Quy định về thị tẩm dưới thời nhà Thanh
Hoàng đế xã hội phong kiến Trung Hoa thường được biết đến là những người sở hữu tam cung lục viện với số lượng phi tần cung nữ lên đến hàng trăm người, mỗi tối muốn ai đến thị tẩm thì gọi người đó, đêm đêm làm tân lang, mỗi ngày đổi một tân nương.
Song không phải Hoàng đế triều đại nào cũng được làm như thế, đặc biệt là Hoàng đế nhà Thanh kể ra còn "thảm" hơn chúng ta nghĩ nhiều.
Sau khi nhà Thanh tiến vào trung nguyên, người Mãn dần bị Hán hóa, lễ giáo Nho gia có ảnh hưởng rất lớn đến các vị Hoàng đế nhà Thanh. Bởi vì nhà Thanh được người Mãn lập nên, vì thế để có được sự công nhận của Nho gia, các vị Hoàng đế nhà Thanh lại càng coi trọng lễ giáo hơn bất kỳ Hoàng đế vương triều nào trong lịch sử. Chính vì thế cho nên các quy tắc trong Hoàng cung nhà Thanh lại càng nghiêm khắc hơn các triều đại khác.
Theo quy tắc trong Hoàng cung nhà Thanh, Hoàng đế không chỉ không được phép tùy ý sủng hạnh cung nữ, hơn nữa cũng không thể tùy tiện cùng phi tần qua đêm.
Hoàng đế có thể lật thẻ bài chọn phi tử đến thị tẩm mỗi đêm nhưng điều đó không có nghĩa là Hoàng đế có thể giữ phi tần đó ngủ qua đêm tại tẩm cung của mình.
"Quyền được ngủ qua đêm tại cung Hoàng đế" chỉ có riêng Hoàng hậu mới có, phi tần thị tẩm xong chỉ có hai lựa chọn, một là đến cung Hoàng hậu để nghỉ ngơi, hai là quay về cung của chính mình để nghỉ ngơi. Cho nên, Hoàng đế nhà Thanh chịu rất nhiều hạn chế, không thể tự do làm điều mình muốn.
Quy định trên có từ khi nào?
Hoàng đế nhà Thanh chịu nhiều khuôn khổ, gò ép như vậy, nếu muốn trách chỉ có thể trách tiền triều nhà Minh, cụ thể là trách Minh Thế Tông Gia Tĩnh Đế Chu Hậu Thông của vương triều nhà Minh.
Gia Tĩnh Đế là vị Hoàng đế Đạo giáo rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, thời gian đầu khi ông trị vì, đã cống hiến rất nhiều cho quốc gia, từng cho ban hành "Gia Tĩnh tân chính", thực hiện hàng loạt cải cách.
Nhưng về sau, Gia Tĩnh Đế bắt đầu theo đuổi thuật trường sinh bất lão, sùng bái Đạo giáo, bỏ bê chuyện triều đình, quốc gia, suốt hơn 20 năm không hỏi han chuyện triều chính.
Mà việc khiến Gia Tĩnh Đế bỗng nhiên thay đổi nhiều như thế chính là bởi sự kiện "Nhâm Dần cung biến" diễn ra vào giữa những năm Gia Tĩnh.
Sự kiện này xảy ra vào đêm Gia Tĩnh Đế ngủ lại trong Dực Khôn cung của Tào Đoan Phi. Trong đêm ấy, Gia Tĩnh Đế suýt chút nữa đã bị Tào Đoan Phi cùng cung nữ của Vương Ninh Tần bóp cổ chết, may mắn nhờ có Phương Hoàng hậu kịp thời nghe tiếng chạy tới cứu giá.
Sau khi điều tra rõ ràng mới biết được Vương Ninh Tần lệnh cho cung nữ của mình hợp mưu với cung nữ ở tẩm cung của Tào Đoan Phi để tìm cách giết Gia Tĩnh Đế. Kết quả, Gia Tĩnh Đế hạ lệnh xử tội chết Vương Ninh Tần, Tào Đoan Phi, cung nữ mưu phản Dương Kim Anh cùng những người có liên quan khác.
Sau sự việc lần đó, Gia Tĩnh Đế ngày càng trở nên nhạy cảm, đề phòng hơn, một mình sống tại Tây Uyển, tâm hướng Đạo giáo. Vì muốn ngăn chặn con cháu đời sau của mình gặp phải chuyện như mình nên Gia Tĩnh Đế đã đặt ra quy định trong cung, đó là Hoàng đế buổi tối chỉ được ngủ một mình nếu muốn qua đêm thì chỉ có thể ngủ qua đêm cùng Hoàng hậu.
Cũng từ đó về sau, các vị Hoàng đế không thể tùy ý ngủ lại qua đêm tại tẩm cung của các vị phi tần như trước, nếu Hoàng đế muốn sủng hạnh vị phi tần nào thì chỉ có thể cho gọi đến tẩm cung của mình để "hành sự", sau khi xong việc thì phải để các nàng quay về cung của chính mình nghỉ ngơi.
Việc Gia Tĩnh Đế định ra quy tắc này được các vị triều thần trong triều nhất loạt đồng thuận, bởi vì dù gì đi chăng nữa, đây cũng là một quy tắc tốt, như vậy có thể tránh việc Hoàng đế trầm mê trong tửu sắc, cho nên hành động này của Gia Tĩnh Đế được các vị triều thần vô cùng tán dương và ủng hộ. Từ đó về sau trong hậu cung nhà Minh luôn tồn tại quy tắc này.
Quy định có phần nghiêm khắc hơn
Sau khi nhà Thanh tiến vào trung nguyên, về cơ bản đều thừa kế, tiếp nối chế độ của nhà Minh, hơn thế nhà Thanh cũng cho rằng quy định này không hề sai, nhờ nó có thể ngăn chặn việc Hoàng đế trầm mê tửu sắc cho nên vẫn tiếp tục giữ vững quy tắc này trong cung.
Vương triều nhà Thanh không chỉ kế thừa chế độ cung đình của nhà Minh, mà còn tiếp tục thay đổi khiến nó trở nên nghiêm khắc hơn cả nhà Minh. Hoàng đế nhà Thanh không cho phép cung nữ hầu hạ, cũng không được phép tùy ý sủng hạnh cung nữ.
Từ sau khi vua Thuận Trị nhà Thanh vào trung nguyên, vua Thuận Trị đã đề ra một quy định, để tránh việc con cháu sau này của mình hoang dâm vô độ, Thuận Trị Đế đã quy định các vị Hoàng đế đời sau không được tùy ý sủng hạnh cung nữ, bên cạnh Hoàng đế cũng không cho phép có cung nữ hầu hạ.
Theo những ghi chép trong cuốn "Nửa đời trước của tôi" do vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi hồi tưởng lại các quy định trong cung đình nhà Thanh, theo đó trong cung đình nhà Thanh, các cung nữ chủ yếu là hầu hạ Thái hậu, Hoàng hậu, các vị phi tần cùng các nữ chủ nhân, còn bên cạnh Hoàng đế thường sẽ do Thái giám lo liệu, hầu hạ.
Trong cung cấm Thanh triều, nếu cung nữ muốn ra ngoài làm việc thay nữ chủ nhân của mình thì phải đi từ nhóm hai người trở lên, chứ không thể đi làm một mình.
Vương triều nhà Thanh nghiêm cấm việc Hoàng đế sủng hạnh cung nữ, điều này còn hà khắc hơn cả nhà Minh. Hoàng đế nhà Thanh nếu muốn sủng hạnh cung nữ thì phải do Hoàng hậu, Hoàng quý phi cùng các thành viên trong Phủ Nội vụ tiến cử, khi Hoàng đế sủng hạnh cung nữ thì bắt buộc phải có sự thống nhất quản lý sắp xếp của Phủ Nội vụ.
Theo ký ức của Phổ Nghi, vào năm 13 tuổi, khi ông đi thỉnh an Cẩn Thái Phi của vua Quang Tự, khi Phổ Nghi vừa bước vào cung, tất cả các cung nữ trong cung tự động lui ra ngoài, trong cung chỉ còn lại mỗi bà vú già hầu hạ Phổ Nghi cùng Cẩn Thái Phi trò chuyện.
Việc này chính là để ngăn chặn mọi nguy cơ từ trong trứng nước, một Phổ Nghi mới chỉ 13 tuổi cũng đã bị ngăn cấm không được tiếp xúc với cung nữ, từ đó có thể thấy quy định trong cung đình nhà Thanh nghiêm khắc đến nhường nào.