Vì sao siêu hạm đội TQ thảm bại trong hải chiến Hoàng Hải?

Google News

(Kiến Thức) - Được coi là hạm đội mạnh nhất châu Á, đứng thứ 8 thế giới vào cuối thế kỷ 19, thế mà chỉ trong 1 ngày, hạm đội Bắc Dương đã thua thảm hại Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong trận hải chiến Hoàng Hải 1894. 

Hải chiến Hoàng Hải hay còn được gọi là trận sông Áp Lục xảy ra vào ngày 17/9/1894 giữa Hải quân nhà Thanh (Trung Quốc) với Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Trận đánh kết thúc với chiến thắng hoàn toàn của Nhật Bản.
Điều đáng nói, Hạm đội Bắc Dương - lực lượng trực tiếp tham gia trận chiến của nhà Thanh là một trong những đạo quân trên biển hùng mạnh nhất lúc bấy giờ ở châu Á, thế mà họ thua cuộc một cách chóng vánh chỉ trong một ngày chiến sự.
Rốt cuộc tại sao hạm đội hải quân "khủng" nhất nhà Thanh lại bại trận đau đớn tới vậy?
Mạnh nhất châu Á, mạnh thứ 8 thế giới
Trước hết, hãy tìm hiểu một chút về hạm đội Bắc Dương - một trong 4 hạm đội hùng mạnh của Hải quân nhà Thanh (các hạm đội còn lại là Nam Dương, Phúc Kiến và Quảng Đông).
Nhận được sự hậu thuẫn lớn của quan đại thần Lí Hồng Chương, so với các hạm đội còn lại, Bắc Dương được đầu tư tiền của cực lớn để đóng các tàu chiến khổng lồ theo kiểu phương Tây.
Ở thời kỳ đỉnh cao năm 1890, Hạm đội Bắc Dương có 78 tàu chiến, với tổng trọng tải tới 83.900 tấn, được coi là mạnh nhất châu Á, vượt trên cả Hạm đội Đế quốc Nhật bản và đứng thứ 8 thế giới.
Các tàu chiến của Bắc Dương đều được đóng theo công nghệ của phương Tây, thuộc hàng hiện đại nhất thời bấy giờ với hỏa lực cực mạnh.
Vi sao sieu ham doi TQ tham bai trong hai chien Hoang Hai?
 Thiết giáp hạm Định Viễn. Ảnh: Wikipedia
Ví dụ kỳ hạm của Hạm đội Bắc Dương - Định Viễn do Đức đóng năm 1881, bàn giao tháng 11/1885. Con tàu có lượng giãn nước toàn tải 7.355 tấn, dài 94,5m, tầm hoạt động 8.300km với tốc độ trung bình 19km/h.
Mặc dù trận hải chiến Hoàng Hải 1894, Hạm đội Bắc Dương không huy động tổng lực toàn trang bị nhưng các chiến hạm mạnh nhất đều tham gia và để lại nỗi ô nhục.
Bước vào trận hải chiến Hoàng Hải – một trong những trận đánh quyết định cục diện chiến tranh Thanh – Nhật tranh giành tầm ảnh hưởng tới bán đảo Triều Tiên, Hạm đội Bắc Dương huy động 2 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm, 2 tàu tuần tiễu, 2 tàu phóng lôi với tổng trọng tải 31.000 tấn.
Còn Nhật Bản triển khai 9 tuần dương hạm hộ tống, 1 tàu tuần tiễu, 1 tàu pháo, 1 tàu vận tải vũ trang với tổng trọng tải 38.000 tấn.
Về mặt lý thuyết, trong trận này, Nhật Bản có tổng khối lượng tàu lớn hơn, tuy nhiên, Trung Quốc có tàu chủ lực mạnh hơn gồm thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn. Các tàu này được bọc thép dày tới 360mm, khó có thể bị phá hủy bởi pháo hạm Nhật Bản.
Vi sao sieu ham doi TQ tham bai trong hai chien Hoang Hai?-Hinh-2
 Kỳ hạm của Hải quân Nhật Bản tham gia trận Hoàng Hải. Ảnh: Wikipedia
Về hỏa lực, các tàu Trung Quốc có ưu thế: họ có 8 khẩu pháo 305mm, vài khẩu đại bác cỡ nòng 10 inch (254mm) và 8 inch (203mm). Các khẩu pháo cỡ 203mm trở lên đều có thể bắn chìm các tàu chiến của Nhật bản trong trận này (ngược lại, các khẩu pháo của Nhật không thể bắn chìm được Trấn Viễn và Định Viễn).
Thế nhưng, thực tế thì luôn cách xa lý thuyết, trang bị mạnh nhưng con người kém thì chẳng làm nên chuyện!
Cuộc chiến xảy ra lúc 12h50 phút trưa ngày 17/9/1894 và kết thúc khi trời trưa tối với thất bại nặng nề giành cho hạm đội Bắc Dương.
Hạm đội nhà Thanh bị đánh chìm 5 tàu, 3 tàu hư hỏng, 850 thủy thủ thiệt mạng, 500 người bị thương. Về phía Nhật Bản chỉ có 6 tàu bị hư hại, 180 người chết, 200 bị thương.
Thua vì tham nhũng từ trên xuống dưới
Bình luận về nguyên nhân thất bại, các nhà sử học ngày này đều thống nhất rằng nhà Thanh tuy sở hữu hạm đội hùng mạnh bậc nhất châu Á, vũ khí vượt xa quân Nhật nhưng sức chiến đấu quá yếu kém.
Việc thiếu luyện tập thường xuyên, nạn tham nhũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần pháo thủ.
Thậm chí từng có một bộ phim nói về hạm đội Bắc Dương có kể rằng, trong một cuộc diễn tập cho quan lại đại thần theo dõi, lo sợ bắn không trúng bị trách tội, các quan chỉ huy tàu đã cho nhồi thuốc nổ sẵn lên tàu mục tiêu rồi kích nổ cùng lúc khi đại pháo khai hỏa.
Vi sao sieu ham doi TQ tham bai trong hai chien Hoang Hai?-Hinh-3
 Tranh vẽ trận Hoàng Hải. Ảnh: Wikipedia
Ngoài ra, nạn tham nhũng hoành hàng từ thấp tới cao đã “rút ruột” hạm đội từ bên trong, có nguồn tin cho rằng Từ Hi Thái Hậu đã rút ngân quỹ hải quân dành cho Hạm đội Bắc Dương sang xây dựng Di Hòa Viên khiến cho lực lượng này không có kinh phí duy trì luyện tập, bảo dưỡng tàu bè.
Bên cạnh đó, thiếu kinh phí khiến lượng đạn dự trữ các chiến hạm đều bị hao hụt. 8 khẩu pháo 305mm trên 2 thiết giáp hạm chỉ có 300 viên đạn, không đủ chiến đấu trong một ngày.
Kế hoạch thay thế các khẩu pháo 305mm bằng loại pháo 305mm kiểu mới, có tốc độ bắn cao hơn và chính xác hơn được đề ra từ năm 1892, nhưng không bao giờ trở thành hiện thực.
Cấp trên đã vậy, cấp dưới cũng không tha, theo tài liệu của tác giả Sarah C.M. Paine trong cuốn sách Chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895) có đề cập tới việc nhiều quả đạn pháo bị nhồi mạt cưa và nước chứ không phải thuốc nổ.
Các biệt có trường hợp hai khẩu pháo 250mm trên tàu chiến hạm đội đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu sài.
Sự mục rỗng từ bên trong đã khiến hạm đội Bắc Dương trở thành “cái danh hão, cái vỏ rỗng tuếch” để các quan đại thần, Hoàng đế nhà Thanh ra oai trong những buổi thiết triều, nhưng khi lâm trận tất cả bị phơi bày, nhục nhã không để đâu cho hết.
Tháng 2/1985, hạm đội Bắc Dương chạm trán lần thứ 2 với hải quân Nhật Bản trong trận Uy Hải Vệ, Sơn Đông. Nhưng kết quả vẫn là thất bại nặng nề với hạm đội này khi kỳ hạm Định Viễn bị đánh chìm cùng 3 tàu lớn khác, 13 tàu phóng lôi cố chạy trốn cũng bị bắn tan tành và bị bắt giữ.
Ngày 12/2, Đô đốc hạm đội Bắc Dương cùng hàng ngàn binh lính đầu hàng vô điều kiện với những con tàu còn lại trên cảng. Xấu hổ và tủi nhục, sau đó Đô đốc Đinh Nhữ Xương đã tự sát.
Sau hai trận chiến quy mô này, lực lượng hạm đội Bắc Dương gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhà Thanh sau này có cố gắng “bơm tiền” nỗ lực hồi sinh hạm đội nhưng không còn được nể trọng như xưa vì những thất bại nhục nhã, thảm hại.

Video thiết giáp hạm Yamato của Nhật Bản trong CTTG 2. Nguồn: Youtube


Hoàng Lê