Theo sử liệu, năm 190, các chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu tập hợp đánh Đổng Trác, họp nhau ở quận Hà Nội. Nguyên nhân, do mâu thuẫn giữa ngoại thích và hoạn quan trong triều đình Đông Hán đã tồn tại từ lâu. Đến thời Hán Linh Đế, tập đoàn ngoại thích do đại tướng quân Hà Tiến đứng đầu với tập đoàn hoạn quan do Trương Nhượng đứng đầu càng gay gắt. Tháng 4/189, Hán Linh Đế mất, con nhỏ là Hán Thiếu Đế lên nối ngôi. Hà thái hậu chấp chính, anh thái hậu là đại tướng quân Hà Tiến làm phụ chính.
Hà Tiến muốn nhân danh Hà thái hậu bãi chức tất cả các hoạn quan, nhưng trước đây Hà thái hậu từng mang ơn các hoạn quan (nhờ thập thường thị can Hán Linh Đế nên không bị truất ngôi hoàng hậu) nên không đồng tình. Hà Tiến bèn nghĩ ra một biện pháp khác, sai người ra nói với tướng Đổng Trác đang đóng quân ở quận Hà Đông và thứ sử Tinh Châu là Đinh Nguyên hãy mang quân vào Lạc Dương "giả làm phản đòi dẹp hoạn quan", với mục đích là dọa Hà thái hậu phải bằng lòng bãi chức các hoạn quan.
Đổng Trác nhận lệnh, khởi binh chưa kịp vào tới Lạc Dương thì Hà Tiến đã bị các hoạn quan giết trong cung. Thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu mang quân vào cung đánh giết hoạn quan. Kinh thành náo loạn, Hán Thiếu Đế và em là Lưu Hiệp chạy ra ngoài, ẩn trong nhà dân ở Bắc Mang. Đổng Trác trên đường đến Lạc Dương, nghe tin anh em vua Thiếu Đế ở Bắc Mang bèn đích thân đi đón, hộ tống về kinh.
Đổng Trác nắm lấy thuộc hạ của Hà Tiến, dùng vũ lực thao túng triều đình. Tháng 9/189, Đổng Trác tỏ ý định phế bỏ Hán Thiếu Đế, lập em là Trần Lưu vương Lưu Hiệp lên làm vua. Ông mang việc phế lập ra bàn với Viên Thiệu tại nhà. Viên Thiệu là người cùng phe Hà Tiến – anh Hà thái hậu, mẹ của Thiếu Đế, vì vậy không đồng ý phế lập. Đổng Trác tỏ ý giận dữ vì sự chống đối của Viên Thiệu. Hai bên chưa ra mặt đánh nhau. Đổng Trác ngại vì mình mới vào kinh và nhà họ Viên có gia thế mạnh nhiều đời nên chưa hành động; còn Viên Thiệu cũng lo lắng vội đi khỏi phủ Đổng Trác rồi bỏ kinh thành trốn lên Ký Châu thuộc Hà Bắc.
Việc lộng hành của Đổng Trác còn gặp phải sự chống đối của Thứ sử Tinh Châu là Đinh Nguyên - viên tướng cũng vào Lạc Dương trước đó theo lệnh của Hà Tiến. Đổng Trác mang quân giao tranh và giết chết Đinh Nguyên.
Đổng Trác nhân danh vua Hán bổ nhiệm Viên Thiệu làm Thái thú Bột Hải, tước Khang hương hầu để lung lạc họ Viên. Đồng thời, Đổng Trác vẫn phế Hán Thiếu Đế làm Hoằng Nông vương, lập Lưu Hiệp lên ngôi, tức là Hán Hiến Đế. Ít lâu sau, Đổng Trác giết vua Thiếu Đế bị phế và Hà thái hậu, ép Hán Hiến Đế phong mình làm tướng quốc, ngôi vị trên cả Tam công, lại ra tay cướp bóc, sát hại nhiều dân thường.
Những việc làm của Đổng Trác khiến nhiều người bất bình. Nhân danh cứu nhà Hán, các trấn chư hầu họp nhau nổi dậy chống lại Đổng Trác.
Trong lúc chiến sự đang giằng co, Viên Thiệu định tìm lập một người tông thất khác làm hoàng đế để tổ chức triều đình riêng chống Đổng Trác, và muốn lập Lưu Ngu làm vua. Tháng Giêng năm 191, Viên Thiệu sai sứ đến U Châu gặp Lưu Ngu đề nghị tôn ông làm vua.
Theo sử liệu khi Viên Thiệu tỏ ý đưa Lưu Ngu lên làm vua, Tào Tháo viết thư trả lời: “Tội của Đổng Trác không thể kể xiết. Sở dĩ liên quân chúng ta được nhiều người ủng hộ, bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Nay hoàng thượng còn non trẻ, thế cô lực mỏng, bị gian thần khống chế, nhưng bản thân nhà vua thì không có lỗi. Giờ thay vua khác, làm sao ổn định nhân tâm?”.
Cuối thư, Tào Tháo tỏ vẻ phẫn uất: “Các vị cứ lên phía Bắc, còn tôi đem quân sang phía Tây!”. Nghĩa là các vị kéo lên U Châu mà lập vua mới, còn tôi đi Tràng An bảo vệ đương kim hoàng thượng.
Có thể thấy Tào Tháo không nói nhiều, nhưng ý nghĩa cực kỳ sâu sắc. Tào Tháo đã tuyên bố dứt khoát lập trường của mình, chủ trương thống nhất, phản đối chia cắt, vì chia cắt sẽ dẫn đến chiến tranh, mà chiến tranh thì nhân dân đau khổ.
Còn đối với Lưu Ngu, ông cho rằng điều đó là loạn nghịch nên từ chối đề nghị của Viên Thiệu, mắng sứ giả của Thiệu. Viên Thiệu sai sứ đến U Châu lần thứ 2 để thuyết phục ông, nhưng ông nhất quyết cự tuyệt rằng: “Nếu các ngươi còn bức bách ta nữa, ta sẽ trốn sang đất Hung Nô!”. Sứ giả đành trở về nói với Viên Thiệu.
Tuy nhiên, việc từ chối làm vua trong bối cảnh loạn lạc và quyền thần Đổng Trác nắm triều chính của Lưu Ngu bị các sử gia xem là sai lầm, không hiểu đại nghĩa.