Nhìn lại thực tế lịch sử, không khó để nhận thấy hầu hết các phi tần vong quốc đều có số phận và kết cục chẳng mấy tốt đẹp.
Khi đã rơi vào cảnh nước mất nhà tan, đa số họ hoặc là trở thành chiến lợi phẩm trong tay kẻ địch, hoặc là lựa chọn tuẫn tiết để bảo toàn danh dự, cũng có người thậm chí còn phải chịu cảnh làm thê thiếp cho chính kẻ đã sát hại gia đình của mình.
Theo Qulishi, việc các quân chủ thắng trận thường xuyên cướp đoạt phi tần của những thế lực bị mình tiêu diệt chủ yếu nhằm mục đích khoe khoang chiến công.
Bên cạnh đó, một lý do khác có thể dễ dàng lý giải cho hành động này chính là: Hầu hết các phi tử của những người đứng đầu những thế lực chính trị đều sở hữu sắc nước hương trời. Cũng bởi vậy mà cổ nhân từ xa xưa đã có câu "anh hùng khó qua ải mỹ nhân".
Thế nhưng trái với những hành động trên, Tần Thủy Hoàng năm xưa sau khi thôn tính 6 nước, nhất thống Trung Hoa đã làm ra một hành động khó ai có thể ngờ được với các phi tử vong quốc của những thế lực từng đối đầu với ông trước đó.
Việc làm khó tin của Tần Thủy Hoàng với các phi tần vong quốc
Năm 230 TCN, Tần Thủy Hoàng khi đó còn là Tần vương Doanh Chính đã phát động những chiến dịch cuối cùng của thời Chiến Quốc để lần lượt thôn tính các thế lực rải rác còn lại.
Cũng trong năm đó, nước Tần xuất quân đánh nước Hàn. Các nước bao gồm Triệu, Yên, Ngụy, Sở cũng lần lượt bị tiêu diệt.
Tới năm 221 TCN, Doanh Chính thu phục nước Tề, hoàn thành công cuộc thôn tính sáu nước. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, toàn Trung Hoa được thống nhất. Cùng năm đó, Doanh Chính lên ngôi và trở thành Tần Thủy Hoàng vang danh lịch sử.
Theo "Sử ký" ghi lại, sau khi thành công tiêu diệt 6 nước, vị Hoàng đế vốn nổi danh là khát máu, tàn bạo ấy chẳng những không đem các phi tần vong quốc đi xử tử, càng không nạp họ vào hậu cung của mình mà lại làm ra một hành động khiến người đời kinh ngạc.
Theo đó, ông đã hạ lệnh cho người mô phỏng lại kiến trúc của hoàng cung 6 nước, sau đó xây dựng lại những tòa cung điện giống như vậy trên một ngọn núi tại phía bắc thành Hàm Dương.
Những phi tử vong quốc sau khi được đưa về kinh thành đều ở lại nơi này. Mặc dù tại đây, họ chẳng còn có được quyền lực hô phong hoán vũ như khi xưa, thế nhưng cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng không có gì phải lo lắng.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc làm trên của Tần Thủy Hoàng cũng chỉ nhằm mục đích khoe khoang chiến công thống nhất thiên hạ của mình mà thôi.
Thế nhưng chí ít đây vẫn được xem là một việc làm trượng nghĩa đối với phụ nữ trong bối cảnh phong kiến lúc bấy giờ.
Bởi ít nhất, những phi tử phải chịu cảnh nước mất nhà tan kia cũng không phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự, không bị biến thành chiến lợi phẩm, hơn nữa còn có được một cuộc sống không phải lo tới cái ăn cái mặc trong bối cảnh loạn lạc khi ấy.
Bi kịch thực sự mà ít ai biết của những phi tần vong quốc
Những mỹ nhân vong quốc ấy từng được Đỗ Mục nhắc tới trong bài "phú cung A Phòng" với lời thơ:
"Nhất cơ nhất dung, tận thái cực nghiên,
Mạn lập viễn thị nhi vọng hạnh yên,
Hữu bất đắc kiến giả tam lục niên".
Dịch thơ:
"Da thịt dung mạo, làm đỏm làm duyên,
Đứng chờ xa xa, mong được vua nhìn.
Có kẻ trông ngóng ba mươi sáu năm liền".
Đại ý của đoạn thơ này là: Tần Thủy Hoàng xây dựng cung điện cho phi tử 6 nước, bên trong đều là những mỹ nhân tuyệt sắc. Thế nhưng nhà vua chỉ có hứng thú với đại nghiệp, cho nên những phi tần ấy đều chẳng có cơ hội tới gần Hoàng đế.
Vì vậy, những phi tử vong quốc kia chỉ có thể ở trên những cung điện nơi non cao, ngày đêm trông về hoàng cung Tần quốc. Thậm chí có người còn mòn mỏi trông chờ tới 36 năm ròng rã.
Có thể nói, mặc dù được cho một cuộc sống yên bình ngay cả khi đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan, thế nhưng những phi tần kia đều phải chấp nhận bi kịch cô quạnh đến cuối đời.
Bởi lẽ theo sử sách ghi chép lại, thứ khiến Tần Thủy Hoàng cả đời theo đuổi không phải là mỹ nhân mà lại là một thứ khác. Đó không gì khác ngoài thuốc trường sinh.
Cho nên suốt cuộc đời của mình, ngoài việc tổ chức những cuộc chiến tranh thâu tóm hay tuần du khắp thiên hạ, Tần Thủy Hoàng đã bỏ ra không ít công sức để phái người đi tìm kiếm hoặc điều chế phương thuốc trường sinh bất lão.
Có lẽ trong mắt của vị Hoàng đế ấy, khát vọng trường sinh bất tử để đời đời nắm trong tay quyền lực tối thượng còn hấp dẫn hơn nhiều so với việc cùng mỹ nhân đầu ấp tay gối.
Vì thế, những mỹ nữ vong quốc kia dù rằng được ông ban cho cuộc sống không phải lo cái ăn cái mặc, thế nhưng sau cùng đều phải bỏ mặc cho nhan sắc tàn phai, chấp nhận cuộc sống cô quả cho tới hết đời.
Theo Trần Quỳnh/ Phapluatbandoc