Trong Tây du ký, khi thầy trò Đường Tăng đến núi Vạn Thọ, họ phát hiện trên núi có Ngũ Trang đạo quán, nơi Trấn Nguyên Tử hay còn gọi là Trấn Nguyên đại tiên, cư ngụ.
Tại đây, có một cây tiên quý sinh ra từ khi càn khôn còn hỗn độn, trời đất mây mù chưa phân. Khắp tứ đại bộ châu trong thiên hạ chỉ có Ngũ Trang quán ở Tây Ngưu hạ châu là nơi sản sinh cây quý đó, gọi là "Vạn Thọ thảo hoàn đơn", hay "Nhân sâm quả".
Cây Nhân sâm đặc biệt ở chỗ, ba nghìn năm nở hoa, ba nghìn năm kết quả và ba nghìn năm nữa để quả chín. Như vậy, cần một chu kỳ gần 10.000 năm mới sinh ra một lứa quả và trong chu kỳ đó, cây chỉ kết được 30 quả.
Quả Nhân sâm có hình dáng như trẻ sơ sinh, người nào ngửi được hương thơm từ quả này một lần sẽ sống đến 360 tuổi; còn ăn một quả sẽ sống 47.000 năm.
Khi bốn thầy trò bước vào Ngũ Trang quán, hai tiểu đồng của Trấn Nguyên Tử đã vâng lời dặn dò, mang hai trái Nhân sâm tới mời Đường Tăng. Vậy tại sao Trấn Nguyên Tử là mời một người phàm như Đường Tăng ăn quả Nhân sâm?
Theo nguyên tác, lúc Đường Tăng đến Ngũ Trang quán cũng là khi Trấn Nguyên Tử được Nguyên Thủy Thiên Tôn mời đi nghe giảng đạo. Ông đã dặn hai tiểu đồng, ta đi rồi ít ngày, có người quen của ta là Ðường Tam Tạng ghé đây. Người này ở Trường An vâng lệnh đi thỉnh kinh Tây Phương, đừng thấy thầy sãi mà đem dạ coi thường. Phải hái trái Nhân sâm mà đãi Tam Tạng.
Hai đạo đồng thưa rằng: Người không đồng đạo thì chẳng bàn luận làm chi, ấy là lời Khổng Tử. Mình theo đạo Lão Tử, sao lại quen với thầy chùa?
Trấn Nguyên đại tiên nói: Các ngươi không biết. Thầy ấy nguyên là đệ tử thứ nhì của Phật Tổ, ở tại Tây Phương, hiệu là Kim Thiền tử năm trăm năm trước ta đi coi hội Vu Lan, có quen biết với nhau, như tình bằng hữu. Nay tuy Kim Thiền tử đầu thai làm Tam Tạng, ta lẽ quên hay sao?
Chính vì tình bạn này mà Trấn Nguyên Tử đã dặn dò hai tiểu đồng của mình phải đối đãi tử tế với Đường Tăng khi ông đến thăm Ngũ Trang quán. Việc mời Đường Tăng ăn quả Nhân sâm là một cách để thể hiện sự hiếu khách và tình cảm của mình đối với người bạn cũ.
Có thể nói, việc Trấn Nguyên Tử mời Đường Tăng ăn quả Nhân sâm là một chi tiết nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ thể hiện tình bạn giữa hai nhân vật mà còn phản ánh những giá trị nhân văn sâu xa như tình bạn, nhân quả và hành trình tu luyện.
Theo Quốc Tiệp/Người Đưa Tin