Hội nghị bốn bên hay hai bên?
Bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên đại sứ Việt Nam tại Chi Lê, là con gái đại sứ Hà Văn Lâu. Có dịp gặp bà để hỏi chuyện về đại sứ Hà Văn Lâu tại Hội nghị Paris, bà Hà cho tôi xem cuốn sách “Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình” do nhà văn Trần Công Tấn chấp bút, theo lời kể của cha bà. Trong cuốn sách, có một phần khá dày dặn về Hội nghị Paris được đại sứ Hà Văn Lâu kể lại. “Đây là cuốn hồi ký của cha tôi. Đọc những điều trong đó, có thể coi như nghe cha tôi kể chuyện vậy”- bà Ngọc Hà nói.
Bà Ngọc Hà cho biết, thời điểm đó, đại sứ Hà Văn Lâu là Phó Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris. Và một trong những câu chuyện đáng nhớ về Hội nghị Paris được ông kể lại trong cuốn hồi ký “Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình” là hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị lịch sử này. Câu chuyện bắt đầu năm 1968, khi tại chiến trường miền Nam, ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ buộc phải thương lượng với Chính phủ VNDCCH, sau đó hai bên đạt thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán bắt đầu ngày 13/5/1968 tại Paris. Trong thời gian đàm phán, từ 13/5 đến 31/10/1968, phái đoàn VNDCCH yêu cầu Mỹ cần chấm dứt chiến tranh và chấp thuận họp Hội nghị bốn bên với sự tham gia của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (DTGPMNVN). Ngày 1/11/1968, chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng không chấp thuận sự có mặt bình đẳng của đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN. Họ cho rằng, hội nghị tiếp theo tại Paris vẫn là cuộc đàm phán giữa hai bên: Một bên là Mỹ với chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), một bên là đoàn VNDCCH với Mặt trận DTGPMNVN. Như vậy, Mỹ cố tình phủ nhận vai trò của Mặt trận DTGPMNVN là một bên đàm phán. Phía Đoàn ta giữ vững quan điểm họp bốn bên với mục đích đề cao Mặt trận DTGPMNVN trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong đàm phán. Trước thực tế khó cưỡng, ngày 3/11/1968, Mỹ buộc phải chấp thuận thành phần họp bốn bên với sự tham gia của đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN.
|
Chiếc bàn tròn đàm phán giữa bốn bên tại Hội nghị Paris (Ảnh: T.L).
|
Hôm sau, ngày 4/11/1968, Đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu đã đến Paris. Trong hồi ký “Hà Văn Lâu - người đi từ bên làng Sình”, đại sứ Hà Văn Lâu mô tả sự xuất hiện của Đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN tại sân bay Bourget có hàng ngàn Việt kiều, hàng trăm nhà báo Pháp và quốc tế cùng nhiều đại sứ, đại diện ngoại giao của nhiều nước đi đón. Một rừng cờ đỏ sao vàng, cờ Giải phóng của Mặt trận, băng rôn, biểu ngữ rợp trời cùng những tiếng hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Mặt trận DTGPMNVN muôn năm”. Ngày hôm sau, nhiều tờ báo Pháp đưa lên trang nhất tin và bài viết về Đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN đến dự Hội nghị Paris. Nữ nhà báo Pháp nổi tiếng Mađơlen Riphô viết: “Việt cộng đã thắng lợi lớn qua sự tiếp đón bà Bình tại Paris. Bà Bình như bà hoàng, được đón như quốc trưởng, đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt. Bà Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris. Thật tuyệt. Rất hiếm có…”.
|
Phó đoàn VNDCCH Hà Văn Lâu (thứ 3 từ phải sang) tại Hội nghị Paris (Ảnh: T.L).
|
Ngược với sự tiếp đón trên, hơn một tháng sau, ngày 8/12/1968, đoàn VNCH do Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu, ông Phạm Đăng Lâm (tổng đại diện VNCH tại Paris) làm trưởng đoàn đã tới Paris dự hội nghị. Chỉ có khoảng 40 người Việt, người Pháp và người Phi ra đón đoàn, cầm theo một số cờ và biểu ngữ. Ngày hôm sau, báo chí Pháp đưa tin: “Những người Việt Nam được VNCH thuê đi đón đoàn được trả 50 Franc (Phơ-răng) cho mỗi người”.
Khẳng định chỗ ngồi bình đẳng qua hình dáng chiếc bàn
Trước thực tế trên, phía Mỹ vẫn tìm cách hạ thấp vị trí của đoàn Mặt trận DTGPMNVN tại hội nghị bốn bên. Điều đó được họ tìm cách thể hiện qua hình dáng chiếc bàn và chỗ ngồi trên bàn đàm phán. Đại sứ Hà Văn Lâu kể lại trong hồi ký, trước khi đoàn VNCH sang Paris 4 ngày, ngày 4/12/1968, ông Cyrus Vance (thành viên cốt cán trong đoàn đàm phán của Mỹ) đã đến gặp Phó đoàn VNDCCH Hà Văn Lâu để bàn việc tiến hành họp hội nghị bốn bên. Chiếc bàn để bốn bên ngồi đàm phán được Vance nêu ra là sẽ mang hình dáng thế nào, tròn hay méo, vuông hay lệch? Rồi Vance đưa tới mười kiểu bàn, thể hiện lập trường đây vẫn là cuộc đàm phán giữa hai bên, nhưng bị ta bác bỏ. Phó đoàn Hà Văn Lâu đề nghị bàn hình vuông để các bên có vị trí như nhau, nhưng Vance lại đề xuất bàn hình chữ nhật với ngụ ý bên quan trọng hơn sẽ ngồi ở phần chiều dài, còn lại ngồi ở chiều rộng. Cuộc gặp không thống nhất khi hai bên bất đồng quan điểm.
|
Bà Hà Thị Ngọc Hà (thứ tư từ phải sang) thay mặt gia đình gửi tặng những tư liệu của đại sứ Hà Văn Lâu cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Ảnh: KIẾN NGHĨA).
|
Chỉ riêng chuyện hình dáng chiếc bàn đàm phán, Mỹ đã kéo dài qua nhiều cuộc họp để Vance tranh luận với Phó đoàn Hà Văn Lâu. Trước sự việc này, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (thời điểm này đã sang Paris) tố cáo Mỹ cố tình vin cớ để kéo dài mọi chuyện càng lâu càng tốt, giúp họ có thời gian “hà hơi tiếp sức” cho chính quyền Sài Gòn trước khi rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn làm ngơ trước phê phán của ta, tiếp tục “kèo nèo” quanh kiểu dáng chiếc bàn đàm phán, với mục đích kéo dài thời gian qua các cuộc họp.
Trong lần gặp thứ sáu, Phó đoàn Hà Văn Lâu đưa ra hai kiểu bàn mới hình thoi và hình tròn chia tư, vẫn với ngụ ý các bên bình đẳng như nhau. Vance lảng chuyện, tìm cách bàn ngang là hình dáng bàn có thể nhờ Pháp thu xếp giúp, nhưng ta không đồng ý. Lần gặp thứ bảy, Vance đưa ra hai kiểu bàn có hình bầu dục cắt dọc đôi và hình tròn cắt đôi. Phó đoàn Hà Văn Lâu bác bỏ, đưa ra kiểu bàn tròn kín không cắt đôi, cả bốn đoàn muốn ngồi vị trí nào cũng được. Vance nói sẽ nghiên cứu đề xuất này. Tuy nhiên, ngày 12/1/1969, tới lần gặp thứ 9, ông ta lại nêu quan điểm cũ là bàn ngồi đàm phán phải thể hiện rõ là họp hai phía. Ta vẫn giữ vững lập trường đây là hội nghị bốn bên, và các bên đều bình đẳng như nhau. Ngày 16/1/1969, tới lần gặp thứ mười, Vance nói với Phó đoàn Hà Văn Lâu là Mỹ chấp thuận hình dáng chiếc bàn tròn theo ta đề xuất, nhưng họ đề nghị có thêm hai bàn nhỏ kê đối diện nhau, mỗi bàn cách cạnh ngoài của bàn tròn khoảng 45cm, để cho thư ký ngồi. Ta đồng ý. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã làm giúp bàn đàm phán như đã hứa, và chỉ trong một đêm là xong.
Ngày 25/1/1969, Hội nghị Paris giữa bốn bên đã khai mạc trọng thể tại phòng lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc tế, thuộc phố Kleber (Cộng hòa Pháp). Để sau đó 4 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết quanh chiếc bàn tròn lịch sử. Đến nay, hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị Paris vẫn luôn là câu chuyện nhắc nhở chúng ta về sự kiên định, về đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam, vì quyền lợi chính đáng của dân tộc.
Theo Kiến Nghĩa/Tiền phong