Kế hoạch ám sát đã được chuẩn bị rất chu đáo khiến cơ quan phản gián Đức cũng không có chút mảy may nghi ngờ nào. Tuy nhiên vào đúng thời khắc cuối cùng, Moscow đã ra lệnh hủy bỏ kế hoạch trên. Cùng tìm hiểu vì sao một vận động viên triển vọng của Liên Xô lại trở thành một siêu điệp viên của NKVD…
Mục tiêu quan trọng
Đối với cả các cơ quan tình báo Xô viết cũng như mật vụ Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai luôn có một nhiệm vụ thường trực – đó là tiêu diệt thủ lĩnh của đất nước đối phương. Dù ý kiến của các nhà sử học cho tới giờ còn chưa thống nhất, nhưng gần như chắc chắn mỗi bên đều phải chịu những thiệt hại vì nỗ lực này.
Năm 1943, mật vụ Đức đã soạn thảo kế hoạch nhằm ám sát nhà lãnh tụ Stalin, chính xác hơn là sát hại cùng lúc tất cả nguyên thủ các nước trong phe Đồng minh (có nghĩa là cả Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt) trong dịp Hội nghị thượng đỉnh tại Tehran. Chỉ huy chiến dịch này chính là Otto Scorzeny, kẻ nổi tiếng vì đã từng giải cứu thành công nhà độc tài phát xít Benito Mussolini của Italy.
Nhưng âm mưu trên đã được tình báo Xô viết phát hiện và chặn đứng kịp thời. Nỗ lực thứ hai cũng được Moscow phá vỡ kịp thời khi bắt giữ được tên phản động Piotr Szylo, kẻ chuẩn bị ám sát nhà lãnh đạo Xô viết bằng súng phóng lựu vào năm 1944.
Còn đối với tình báo Xô viết, kế hoạch tiêu diệt Hitler đã từng được cân nhắc từ năm 1938. Hitler khi đó thường có mặt tại một quán bia, nên đã có kế hoạch cho đánh bom địa điểm này. Stalin khi đó đã bác bỏ đề xuất trên, nhất là sau khi hiệp ước hòa bình Xô-Đức được ký kết vào năm 1939, kế hoạch trên đã bị chính thức dẹp bỏ.
|
Igor Myklashevsky là một võ sĩ quyền anh rất tài năng. |
Dự định tiêu diệt trùm phát xít chỉ được chính thức xem xét lại vào năm 1942, lần này là theo ý kiến của chính Tổng bí thư. Cơ quan tình báo được giao nhiệm vụ phải tìm kiếm được một người có thể dễ dàng giành được sự tin cậy của giới chức cao cấp Đức Quốc xã, đồng thời có thể tiếp cận Hitler gần nhất.
Lựa chọn cuối cùng được đặt vào chàng thanh niên 25 tuổi Igor Myklashevsky, một trung sĩ là pháo thủ cao xạ, từng chiến đấu tại mặt trận Leningrad. Igor ngay từ nhỏ đã thể hiện là một cậu bé có tài năng. Xuất thân từ một gia đình có văn hóa (mẹ là diễn viên còn cha là một đạo diễn vũ kịch), cậu đã thể hiện nhiều thành công xuất sắc trong học tập và thể thao.
Myklashevsky được đánh giá là có tất cả mọi điều kiện để có thể thực thi nhiệm vụ khó khăn trên.
Thứ nhất, anh là cháu trai của Vsevolod Blyumental-Tamarin, một nghệ sĩ đã đào tẩu và rất được coi trọng tại nước Đức phát xít, thường xuyên tham gia vào các chương trình phát thanh tuyên truyền của Đức phát sang lãnh thổ Liên Xô, từng nổi tiếng với những bài thơ nhại chế giễu Stalin.
Thứ hai, một người họ hàng xa khác của anh chính là nữ diễn viên Olga Chekhova, một nghệ sĩ (đồng thời cũng là một điệp viên của Moscow) được Hitler rất yêu thích, khi đó cũng đang sống tại Berlin.
Thứ ba, Myklashevsky có khả năng nói tiếng Đức thành thạo. Thứ tư, anh chưa từng có dính dáng tới NKVD trước đây, nên phản gián Đức không có cơ sở để nghi ngờ. Chưa kể Myklashevsky còn là một tay đấm tài năng, trong khi Hitler lại rất say mê quyền Anh.
Sẵn sàng thực thi nhiệm vụ
Vào thời điểm đó Myklashevsky được đánh giá là một vận động viên rất có tiềm năng – đang là vô địch hạng trung của Leningrad, từng lọt vào trận chung kết quyền Anh vô địch Liên Xô năm 1941 (không thi đấu vì chiến tranh). Sự nghiệp thể thao đầy hứa hẹn của Myklashevsky đã phải tạm gác lại vì chiến tranh nổ ra. Võ sĩ chuyên nghiệp này còn thu hút sự chú ý của các nhân viên tình báo ở chỗ, đã thể hiện được tinh thần chiến đấu rất gan dạ trong trận đánh phòng thủ Leningrad.
Cuối năm 1941, Myklashevsky được gọi lên gặp các quan chức cao cấp của NKVD. Theo đó, anh sau một khóa đào tạo đặc biệt sẽ đóng vai lính đào ngũ để vượt qua chiến tuyến, tìm cách tiếp cận người bác Blyumental-Tamarin và sau đó là Hitler. Mọi việc đã diễn ra đúng theo kế hoạch, khi Myklashevsky ra hàng trước một đội tuần tiễu của quân Đức vào mùa đông năm 1942.
|
Vsevolod Blyumental-Tamarin. |
Nhà làm phim tài liệu Vladimir Konovalov là bạn của cựu võ sĩ quyền Anh về sau kể lại: “Myklashevsky đã đầu hàng với những lời nói sau: “Tôi căm thù cộng sản, tôi có bác ở Berlin và cả người gần như là cô ruột Olga Chekhova”.
Chỉ với những câu nói trên tất nhiên là không thể thuyết phục Gestapo: anh ấy đã bị tra tấn trong suốt vài tuần với hy vọng phải khai ra âm mưu hoạt động gián điệp. Nhưng anh ấy chỉ một mực nhắc lại muốn phục vụ cho nước Đức, chưa kể mình còn là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp”.
Khi biết chuyện của Myklashevsky, Blyumental-Tamarin đã đề nghị chịu mọi trách nhiệm để có thể trả tự do cho người cháu. Đề xuất của ông ta cuối cùng đã được chấp thuận. Tuy vậy, Gestapo vẫn quyết định kiểm tra lần cuối cùng khi bịt mắt Myklashevsky, giả vờ như đem ra xử bắn. Nhưng Myklashevsky vẫn kiên quyết không thay đổi lời khai của mình.
Được trả tự do, Myklashevsky khẩn trương quay trở lại luyện tập môn quyền Anh. Ông hiểu hơn bao giờ hết rằng, để có thể thu hút được sự chú ý của Hitler, cần phải tham gia và chiến thắng ở một giải đấu nào đó trước các tay đấm của Đức. Cơ hội đến với Myklashevsky vào năm 1943. Sau thất bại tại Stalingrad, bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels cho tổ chức một giải đấu nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ, với quân xanh đóng vai trò “bao cát” cho những tay đấm Đức là những người có nguồn gốc từ phía Đông.
Là một vận động viên có kỹ thuật và tài năng thiên bẩm, Myklashevsky đã thể hiện không hề tồi khi liên tục hạ nốc ao các đối thủ. Dù những tay tuyên truyền Đức không hề muốn chuyện này, nhưng Myklashevsky bất ngờ có được sự ủng hộ từ trên khán đài của Max Schmeling, nhà vô địch thế giới hạng siêu nặng. Schmeling đã tặng cho Myklashevsky một tấm ảnh có chữ ký của mình và kết bạn với ông.
|
Hitler và Chekhova. |
Schmeling đã nhanh chóng giúp Myklashevsky gia nhập vào giới thượng lưu tại Berlin. Cho dù chưa thể chính thức làm quen với Hitler, nhưng ông đã trở thành một vị khách thường xuyên tại các buổi yến tiệc và gặp gỡ cả người cô Chekhova. Myklashevsky còn có những trợ thủ đắc lực khác mà điển hình trong đó là một nhà tài phiệt quý tộc gốc Ba Lan – Công tước Janusz Radziwill, người cho dù không phải là một điệp viên KGB nhưng cũng bí mật đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít. Chính ông này, cũng như Schmeling đã giúp cho Myklashevsky gây dựng được nhiều mối quan hệ trong giới thượng lưu Đức.
Myklashevsky và Chekhova đã bí mật bàn bạc kế hoạch tiêu diệt tên trùm phát xít. Họ quyết định sẽ đặt bom tại sảnh nhà hát, nơi Hitler sẽ tới xem vở diễn ra mắt tiếp theo cùng với Chekhova. NKVD theo đó đã cử một toán biệt kích tới để hỗ trợ cho Myklashevsky. Tất cả đã được chuẩn bị hoàn tất, kể cả thiết bị nổ, trong khi phía phản gián Đức không hề có dấu hiệu nghi ngờ. Myklashevsky báo cáo về Moscow đã sẵn sàng chờ lệnh để hành động.
Bãi bỏ vào phút chót
Chính Stalin là người đích thân bãi bỏ kế hoạch ám sát vào phút chót. Hồng quân khi đó đã trải qua bước ngoặt giành lợi thế trong cuộc chiến sau trận vòng cung Kursk, và cái chết của Hitler, theo ý kiến của Stalin, có thể dẫn tới việc chính phủ Đức ký hiệp ước hòa bình riêng rẽ với các nước đồng minh phương Tây. Khi đó, Liên Xô dù phải chịu đựng tổn thất nặng nề hơn nhiều nhưng vẫn rất có thể trở thành phe thiểu số.
Myklashevsky được chuyển sang sử dụng cho những nhiệm vụ khác. Chẳng hạn như tham gia vào phi vụ phá hủy một nhà máy chuyên sản xuất bom của Đức. Sau khi đặt bom làm nổ tung nhà máy, ông đã phải nhận một viên đạn bắn trúng vào cổ bị thương rất nặng. Myklashevsky được đồng đội đưa trở về căn cứ của lực lượng kháng chiến để cấp cứu.
Nhưng do vết thương khá nghiêm trọng, cần phải có bác sĩ và các phương tiện y tế thật tốt, ông đã được cho đóng giả một viên thượng úy Đức (có giấy tờ đầy đủ trong túi) bị thương nằm trong một chiếc xe bị bắn dọc đường. Nhờ đó, lực lượng tuần tiễn của quân Đức phát hiện được và chuyển Myklashevsky vào quân y viện. Thoát chết một cách thần kỳ, ông quay trở lại Berlin sống bên người bác của mình.
Hiện vẫn chưa rõ ông có được giao và trực tiếp tham gia vào vụ tiêu diệt người bác phản bội của mình hay không. Chỉ biết rằng, Blyumental-Tamarin về sau được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ. Cũng đã có những ý kiến nghi ngờ về việc bác của nghệ sĩ này đã tự sát hay là một vụ ám sát được ngụy tạo.
|
Myklashevsky thời kỳ chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân. |
Năm 1945, Myklashevsky chuyển sang hoạt động tại Pháp. Có giả thuyết khẳng định trước khi sang Pháp, ông đã tham chiến trong thành phần lực lượng quân đội của tướng Vlasov (Tên chính thức là Quân đội giải phóng nước Nga – thực chất là một lực lượng gồm những phần tử chống đối chính quyền cách mạng tại Liên Xô, do phát xít Đức dựng lên).
Hai năm sau khi kết thúc chiến tranh, Myklashevsky quay trở lại Moscow. Vì những thành tích trong thời gian hoạt động tại Đức, ông được tặng thưởng huân chương Cờ đỏ. Sau một thời gian được NKVD kiểm tra độ tin cậy, Myklashevsky được mời tiếp tục vào làm việc trong cơ quan tình báo. Cựu võ sĩ đã quyết định chối từ để có thể quay trở lại với môn thể thao ưa thích của mình là quyền Anh.
Nhưng do tuổi tác và tình trạng sức khỏe, Myklashevsky chỉ tham gia vào việc luyện tập và huấn luyện cho các võ sĩ trẻ khác. Sở thích còn lại của ông sau những giờ tập quyền Anh là đi dạo cùng chú chó của mình. Myklashevsky lặng lẽ qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 1990 mà không đồng ý tham gia bất cứ một cuộc phỏng vấn nào liên quan đến quá khứ của mình.
Theo Công an nhân dân