Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng, cái chết cũng giống như sự ra đời. Vì thế, nghi thức mai táng của người ra đi rất được chú trọng, đặc biệt là đối với giới quý tộc, hoàng tộc. Những nhân vật như hoàng đế và các thành viên hoàng tộc lại càng cầu kì hơn. Để thể hiện địa vị cao quý của mình trong xã hội phong kiến, người thân và triều đình thường đặt những món đồ quý giá vào miệng người chết. Đa số các vị hoàng đế thường chọn ngọc với mong muốn có được một cuộc sống sung túc, giàu có ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, Võ Tắc Thiên lại yêu cầu hạ nhân đặt vào miệng của mình một miếng gỗ.
Võ Tắc Thiên (624 - 705) được biết đến là một nhà chính trị gia kiệt xuất. Bà là một phi tần ở hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị, về sau trở thành Hoàng đế triều đại Võ Chu làm gián đoạn nhà Đường. Bà là mẹ của 2 vị hoàng đế kế tiếp, Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán. Sau khi Đường Cao Tông qua đời, Võ Tắc Thiên trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với tư cách hoàng thái hậu, và cuối cùng trở thành hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705. Do đó, Võ Tắc Thiên trở thành nữ hoàng đế duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc.
Trong 15 năm cai trị với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế, Võ Tắc Thiên mở mang lãnh thổ Trung Quốc, khuyến khích phát triển Phật giáo, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định trong nước. Tuy nhiên, do tư tưởng nam tôn-nữ ti đã ăn sâu trong lòng xã hội phong kiến, lại thêm tính cách độc ác, hà khắc trong việc cai trị khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục.
Võ Tắc Thiên có những điểm không tốt như tàn nhẫn giết hại nhiều người thân, hà khắc làm người dân khiếp sợ, nhưng bà biết trọng dụng người tài, thuởng phạt nghiêm minh, người dân sống dười thời bà được ăn no mặc ấm, an cư lạc nghiệp. Trong suốt thời gian giữ ngai vàng, bà đã đưa ra nhiều chính sách hiệu quả, đặc biệt bà đã gạt bỏ được tư tưởng trọng nam khinh nữ và đưa một cách nghĩ mới về người phụ nữ vào trong sử sách.
Xét về địa vị, Võ Tắc Thiên không thua kém vị vua nào. Thế nhưng, tại sao bà lại chọn lựa ngậm miếng gỗ vào miệng sau khi qua đời?
Theo các nhà sử học, Võ Tắc Thiên làm điều trái ngược như vậy là bởi bà có dụng ý riêng. Hơn nữa, việc ngậm gỗ thay ngọc có liên quan mật thiết tới tấm bia không chữ đặt trước lăng mộ của bà. Theo khảo sát khảo cổ, tổng diện tích lăng mộ của Võ Tắc Thiên và hoàng đế Đường Cao Tông khoảng 2,3 triệu mét vuông. Sâu bên trong lăng mộ là tấm bia khổng lồ cao 7,5m, nặng gần 100 tấn, trên đó không ghi chữ nào, được gọi là Vô tự bia.
Có nhiều cách lý giải về Vô tự bia. Cách giải thích thứ nhất là theo quan điểm của Võ Tắc Thiên, những gì bà đã làm không thể được viết chỉ trên một tấm bia. Vì vậy, Võ Tắc Thiên đã để trống bia đá với dụng ý là thành tích của bà vượt xa cách diễn đạt bằng lời nói. Còn cách giải thích thứ hai được dựa trên di chúc của Võ Tắc Thiên. Bà tuyên bố rằng: "Những thành tựu hay sai lầm của ta nên được hậu nhân đánh giá, vì vậy hãy để trống tấm bia của ta". Có thể, Võ Tắc Thiên cảm thấy công lao của mình quá lớn hoặc tội của mình quá nặng nên cố tình làm vậy để nhường phần đánh giá về mình cho đời sau bình luận.
Xuất phát từ suy nghĩ của Võ Tắc Thiên, các nhà sử học cho rằng miếng gỗ đặt trong miệng của bà sau khi qua đời cũng có ý nghĩa tương tự. Người Trung Quốc xưa thường ghi chép nội dung lên thẻ tre (mộc độc) hoặc thẻ gỗ (trúc giản). Việc ngậm một miếng gỗ khi băng hà chính là dụng ý Võ Tắc Thiên muốn để cho quỷ thần đánh giá về những việc mình đã làm.
Theo Phụ Nữ Số