Vì sao người Việt có thói ăn to, nói lớn?

Google News

(Kiến Thức) - Không giống như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã nên nhiều người có thói quen “ăn to, nói lớn”...

Không giống như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã nên nhiều người có thói quen “ăn to, nói lớn”, thậm chí nói oang oang như quát chỗ đông người đã khiến địa điểm công cộng, nơi điểm trang nghiêm cần sự yên tĩnh trở thành… cái chợ.
Cái chợ hồn nhiên
Với nhiều năm nghiên cứu về dân tộc học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, nói to ở nơi công cộng đúng là một trong những “đặc sản” của Việt Nam. Hình ảnh một quán ăn đang yên tĩnh bỗng ồn ào bởi một nhóm khách vừa đến, vừa ăn vừa oang oang nói chuyện khiến quán ăn giống cái chợ; hay như trong bệnh viện vốn yên tĩnh bỗng bị phá vỡ bởi tiếng nói chuyện rôm rả của một nhóm nào đó vào thăm bệnh nhân... là chuyện hết sức bình thường ở Việt Nam.
Rõ ràng nói to, hồn nhiên “oang oang” như thể ở nơi không người ngay chỗ đám đông, nơi công cộng là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, không phân biệt giới tính, trình độ, tuổi tác, vùng miền. Có điều, trong một đám đông mà ai cũng thích nói to, người này nói một câu, người kia nói một câu sẽ khiến cho không khí trở lên ồn ào, giống như một cái chợ. “Cái chợ” này có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào từ bến xe, quán ăn, góc phố, vỉa hè đến cả những nơi dường như chỉ dành cho sự yên tĩnh như bệnh viện, đám tang, hội nghị... 
Hiện có nhiều cách lý giải khác nhau về thói quen thích nói to nơi đông người của người Việt. Người dễ tính cho rằng, việc “ăn to, nói lớn” là thể hiện sự phóng khoáng của người Việt Nam. Người khó tính thì cho rằng việc thích nói to, giọng lúc nào cũng oang oang chốn đông người là cách lôi kéo sự chú ý hoặc phô trương bản thân của người Việt.
Với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, dù thói quen này hiểu theo cách nào thì cũng là một thói xấu, bởi đó là sự thiếu tôn trọng người xung quanh, thiếu tôn trọng cộng đồng, thiếu ứng xử văn minh nơi công cộng.
 Ảnh minh họa.
Chuyện của ngày hôm nay
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, thói quen xấu này không phải xuất phát từ cội nguồn văn hóa, không thuộc về bản tính dân tộc mà nó được hình thành từ sự khiếm khuyết trong giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, thời của ông, việc nói to, nói nhiều nơi công cộng được cha mẹ dạy rất nghiêm khắc. Ở nhà trường, trước năm 1954, điều này còn được đưa vào cả trong chương trình học của sách giáo khoa. Mọi người từ bé đều được dạy, đi ra đường gặp đám tang thì phải dừng xe, thậm chí phải bỏ mũ, cúi mình để tỏ lòng với người đã khuất, việc nói to trong đám tang là điều cấm kỵ. Nhưng xã hội ngày nay thì khác, đám tang chỉ là việc của gia đình người đã khuất, đi đám tang nhiều người vẫn cười đùa, nói năng bô bô, oang oang trong không khí trang nghiêm, buồn bã, thậm chí có người đi đám tang còn “hồn nhiên” khoe cả ảnh trên mạng xã hội. 
Cái ứng xử thiếu văn minh này là do lỗi của giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Hiện nay từ gia đình cho đến nhà trường, dường như chúng ta dạy cho trẻ rất nhiều thứ, nhưng cái cốt lõi nhất, cái thể hiện trình độ văn hóa, văn minh của con người là dạy sự tôn trọng cộng đồng, tôn trọng người xung quanh thì lại không thấy. Trong khi đó ở những xã hội văn minh, việc ứng xử với cộng đồng được người ta rất chú trọng. 
Ngay từ bé, những đứa trẻ nhỏ đã được cha mẹ, nhà trường giáo dục về việc ứng xử nơi công cộng, rằng nói to, nói lớn, “hồn nhiên” bô bô, oang oang nơi đông người là không lịch sự, là thiếu tôn trọng người khác, thiếu tôn trọng cộng đồng. Khi cả một cộng đồng mà ai cũng được học về điều này thì cả xã hội sẽ tự điều chỉnh. Vì thế, ở các xã hội văn minh, dù là chốn đông người cũng không trở thành những “cái chợ” ồn ào như ở ta. Ở đó, người ta sẽ không “oang oang” nơi công cộng hoặc nếu có “hồn nhiên” mà quên thì sẽ được người bên cạnh nhắc, người bị nhắc sẽ lập tức hiểu và điều chỉnh hình vi của mình để không “lệch chuẩn” với xã hội.
Nhìn lại vào xã hội Việt, từ sự thiếu hụt của gia đình, nhà trường, hiện nay xã hội của chúng ta cũng đang dung túng cho những cách ứng xử thiếu văn minh, thiếu tôn trọng với cộng đồng. Nếu ở các nước phương Tây, đi nghe hòa nhạc, bạn vô tình thầm thì to nhỏ, người bên cạnh sẽ nhắc nhở bạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác, không ai nhắc chúng ta đừng nói to nữa, đừng nói chuyện làm ảnh hưởng tới người khác nữa. Thậm chí, ở nước ta nếu có ai đó nhắc, thì chắc sẽ nhận được sự phản ứng lại theo kiểu “việc của nhà ông à”, “vô duyên”... Điều này cho thấy, rõ ràng, xã hội đang dung túng cho những ứng xử thiếu văn minh. Lúc này, dù gia đình hay nhà trường có dạy trẻ cách ứng xử văn minh với cộng đồng, nhưng xã hội lại không thừa nhận những giá trị đó và lại biến những đứa trẻ được học về điều này trở thành “ngớ ngẩn” trong cuộc sống.

Thay đổi không khó
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc thay đổi thói quen này không hề khó. Mất 5 năm, hay 10 năm để thay đổi cách ứng xử thiếu tôn trọng với cộng đồng phụ thuộc vào chính chúng ta. Việc thay đổi thói quen xấu này giống như việc thay đổi thói quen không đội mũ bảo hiểm ngày xưa. Ngày trước, khi thực hiện việc đội mũ bảo hiểm, nhiều người cũng phản đối và cho rằng đấy là việc thừa thãi, là không cần thiết. Nhưng sau 5 năm, giờ đội mũ bảo hiểm là việc hiển nhiên, ai không đội mũ sẽ bị lạc lõng, bị phê phán, chê cười. Cha mẹ không đội có khi bị con nhỏ nhắc nhở, bản thân các cháu nhỏ cũng rất ý thức về việc đội mũ bảo hiểm là an toàn, văn minh. Làm được điều này là do chúng ta đã kết hợp được giáo dục đạo đức từ gia đình, nhà trường và pháp luật đối với xã hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định: Xã hội phải được quản lý bằng luật pháp, sự văn minh và văn hóa. Không có cái gì chúng ta không làm được, một khi cả xã hội đều nhận thấy và thay đổi. Nếu thay đổi bằng tâm lý, bằng giáo dục chưa đủ hiệu quả thì cần phải dùng đến pháp luật. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, cái xấu cần phải thay đổi, thói quen tốt nên học. Vì thế, đã đến lúc thói quen nói to, nói lớn nơi đám đông cần được thay đổi.
- “Xã hội của chúng ta đang dung túng cho những thói xấu này. Bởi không phải là người ta không biết, không nhận thức được nhưng vẫn cứ cố làm. Không ít trường hợp khi ra nước ngoài, họ biết xếp hàng, biết nói năng nhỏ nhẹ phù hợp nơi đám đông... Tuy nhiên, chính những con người ấy khi trở lại Việt Nam, họ sẵn sàng văng tục, chen lấn, nói oang oang chốn đông người, ấy là vì ở ta xã hội vẫn dung túng cho những thói xấu đó”. 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
- Để thay đổi thói quen này hãy bắt đầu bằng việc tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hãy dạy cho trẻ nhỏ ý thức tôn trọng cộng đồng, đám đông. Các nơi công cộng cũng nên tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở người dân thực hiện điều này. Ở nước ngoài, người ta thường có biển khuyến cáo theo kiểu đi nhẹ, nói khẽ, thậm chí là xử phạt nếu nói to. Còn những chiếc biển này ở nước ta dường như vẫn rất ít. Vì thế, các cơ quan, văn phòng, xí nghiệp… nên có nhiều biển khuyến cáo kiểu này để tuyên truyền, từ đó thay đổi dần thói quen nói to chỗ đông người.
ThS Đinh Đoàn (Trung tâm Tư vấn Tâm lý, Đào tạo, Phát triển Cá nhân và Cộng đồng)
Huy Khánh