Vị Tổng thống Mỹ bị bắn, đạn xuyên vào phổi vẫn nói đùa với vợ

Google News

Viên đạn xuyên vào phổi Tổng thống Mỹ thời điểm đó và đẩy ông vào tình thế nguy hiểm tính mạng.
 

Vi Tong thong My bi ban, dan xuyen vao phoi van noi dua voi vo
Ông Ronald Reagan vẫy chào đám đông ngay trước thời điểm vụ ám sát xảy ra. Ảnh: Biography 
Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11/1980, sau khi giành chiến thắng vang dội trước ứng cử viên Jimmy Carter - Tổng thống Mỹ đương nhiệm khi đó - và ứng viên độc lập John B. Anderson. Vài tháng sau, Tổng thống Reagan suýt bị sát thủ giết chết trong một vụ ám sát gây chấn động thế giới.
Âm mưu ám sát
Khi đứng lẫn trong đám đông bên ngoài khách sạn, nơi Tổng thống Reagan đang nói chuyện với các nhà lãnh đạo công đoàn, John Hinckley Jr. không nghĩ về cuộc khủng hoảng con tin Iran, chính sách kinh tế hay giá gas. Thay vào đó, người đàn ông này cầm một khẩu súng để ám sát Tổng thống Reagan với hy vọng rằng sẽ để lại ấn tượng và thu hút sự chú ý của nữ diễn viên Jodie Foster, người mà Hinckley yêu đến phát cuồng.
Hinckley là con trai một giám đốc điều hành công ty dầu mỏ ở bang Texas (Mỹ) và chuyển tới thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, để phấn đấu trở thành nhà biên kịch.
Vì kém sáng tạo nên Hinckley không gặt hái được nhiều thành công. Người đàn ông này còn "say như điếu đổ" nữ diễn viên Foster - người vào vai nạn nhân của nạn buôn bán tình dục trong bộ phim nổi tiếng Taxi Driver (tạm dịch: Tài xế Taxi) của đạo diễn Martin Scorsese.
Khi Foster bắt đầu theo học tại đại học Yale ở bang Connecticut, Mỹ, Hinckley cũng chuyển tới đây. Người đàn ông này bắt đầu gửi những bức thư tình tới người thương dù không được hồi âm. Khi việc làm quen và đeo bám thất bại, Hinckley quyết định chứng tỏ tình yêu bằng cách điên rồ chưa từng thấy: ám sát Tổng thống Mỹ.
Thời điểm đó, ông Jimmy Carter vẫn đương nhiệm. Vì vậy, Hinckley đã bám theo ông Carter trong suốt chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ mới của ông này vào mùa thu và mùa đông năm 1980. Người đàn ông này đã đến Washington, Chicago và Nashville để chờ đợi thời cơ thích hợp.
Có thời điểm, Hinckley bị cảnh sát sân bay bắt giữ vì tàng trữ vũ khí nhưng điều đó không ngăn người đàn ông này thực hiện âm mưu.
Hinckley được xác định có vấn đề tâm thần và bệnh tình không khả quan hơn dù đã được chữa trị sau vụ bắt giữ. Tháng 11/1980, ông Reagan đánh bại đương kim Tổng thống Carter và trở thành tân Tổng thống Mỹ. Hinckley từ đó chuyển mục tiêu sang ông Reagan.
Các nhà điều tra sau đó phát hiện Hinckley bị ám ảnh bởi vụ ám sát John Lennon - cựu thành viên ban nhạc nổi tiếng Beatles (Anh). Họ cũng tìm thấy một bức thư Hinckley viết cho nữ diễn viên Foster vài giờ trước vụ ám sát nhưng không gửi đi.
Trong thư, Hinckley một lần nữa thổ lộ tình yêu dành cho Foster, nữ diễn viên khi đó 18 tuổi, và nói rằng việc ám sát Tổng thống là để giành được "trái tim" của nữ diễn viên trẻ.
"Foster, tôi sẽ từ bỏ ý định ám sát Tổng thống nếu em chịu yêu và sống cùng tôi đến cuối đời. Tôi thừa nhận rằng, lý do ám sát Tổng thống là vì muốn gây ấn tượng với em. Tôi phải làm điều gì đó ngay bây giờ để em hiểu rằng tôi đang làm tất cả vì em. Bằng cách hy sinh bản thân và tự do của chính mình, tôi nghĩ sẽ thay đổi được suy nghĩ của em về tôi", Hinckley viết trong thư.
6 phát đạn kinh hoàng
Hinckley đã nghiên cứu kỹ lưỡng lịch trình của Tổng thống Mỹ Reagan, được đăng tải trên báo chí và lựa chọn "ra tay" khi ông Reagan có mặt tại khách sạn Hilton.
Sau bài phát biểu, ông Reagan cùng thư ký báo chí Jim Brady rời khách sạn dưới sự bảo vệ của các mật vụ và cảnh sát.
Khi Tổng thống Mỹ vẫy tay chào đám đông bên ngoài khách sạn, Hinckley đã rút súng và bắn 6 phát về phía ông Reagan cùng nhóm người.
Phát đầu tiên trúng phần trên mắt của ông Brady, trong khi phát thứ hai trúng vào cổ cảnh sát Thomas Delahanty. Vụ nổ súng khiến đám đông hỗn loạn, chen nhau tìm chỗ ẩn nấp. Khi chuẩn bị bắn phát thứ 3 với tầm bắn thoáng hơn, Hinckley bị quan chức có tên là Alfred Antenucci lao vào khống chế.
Kết quả là phát súng thứ 3 không trúng đích và các mật vụ có cơ hội bảo vệ Tổng thống. Mật vụ Jerry Parr cùng một cộng sự khác đã kéo Tổng thống vào trong chiếc limousine. Trong khi đó, mật vụ Tim McCarthy lao ra che chắn. Phát đạn thứ 4 trúng vào bụng McCarthy, làm thủng phổi và xuyên qua gan của mật vụ này.
"Nếu McCarthy không ở đó, tôi chắc chắn mình hoặc Tổng thống sẽ là người bị trúng đạn", ông Parr nói sau vụ việc.
Ban đầu, mật vụ Parr yêu cầu tài xế limousine đi tới Nhà Trắng nhưng sau đó quyết định đổi hướng tới Bệnh viện đại học George Washington sau khi Tổng thống Reagan ho ra máu.
Hinckley, bắn thêm 2 phát súng nữa trước khi bị hạ gục bởi một mật vụ và các quan chức đứng gần đó.
Vết thương "đe dọa tính mạng"
Dù không trúng phát đạn trực diện, Tổng thống Reagan vẫn dính viên đạn văng ra sau cú bắn và găm vào ngực ông. Nó xuyên vào phổi và đẩy người đứng đầu nước Mỹ khi đó vào tình thế nguy hiểm tính mạng.
Sau vụ việc, Tổng thống Reagan chia sẻ về thời điểm ông hoảng sợ khi bắt đầu ho ra máu. Ông biết mình trúng một viên đạn.
"Dù cố gắng đến đâu, tôi vẫn không thể hít thở bình thường. Tôi sợ hãi và có chút hoảng loạn. Tôi không thể lấy đủ dưỡng khí. Sau đó, tôi được đưa tới bệnh viện và chuyển ngay đến phòng cấp cứu.
Một y tá tới và tôi nói mình cảm thấy khó thở. Sau đó, những gì tôi biết là mình đang nằm úp mặt trên một chiếc áo khoác dạ và bộ vest mới toanh bị cắt để tiện phẫu thuật", ông Reagan nói.
Thực tế, Tổng thống Reagan không chỉ trúng đạn mà còn trong tình trạng nguy hiểm. Viên đạn xuyên qua phổi và cách tim ông khoảng 2,54 cm.
Theo Guardian, dù bị trúng đạn và ho ra máu, Tổng thống Reagan vẫn nói đùa với phu nhân Nancy rằng: "Xin lỗi nhé em yêu, anh quên không cúi người xuống". Khi được đưa vào phòng phẫu thuật, nhà lãnh đạo Mỹ còn trêu đùa với các bác sĩ: "Tôi hy vọng các bạn đều là người của đảng Cộng hòa (đảng của ông Reagan)". Bác sĩ Joseph Giordano, người theo đảng Dân chủ, đáp lại: "Hôm nay, chúng tôi đều đứng về phía đảng Cộng hòa".
Ông Reagan và vợ. Ảnh: AP
Ca phẫu thuật thành công nhưng việc phục hồi của ông Reagan không hề dễ dàng. Tổng thống Mỹ mất 11 ngày mới có thể trở lại Nhà Trắng, nơi ông tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng.
"Ngày đầu tiên ở nhà. Tôi không còn nhảy qua hàng rào như trước đây và vẫn phải làm xét nghiệm máu, chụp X-quang. Nhưng quan trọng là tôi đã ở nhà. Khi không phải dùng thuốc kháng sinh, tôi bắt đầu thèm ăn và cảm thấy đồ ăn rất ngon", ông Reagan viết trong nhật ký hôm 12/4/1981.
Thư ký báo chí Brady bị thương nặng hơn Tổng thống Reagan. Ông Brady bị tổn thương não nghiêm trọng và bị liệt một phần cơ thể, mất kiểm soát tay trái, chân trái yếu hơn trước đây, mất trí nhớ ngắn hạn và ảnh hưởng khả năng nói.
Ông Brady trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và cần tới hơn 1 năm để luyện tập phục hồi chức năng. Sau vụ việc, ông Brady trở thành người ủng hộ hàng đầu cho việc kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Đạo luật phòng chống bạo lực súng ngắn Brady năm 1993 là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của ông.
Về phần Hinckley, kẻ ám sát này thoát tội với lý do có vấn đề về tâm thần và không bị kết tội năm 1982. Phán quyết cuối cùng của tòa án đã gây chấn động dù Hinckley bị tống vào một bệnh viện tâm thần suốt 20 năm sau vụ việc.
Những năm đầu điều trị, Hinckley vẫn mơ mộng về Foster. Sau đó, tình trạng của Hinckley đã cải thiện đủ để người đàn ông này được tới thăm bố mẹ - những người chuyển tới gần bệnh viện tâm thần. Năm 2016, Hinckley được xuất viện.
Theo Nguyễn Thái/Dân Việt