Dưới chế độ xã hội phong kiến ở Trung Quốc, Hoàng đế quản lý chính sự thiên hạ và Hoàng hậu quản lý nội cung, hai bên hỗ trợ cho nhau. Sau thời Tần Hiếu Công (vị vua thứ 30 của nước Tần - chư hầu của nhà Chu), việc lập Hoàng hậu và lập Thái tử dần được thể chế hóa, và các quy định khác nhau cũng ngày càng hoàn thiện.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước chư hầu, một chế độ toàn diện hơn đã được thiết lập, quy định vợ của Hoàng đế phải là Hoàng hậu, và mẹ ruột của Hoàng đế phải là Thái hậu.
Tuy nhiên, bản thân Tần Thủy Hoàng cho đến khi qua đời cũng không lập Hoàng hậu, vì vậy ông đã trở thành vị Hoàng đế duy nhất không lập Hoàng hậu trong lịch sử Trung Quốc. Đây cũng là một bí ẩn khó hiểu nhất của vị Thiên cổ nhất đế này.
Tần Thủy Hoàng, 13 tuổi lên ngôi, 22 tuổi thân chinh trận mạt cho đến khi lập nên kỳ tích thống nhất Trung Hoa, sau đó lại thêm gần một thập kỷ sống trong thái bình, nhưng cho dù bận chuyện quốc sự đến mấy thì chuyện lập hậu cũng không phải quá mất thời gian. Thế mà suốt 37 năm tại vị, Tần Thủy Hoàng vẫn kiên quyết với lập trường này. Đây cũng chính là điểm khiến hậu thế không thể nào lý giải được.
Hoàng đế không lập hậu, chẳng lẽ Thái hậu không thúc giục hạ lệnh sao? Hay quần thần trong triều nhắm mắt làm ngơ?
Vì sao Tần Thủy Hoàng không lập Hoàng hậu?
Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ mẹ của Tần Thủy Hoàng.
Theo ghi chép lịch sử, mẹ của Tần Thủy Hoàng là Triệu Cơ lần đầu tiên làm vợ lẽ của Lã Bất Vi, và bị Lã Bất Vi tặng như một món quà cho Doanh Tử Sở (vị Hoàng đế thứ 35 của nước Tần), cũng chính là cha của Tần Thủy Hoàng. Song nhiều sử gia đưa ra nghi hoặc về huyết thống của Tần Thủy Hoàng vì cho rằng ông có thể là con của Lã Bất Vi.
Sau khi Doanh Chính lên ngôi, Triệu Cơ trở thành Thái hậu. Sau khi Doanh Tử Sở qua đời, mẹ của Tần Thủy Hoàng vẫn thường xuyên tư thông Lã Bất Vi. Sau đó, bà lại dan díu với Lao Ái và sinh ra hai người con trai.
Điều này khiến Tần Thủy Hoàng tức giận, ông đã nhốt mẹ vào Bội Dương cung của Doanh thành, cấm bà xuất hiện ở thành Hàm Dương; tru di tam tộc nhà Lao Ái, sát hại 2 con riêng của Thái hậu Triệu Cơ; Lã Bất Vi bị phế truất và bị đày đến vùng đất Ba Thục.
Hành vi "thông dâm" của mẹ Triệu Cơ đã khiến Tần Thủy Hoàng bị tổn thương tâm lý và méo mó trong nhận thức. Ông cảm thấy xấu hổ và tức giận, từ đó ảnh hưởng đến tính cách, trở nên vô cùng kỳ lạ và phức tạp. Chính vì bóng ma tâm lý từ mẹ, Tần Thủy Hoàng đã khái quát hóa nỗi oán hận mẹ mình thành lòng căm thù phụ nữ, mất lòng tin vào sự chung thủy và trở thành rào cản trong hôn nhân.
Từ đó có thể nói, tổn thương và sự biến dạng tâm lý do hành vi của mẹ gây ra là những yếu tố quan trọng dẫn đến việc Tần Thủy Hoàng không lập Hoàng hậu.
Thứ hai, Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, không cần phải nói, hậu thế đều khẳng định và đánh giá cao những thành tựu lịch sử của ông.
Lúc bấy giờ Tần Thủy Hoàng tự cho mình là phi thường, công trạng của ông đã vượt qua Tam hoàng Ngũ đế thời cổ đại, vì thế mới tự xưng là Hoàng đế, cũng là vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Theo đó, Tần Thủy Hoàng có yêu cầu rất cao đối với Hoàng hậu, thậm chí không biết đặt ra tiêu chuẩn ra sao để xứng tầm với mình, đến nỗi ba ngàn giai lệ trong hậu cung không ai có thể đạt được.
Ngoài ra, chúng ta đều biết rằng Tần Thủy Hoàng luôn khát khao sự bất tử, chấp mê chấp muội với thuật luyện đơn và các hành trình tìm kiếm phương thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng luôn tin rằng nếu bản thân không bao giờ chết đi thì sẽ luôn kiểm soát được quyền lực thiên hạ. Vì đến đến cuối đời, Tần Thủy Hoàng cũng không lập Thái tử, chứ đừng nói lập Hoàng hậu.
Theo Thể thao & Văn hóa