Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), kho báu này trải qua hành trình dài 14 năm, tổng cộng 75.000km để tránh rơi vào tay quân Nhật.
Khi quân đội Nhật tiến sát Sơn Hải Quan, cửa ngõ tiến vào Bắc Kinh từ phía bắc, có một cuộc di tản lớn diễn ra ở Tử Cấm Thành. Đó là cuộc sơ tán cổ vật, kho báu quý hiếm, phân loại theo các mục: đồ gốm, ngọc bích, thư pháp, tranh, đồ đồng và các đồ vật khác.
|
Tử Cấm Thành là niềm tự hào của Trung Hoa. |
Tất cả được cất vào trong khoảng 20.000 hòm gỗ, với các lớp giấy ướt và đệm bông bên trong, cùng dây gai buộc bên ngoài. Đích đến của số kho báu khổng lồ này là Thượng Hải ở phía nam.
Khi màn đêm buông xuống, những thùng chứa đầy cổ vật và tác phẩm nghệ thuật được chuyển ra từ Tử Cấm Thành trên những chiếc xe kéo bằng gỗ.
Tiếng lọc cọc của đoàn xe được nghe thấy hàng đêm khi chúng đi qua cổng Tiền Môn để đến với Nhà ga Đường sắt phía Tây. Thời gian hoàn thành cuộc di tản tổng cộng là 5 tháng
Một thời gian ngắn sau đó, khoảng 20.000 thùng gỗ chứa kho báu lại trải qua quãng đường từ Thượng Hải đến Nam Kinh.
Hành trình bảo vệ kho báu khỏi tay quân Nhật
Ngày 7.7.1937, một trận chiến nổ ra giữa lính Nhật và lính Trung Quốc trên cầu Marco Polo ở Bắc Kinh. Đây được coi là trận đánh chính thức mở cho chiến tranh Trung-Nhật. Quân đội Nhật nhanh chóng chiếm được Bắc Kinh và tiến xuống phía nam.
Đến ngày 13.8, Thượng Hải bị bao vây và kho báu Tử Cấm Thành ngay lập tức được đưa ra khỏi Nam Kinh. Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng thuyền qua sông Dương Tử đến thành phố Hán Khẩu (nay là Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc).
Một phần kho báu được vận chuyển bằng tàu hỏa đến thành phố Trường Sa ở Hồ Nam, qua Quảng Tây và cuối cùng được cất giữ trong một hang trong núi ở An Thuận thuộc tỉnh Tứ Xuyên cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Phần thứ hai của kho báu bao gồm 9.369 thùng gỗ được gấp rút đưa đến Trùng Khánh, khi quân Nhật tiến sát Nam Kinh vào tháng 11.1937. Những đồ vật quý giá sau đó được chuyển tới Trùng Khánh do phe Tưởng Giới Thạch kiểm soát.
Đến năm 1939, Trùng Khánh cũng không còn an toàn. Chuyến hàng được vận chuyển trên những con thuyền nhỏ qua thác nước đến Lạc Sơn, Tứ Xuyên.
Phần cuối cùng của kho báu bao gồm 7.286 thùng gỗ được chuyển bằng tàu hỏa đến Từ Châu, tỉnh Giang Tô, chỉ một ngày trước khi quân Nhật tiến vào Nam Kinh.
Sau hành trình dài trốn chạy, lô hàng thứ ba mới đến được nơi cất giữ cuối cùng là đỉnh núi Nga My thuộc Thành Đô.
Theo SCMP, trong một thập kỷ loạn lạc bao trùm Trung Quốc, không một món đồ nào trong kho báu Tử Cấm Thành bị thất lạc.
Kho báu bị chia làm đôi
Sau Thế chiến 2, các hòm gỗ chứa cổ vật giá trị được tập trung trở lại thành Nam Kinh, sẵn sàng để đưa về Bảo tàng Cố cung trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, nội chiến Trung Quốc bùng nổ giữa Quân Giải phóng Nhân dân và Quốc Dân Đảng đã khiến kho báu bị chia đôi.
Khi sắp để mất Bắc Kinh và Nam Kinh. Quốc Dân Đảng bắt đầu lên kế hoạch sơ tán đến đảo Đài Loan, mang theo một phần kho báu Tử Cấm Thành.
Do kết cục chiến tranh ngã ngũ nhanh chóng, Quốc Dân Đảng chỉ mang đến được Đài Loan 3.824 hòm cổ vật. 16.176 hòm còn lại được đưa về Bảo tàng Cố cung tại Bắc Kinh do chính quyền Trung Quốc kiểm soát.
Từ đó đến nay, bộ sưu tập cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Tử Cấm Thành vẫn bị chia làm hai. Một phần được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung, và phần còn lại lưu lạc đến Bảo tàng Cung điện Quốc gia được xây dựng ở Đài Loan.
Hồi tháng 1, người dân Trung Quốc “dậy sóng” vì Đài Loan cho Nhật Bản mượn trưng bày một tác phẩm thư pháp quý hiếm có từ thời nhà Đường cách đây 1.200 năm. Đây còn được coi là “quốc bảo” của Trung Quốc.
Bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan vẫn cho bảo tàng Nhật mượn tác phẩm này để trưng bày.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt