Đó chính là Đào Công Chính. Thánh thuốc Nam Đào Công Chính (1639- ?), người làng Hội Am (tên Nôm là làng Cõi), huyện Vĩnh Lại, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng, 13 tuổi đi thi đỗ Hương cống nên đương thời có câu: “Ông Cõi 13, Thanh Hà 14” để chỉ Đào Công Chính và một vị ở huyện Thanh Hà là những bậc tuổi trẻ đỗ cao.
Không chỉ có tài văn chương mà Đào Công Chính còn giỏi am tường về y dược, khi còn học tại trường Quốc Tử Giám ông đã được cử làm Điều bộ, lo việc chăm sóc sức khỏe cho đoàn sứ bộ đi phương Bắc.
Khoa thi năm Tân Sửu (1661) đời Lê Thần Tông, Đào Công Chính thi đỗ Bảng nhãn, khi 23 tuổi; người dân quê hương thì thường gọi ông là Bảng Cõi. Sau khi đỗ, ông làm quan ở Viện Hàn lâm rồi giữ nhiều chức vụ, được thăng đến chức Lại bộ hữu thị lang, Nhập thị kinh diên, Thị lang bộ Hình, Thân lộc đại phu, tước Lại am tử; từng giữ chức phó sứ sang nhà Thanh vào năm Qúy Sửu (1673).
Theo sách sử ghi lại, tháng 5 năm Quý Sửu (1673), có 2 đoàn sứ bộ của triều Lê sang tiến cống nhà Thanh và báo tang vua Lê Huyền Tông, trong đó, phái bộ do Hồ Sỹ Dương làm Chánh sứ, có Đào Công Chính, Vũ Công Đạo và Vũ Duy Hài đều làm Phó sứ. Tháng 7 năm Đinh Tị (1677), tức là sau khi trở về nước 3 năm, Đào Công Chính viết một bài Khải dâng lên chúa Trịnh Tạc, nói rằng khi ông vâng mệnh đi sứ, “trên dọc đường, có làm thơ xướng họa, mua vui một thời, nội dung là thưởng ngoạn phong cảnh, tiếp đón quốc khách, vui chơi đàm đạo cùng bè bạn. Xét về tình cảm và lời thơ đều vụng về, chẳng thể đem đọc cho người khác nghe, huống chi là dâng lên cho chúa xem. Nhưng vì đã nhận mệnh chúa, đâu dám vì vụng về thô lậu mà chối từ, xin chép lại những lời mộc mạc để trình lên chúa”.
Tập thơ đó có tên là Bắc sứ thi tập gồm 90 bài thơ, trong đó có 20 bài là thơ họa của Chánh sứ Hồ Sỹ Dương, Phó sứ Vũ Công Đạo và Vũ Duy Hài cùng một vài danh nhân Trung Quốc như quan Bạn tống Trần Diệp Mộng, Nho học Kỳ Giám, Tham quân Lâm Hữu Thanh… Còn 70 bài thơ của Đào Công Chính cũng rất giầu chất thơ, chất nghệ thuật; nhiều bài vịnh di tích và nhân vật lịch sử với những câu tả thực rất đẹp, là những suy ngẫm hàm chứa triết lý nhân sinh.
|
Ông Nghè vinh quy. (Hình minh họa – Nguồn: cncluyenyen.com). |
Đào Công Chính còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký tục biên gồm 22 quyển, được hoàn thành năm Ất Tị (1665), là Tổng tài bộ Trùng san Lam Sơn thực lục, bộ Trung hưng thực lục (còn có tên là Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục) hoàn thành năm Bính Thìn (1676).
Trong số tác phẩm của ông, nổi tiếng nhất là cuốn Bảo sinh diên thọ toản yếu gồm 5 quyển được coi là cuốn sách về y lý sớm nhất nước ta. Cuốn Bảo sinh diên thọ toản yếu được Đào Công Chính biên soạn năm Bính Thìn (1676) theo sắc chỉ của vua Lê Hy Tông và chúa Nam Định Vương Trịnh Căn. Phụ giúp ông trong công việc còn có một số đại thần, gồm Lê Đức Nghiệp, Ngô Thái Đức, Nguyễn Luân, Nguyễn Đăng Doanh, Lê Tiến Yên và Lê Duy Lương (có tài liệu chép những vị đó là Phạm Thế Vinh, Phạm Đình Liêu, Lê Bá Hồng, Nguyễn Đại và Võ Viết Hiền).
Nội dung cuốn sách y học này sưu tầm, phân tích, tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học, trị liệu xưa như Tuân sinh, Đạt sinh, Bản thảo cương mục… và kinh nghiệm rèn luyện cơ thể của những người theo đạo Lão như Đào Hoằng Cảnh, Lã Đồng Tân, Trần Đoàn… Với mục đích dạy cho nhân dân và quân lính cách thức, phương pháp gìn giữ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, tăng tuổi thọ nên Bảo sinh diên thọ toản yếu chú trọng vào các cách giữ vệ sinh, điều dưỡng, rèn luyện tâm thần, trị bệnh bằng thư giãn, hô hấp, hít thở, xoa bóp, cách dưỡng sinh, trị liệu … và cách điều trị một số bệnh như tim, phổi, thận, dạ dày…
|
Bốc thuốc chữa bệnh cứu người. (Hình minh họa – Nguồn: sachxua). |
Sau khi hoàn thành, cuốn sách được chúa Trịnh Căn cho in số lượng lớn rồi phổ biến rộng, dân gian ca ngợi Đào Công Chính là bậc danh y với câu ca lưu truyền: “Thánh thuốc Nam Hội Am, Vĩnh Lại”. Khi ông mất, triều đình thương tiếc truy tặng chức Lại bộ tả thị lang, tước tử.
Đào Công Chính được coi là một tác giả lớn thế kỷ thứ XVII cả về sử học và văn học, y học. Năm 2004, sau một cuộc hội thảo khoa học về sách Bảo sinh diên thọ toản yếu, Hội Đông y Việt Nam đã nhất trí tôn vinh Đào Công Chính là nhà dưỡng sinh học đầu tiên của Việt Nam.
Trọng lời tựa cuốn sách của mình, Đào Công Chính cho biết sau khi hoàn thành, Bảo sinh diên thọ toản yếu đã được triều đình “cho in để ban hành, công bố trong thiên hạ để mọi người hiểu được đạo tu dưỡng, biết được hướng đi lên, đều đạt tới cảnh thanh thản linh diệu, cũng giữ được phúc an bình hưởng thọ, mãi là tấm gương sáng về vệ sinh cho nghìn muôn đời”.
Trong quyển thứ nhất của Bảo sinh diên thọ toản yếu,Đào Công Chính dành một phần viết về cách trừ bệnh, kéo dài tuổi thọ gọi là “Sáu chữ khử bệnh kéo dài tuổi thọ” như sau:
“- Phép điều trị tâm khí: Ngồi ngay ngắn, nắm hai tay, dùng sức đấm ra hai bên đầu sáu lần, xong lồng hai tay với nhau, dùng chân đạp vào tay đều năm sáu lần, có thể khử các loại bệnh phong tà của tim, sau đó nhè nhẹ hà hơi ra, cứ làm như thế thì sự phiền táo, lở miệng đều khỏi.
- Phép điều trị can khí: Ngồi ngay ngắn, nâng hau tay lồng vào nhau, lật đi lật lại vào ngực dăm ba lần, có thể khử các loại phong tà tích tụ ở gan, sau đó mới nhè nhẹ thở, làm thế đau mắt đỏ, ra nước mắt tự khỏi.
- Phép điều trị đảm khí: Ngồi ngay ngắn, sao cho hai bàn chân ngửa lên, lắc dăm ba lần. Hai tay chống đất dùng sức nâng toàn thân lên hai ba lần, có thể khử được mọi phong độc và tà khí, sau đó mới thở. Làm như thế thì khí đảm trong lành, bệnh tự tiêu.
- Phép điều trị tỳ khí: Ngồi ngay ngắn, co một chân, duỗi một chân, dùng hai tay kéo ngược về đằng sau đều dăm ba lần, có thể khử được phong tà, thương thực của tỳ tạng, sau đó mới hít thở. Làm như vậy tránh được các bệnh khạc đờm, tả lỵ.
- Phép điều trị phế khí: Ngồi ngay ngắn, dùng hai tay chống đất, co người cong sống lưng, dướn lên trên ba lần, có thể khử mọi phong tà tích trệ của phổi, sau mới thở nhẹ. Làm như thế có thể trừ được các bệnh của thượng tiêu (bao gồm tim, phổi, thực quản, có công năng hô hấp và tuần hoàn).
- Phép điều trị thận khí: Ngồi ngay ngắn, dùng ngón tay miết từ hai bên tai xuống đến sườn dăm ba lần, rồi đứng lên nhảy ra trước, ra sau đều mươi lần, có thể khử được phong tà của eo, thận, bàng quang, sau đó mới thở nhẹ. Làm như thế thì trừ được các bệnh liệt dương, mắt hoa, tai ù”.
|
Ban thờ Đào Công Chính tại từ đường Đào Công làng Hội Am. (Hình minh họa – Nguồn: tongocthach.vn). |
Ngoài ra còn nhiều phương pháp khác, có những phương pháp rất dễ làm mà hiệu quả, như phương pháp “Gõ răng không bệnh tật”. Theo Đào Công Chính: “Bệnh của răng là do hỏa của tỳ vị bốc lên. Mỗi sáng thức dậy, hãy gõ răng ba mươi sáu lần, dùng lưỡi đưa đẩy vào chân răng (không kể lần), khi nào nước miếng đầy miệng mới nuốt xuống, mỗi bận làm ba lần mới thôi, mãi mãi răng không bị đau”; sau đó ông còn viết bài thơ 4 câu:
Phong hỏa bốc lên răng chẳng lành,
Gõ răng sáng sớm ngọc tuyền sinh.
Nếu như vận dụng mà không cách,
Có thể về già chắc tựa đinh.
Trong lịch sử khoa bảng Nho học nước ta, có rất nhiều vị đại khoa tài giỏi văn chương thơ phú, lại biết cả võ nghệ binh pháp hoặc kỹ nghệ, nhưng người như Đào Công Chính, tài năng của ông còn thể hiện không chỉ trên lĩnh vực sử học, ngoại giao mà còn cả trong lĩnh vực y dược, thực làm hiếm thấy. Trong Hải Dương phong vật khúc khảo thích cũng có câu ca ngợi về ông như sau:
Hội Am có thần đồng đĩnh ngộ,
Tuổi mười ba đã đỗ thu vi.
Bảng xuân sớm dự long trì,
Ra ngoài sứ tiết vào thì giảng duyên.
Lê Thái Dũng