Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) có tên thật là Tư Thành. Lúc nhỏ được gọi là hoàng tử Hiệu. Ông là con thứ 5 của nhà Hậu Lê. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vua có “thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”.
Trong suốt những năm tháng trị vì đất nước, Lê Thánh Tông luôn cho thấy một con người tài năng, đức độ. Ông xây dựng một quốc gia Đại Việt thịnh trị trên mọi lĩnh vực, đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến.
Qua đời vì bị đầu độc?
Vua Lê Thánh Tông qua đời vào năm 1497. Trước đó 1 năm, tháng 2 năm 1496, ông còn đi ngự thuyền về Lam Kinh bái yết các lăng tẩm. Hành trình này dài khoảng 130km, khi đó vua đã 55 tuổi. Chứng tỏ khi đó sức khỏe của vua vẫn còn tốt.
Về bệnh của vua, Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng “vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng”. Điều này ám chỉ vua mắc bệnh vì quan hệ với phi tần quá độ.
Theo nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cũng có thể vua mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bởi vì không phải tất cả phi tần, cung nữ trong cung đều miễn nhiễm với các căn bệnh này.
Ngoài ra, vua Lê Thánh Tông còn thu nạp vào cung những cung nữ người Chiêm Thành, trong đó có cả vợ của vua Chiêm sau những trận đánh của ông.
Sử gia Vũ Quỳnh lại chỉ ra rằng vua bị bệnh phong thũng. Theo cách hiểu thông thường thì đây là bệnh lở lói, phong hủi.
Cuối năm 1496 sử chép “mùa đông, tháng 11, ngày 17, vua không khỏe”. Đến ngày 30 tháng Giêng năm sau thì vua băng hà. Sự ra đi đột ngột của vua Lê Thánh Tông khiến nhiều người khẳng định vua mất vì chất độc ngấm vào cơ thể. Còn việc chính xác vua bị bệnh gì dẫn đến lở loét thì không sử liệu nào nói đến.
Bà Quý phi Nguyễn Thị Hằng và nghi án giết vua
Bà Quý phi Nguyễn Thị Hằng vốn là con gái Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung (người là tổ của chúa Nguyễn Hoàng và sau này là các vua nhà Nguyễn). Trong số các phi tần thì ban đầu bà được vua Thánh Tông yêu quý nhất.
Bà sinh hạ hoàng tử Lê Tranh, sau được lập làm Hoàng Thái tử. Đã từng mấy lần vua muốn lập bà làm hoàng hậu nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh, sợ rằng các tần thiếp không ai dám gần vua nữa nên lại thôi.
Về sau bà bị ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi đem lòng thù ghét, lại sợ rằng vua sẽ thay di mệnh không cho con mình lên làm vua nữa nên đã hạ độc giết vua.
Theo nhiều tư liệu để lại, Quý phi Nguyễn Hằng lấy cớ vào thăm bệnh rồi ngầm bôi thuốc vào tay, xoa lên những chỗ loét. Do vậy, bệnh của vua càng nặng thêm. Ngày 29 tháng 1 âm lịch năm 1497, nhà vua ngồi tựa ghế ngọc, chỉ định Hoàng thái tử lên kế ngôi. Hôm sau, vua qua đời ở điện Bảo Quang, hưởng thọ 56 tuổi, trị vì quốc gia Đại Việt trong 38 năm (1460 – 1497).
Tuy nhiên, các sử gia sau này đặt nghi vấn, nếu chuyện mưu sát mua này có thật thì dòng họ nhà bà sẽ bị tru di hết cả, không ở đời vua này thì ở đời vua khác.
Nhưng sau khi vua Lê Thánh Tông mất, hoàng tử Lê Tranh lên ngôi, lấy hiệu là Hiến Tông. Sau khi đăng quang, vua Hiến Tông tôn phong mẹ là Trường Lạc Hoàng Thái hậu. Điều lý giải duy nhất là vua Hiến Tông bảo vệ bà, bởi vì hành động của bà đã đem lại ngôi báu cho ông.
Theo Trần Thu Thủy/Khoevadep