Vì sao Pi-e Đại đế là hoàng đế đặc biệt vĩ đại của Nga?

Google News

Có 5 lý do mà Pi-e – vị Hoàng đế đầu tiên của Nga, cho tới ngày nay vẫn được thế giới đánh giá là một chính khách, một nhà cải cách xuất chúng.

Sa hoàng Pi-e (1672-1725) là một nhân cách đặc biệt. Thuở thiếu thời, ông hiếm khi chịu ngồi yên, ông đi bộ rất nhanh và nói oang oang, ông lúc nào cũng trong trạng thái chuyển động. Lúc lớn lên, ông trở thành một người rất cao to, đặc biệt khỏe mạnh và có năng lực gieo nỗi sợ vào các chủ thể của ông. Pi-e có tài trí và sự tháo vát hơn người nhưng ông cũng mang tính cách nóng nảy, dễ bùng nổ. Dù là một viên chỉ huy quân sự nổi bật và là một luật sư, ông đồng thời lại nghiện rượu và có thể tiêu diệt bất cứ ai bất tuân mình.
Vi sao Pi-e Dai de la hoang de dac biet vi dai cua Nga?
 Hình tượng Pi-e Đại đế - vị hoàng đế cải cách của Nga. Ảnh: Getty, RBTH.
Nhưng Pi-e có được danh xưng Đại đế này không phải do các nét tính cách cá nhân đó. Năm 1721, khi Thượng viện Điều hành của Nga “bổ nhiệm” Pi-e làm Hoàng đế Nga đầu tiên, và trao cho ông danh hiệu “Đại đế”, điều đó có cơ sở là các thành tựu xuất sắc của ông trên cương vị của một chính khách tầm cỡ.
1. Tạo ra tầng lớp quý tộc Nga mới, bắt họ phục vụ nhà nước
Vào cuối thế kỷ 17, nhà nước Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng. Một trong các lý do cho điều này là việc các chức vụ chính thức đều được nắm giữ dựa trên các đặc quyền ngay từ lúc sinh – chỉ có con cái của các gia đình quý tộc boyar mới có thể trở thành boyar và nắm giữ các vị trí chỉ huy quân sự cấp cao hay làm chính khách dân sự. Hiển nhiên những người này không phải lúc nào cũng tài năng hay can đảm. Pi-e đã chấm dứt thực tế này, theo một cách hết sức cứng rắn.
Năm 1698, Pi-e hành quyết nhiều streltsy – đó là các cựu vệ binh của Sa hoàng, những người mưu đồ lật đổ ông. Cùng với việc hành quyết đó, nhiều boyar cấp cao (tham gia âm mưu đảo chính) đã bị sa thải. Năm 1701, Pi-e quyết rằng chỉ những ai phục vụ nhà nước thì mới có thể sở hữu đất đai và nếu ngưng phục vụ nhà nước thì sẽ bị tước đất đai và các nông nô. Pi-e cũng thường xuyên triệu tập các quý tộc, đăng ký tất cả các quý tộc có thể phục vụ trong quân đội hay các thể chế dân sự.
Cuối cùng Pi-e công khai bổ nhiệm vào hàng ngũ quý tộc những người vốn không thuộc dòng dõi quý tộc, dựa trên năng lực và lòng can đảm của họ, phong cho họ tước hiệu nam tước và bá tước mà ông tiếp thu từ châu Âu. Pi-e bảo đảm hàng ngũ quý tộc có tính cha truyền con nối và khẳng định rằng tất cả các quý tộc phải phục vụ từ tuổi 15. Thông qua những bước đi này, Pi-e đã tạo ra được tầng lớp quý tộc Nga thực hiện gây dựng sự vĩ đại của Nga trong thế kỷ 18 và sau đó.
2. Thành lập Saint Petersburg - thành phố mang tính châu Âu nhất trong toàn bộ các đô thị của Nga
Hầu hết các cựu gia đình boyar giàu có đều nằm ở trong hoặc quanh Moscow. Pi-e hiểu rằng ông cần một thành phố lớn mới, nơi tầng lớp quý tộc kiểu mới của ông có thể giao du với nhau, cạnh tranh và tạo ra một mạng lưới xã hội mới. Đồng thời, Nga lúc đó rất cần tiếp cận biển và các mối thương mại mới với châu Âu.
Sáng lập ra Saint Petersburg vào năm 1703 trên vùng đất sình lầy Ingria (dọc theo bờ biển phía nam của Vịnh Phần Lan) là một ý tưởng đạt được cùng một lúc tất cả các mục tiêu nói trên. Moscow không đánh mất tầm quan trọng của một “cố đô” – tất cả các Sa hoàng Nga sau thời Pi-e đều chính thức được trao vương miện ở Moscow, tại Nhà thờ Lớn Dormition.
Nhưng Saint Petersburg, như đúng ý đồ của người tạo ra nó, trở thành một thành phố hướng về châu Âu và được tổ chức theo kiểu châu Âu, giúp đạt thêm một mục tiêu quan trọng của triều đại Pi-e.
Vi sao Pi-e Dai de la hoang de dac biet vi dai cua Nga?-Hinh-2
 Biểu tượng Pi-e Đại đế thành lập Saint Petersburg. Ảnh: PC.
3. Giúp người Nga kết nối với người châu Âu
Trái với suy nghĩ chung của nhiều người, Pi-e không “cấm” để râu. Hầu hết người Nga là nông dân và nông nô, họ sống ở nông thôn và họ vẫn để râu bình thường. Nhưng ở các đô thị, Pi-e bắt nam giới (ngoại trừ giới tăng lữ) phải trả thêm phí đáng kể nếu họ muốn nuôi râu. Pi-e cũng cấm hoàn toàn trang phục truyền thống của Nga đối với tất cả các công dân.
Pi-e hiểu rằng để giúp người châu Âu và người Nga kết nối thì trước tiên người Nga trông phải “châu Âu” hơn, và do vậy các thương lái và sinh viên Nga khi ở các thành phố châu Âu không được lộ riêng ra chỉ vì quần áo trên người họ. Do vậy Pi-e ra lệnh cho tất cả các công dân nước mình phải mặc Âu phục.
Pi-e cũng đưa vô vàn người ngoại quốc vào Nga để lao động, nào là đóng tàu, phục vụ trong quân ngũ, dạy khoa học, cho đến tổ chức doanh nghiệp, nhà máy, và nông trường.
Nhưng Pi-e không chỉ làm bạn với người châu Âu – ông còn đối đầu với nhà nước châu Âu hùng mạnh nhất thời bấy giờ, đó là Thụy Điển, trong Đại chiến Bắc Âu.
Vi sao Pi-e Dai de la hoang de dac biet vi dai cua Nga?-Hinh-3
 Trận chiến Gangut (tác phẩm điêu khắc của Mauritius Bakua).
4. Nâng Nga lên thành siêu cường quân sự
Trong Đại chiến Bắc Âu (1700-1721), Thụy Điển đối đầu với một liên minh gồm Nga, Thịnh vượng chung Ba Lan, bang Saxony (Đức), và vương quốc Đan Mạch-Na Uy. Xung đột xoay quanh việc kiểm soát Biển Baltic và các bờ của biển này. Trong cuộc chiến này, Nga muốn được quay trở lại lãnh thổ của mình ở Ingria – các vùng đất này vốn thuộc về Công quốc Moscow trước Thời kỳ Đại Loạn vào đầu thế kỷ 17. Khi Pi-e lên ngôi, Nga chỉ có Arkhangelsk ở Biển Trắng là cảng thương mại lớn duy nhất của nước này, nên để phát triển thương mại đường biển thì việc tiếp cận Biển Baltic có ý nghĩa sống còn.
Đối với Nga, cuộc chiến khởi đầu bằng một thất bại tai hại ở Narva vào ngày 19/11/1700. Quân Nga buộc phải đầu hàng và đã mất tất cả số pháo của mình vào tay người Thụy Điển. Trận chiến này chứng minh quân đội Nga thiếu hiệu quả. Sau đó, Pi-e đã tiến hành cải cách toàn diện quân đội Nga. Với sự giúp đỡ của các chỉ huy và kỹ sư châu Âu, quân đội Nga sau đó đã áp dụng các đội hình quân sự mới, vũ khí mới, và chiến thuật mới.
Năm 1704, quân Nga cuối cùng chiếm được Narva. Năm 1709 họ đè bẹp quân Thụy Điển trong trận chiến Poltava và đến năm 1714 họ đánh bại hạm đội Thụy Điển trong trận Gangut – thắng lợi đầu tiên của Nga trên biển.
5. Xây dựng ngành lập pháp toàn diện ở mọi lĩnh vực đời sống Nga
Ngoài tài năng quân sự, Pi-e còn là một thiên tài lập pháp. Dưới sự giám sát của ông, một bộ luật và một hệ thống nhà nước mới đã được xây dựng tại Nga. Chính quyền giờ được thể hiện thông qua các hội đoàn – tiền thân của các Bộ. Thượng viện Điều hành đóng vai trò cơ quan tư pháp cao nhất (sau Hoàng đế). Dưới thời Pi-e, quyền lực của Giáo hội Chính thống giáo Nga được đặt thấp hơn nhà nước. Năm 1721 Nga lập ra Hội đồng Tôn giáo Thần thánh thay cho Thượng phụ trong việc quản lý giáo hội.
Cá nhân Pi-e ban hành vô số sắc lệnh với nội dung điều chỉnh các chi tiết trong cuộc sống thường nhật của người dân Nga, không chỉ chuyện râu ria mà còn cả quần áo, quy tắc ứng xử nơi công cộng. Pi-e còn ra lệnh cho phụ nữ Nga ngừng nhuộm răng đen bằng bồ hóng, dạy người dân chôn rác ở những nơi được tổ chức riêng cho việc đó, ra lệnh dùng lưỡi hái thay cho lưỡi liềm trong việc thu hoạch, v.v.. Pi-e nhìn vào cơ cấu đời sống xã hội và tái tổ chức nó theo các ý tưởng của mình.
Các cải cách của Pi-e đã hình thành nước Nga trên thực tế và có hiệu lực lớn cho đến năm 1917./.
Theo Trung Hiếu/VOV