pháp Luật TPHCM