Võ tướng Việt đưa vùng nông thôn sơ khai thành thương cảng sầm uất

Google News

Trong Biên Hòa – Đồng Nai xưa và nay (NXB Tổng hợp Đồng Nai – 2005), các nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra hai sự kiến lớn trong những năm cuối thế kỷ XVII và xuyên suốt thế kỷ XVIII.

Hai sự kiện đó là: "Việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên năm Ất Mùi 1715, mở nền quốc học ở phương Nam và việc Nông Nại Đại Phố (cù lao Hiệp Hòa) trở thành một thương cảng quan trọng của vùng đất Nam bộ".

Vo tuong Viet dua vung nong thon so khai thanh thuong cang sam uat

Đình Tân Lân (TP. Biên Hòa), nơi thờ Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên – Ảnh: Lò Văn Hợp

Thương cảng cù lao Phố là một trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài sầm uất nhất miền Đông Nam bộ được ra đời bởi Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên (1655-1725) – vị võ tướng có tài kinh bang tế thế được vua Minh Mạng và Thiệu Trị phong là Thượng đẳng thần và được nhân dân vùng Đồng Nai – Gia Định tôn kính gọi là Đức Ông. Người dân lập đền thờ ghi nhớ công lao như bậc tiền hiền khai mở vùng đất mới Nam bộ, hàng năm đến ngày 20/10 âm lịch tổ chức cúng tế trang trọng. Đặc biệt nhất là đình Tân Lân (tọa lạc bên bờ sông Đồng Nai, thuộc địa bàn P. Hòa Bình, TP. Biên Hòa) nơi cả thế kỷ nay thờ tự Đức Ông Trần Thượng Xuyên.

Xin được làm dân mọn

Vào tháng 4/1679, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần được sớ tâu có một đoàn quan binh Trung Hoa do Tổng binh thủy lục Dương Ngạn Địch cùng Phó tướng Hoàng Tấn trấn thủ Long Môn và Tổng binh Trần Thượng Xuyên cùng Phó tướng Trần An Bình trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm thuộc vùng Quảng Đông, sau khi phất cờ “bài Mãn phục Minh” không thành đã đem 3 ngàn quân gia đi trên 50 chiến thuyền chạy sang nước Nam “nguyện được làm dân mọn”.

Chúa Nguyễn cùng triều thần bàn bạc: “Lúc ấy ở Bắc Hà đang có biến, vả lại họ ở xa mới đến, hư thực chưa hay, lại y phục ngôn ngữ bất đồng, nhất thời thật khó giải quyết ngay. Nhưng họ đang cùng quẩn mà chạy sang, lại tỏ bày lòng trung thực, về nghĩa cũng không thể từ chối được; vả lại xứ Đông Phố (một tên gọi khác của đất Gia Định xưa) của nước Cao Miên, đất đai màu mỡ có đến ngàn dặm, triều đình chưa rỗi để lo liệu, chi bằng tận dụng sức lực của họ, giao cho họ khai hoang đất đai để ở, ấy cũng là một cách làm mà được ba điều lợi. Nghĩ vậy, triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai thác đất đai”. (Gia Định thành thông chí – quyển 3: Cương vực chí).

Thế là nhóm Long Môn của Dương Ngạn Địch theo cửa Đại, cửa Tiểu đến Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) định cư; nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ vào lưu vực sông Đồng Nai đoạn Bàn Lân (nay là TP. Biên Hòa) lập nghiệp.

Trung tâm ngoại thương hàng đầu Nam bộ

Số người Hoa do Trần Thượng Xuyên cầm đầu đến định cư ở Biên Hòa phần lớn là binh lính, cùng với thương nhân và giới quý tộc Đại Minh giàu có thuộc các nhóm Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ, Quảng Đông. Thời gian đầu định cư binh lính và gia nhân của số người Hoa này tiến hành khai khẩn đất đai để canh tác nhằm giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Sau đó chỉ có một bộ phận tiếp tục làm nông nghiệp, phần lớn số người Hoa còn lại bắt đầu tìm cách khôi phục lại những ngành nghề truyền thống của mình như khai thác đá, sản xuất gốm, chế tạo các mặt hàng gia dụng… Sở trường và phổ biến hơn cả là làm thương mại, mở quán ăn… “Chủ tướng” Trần Thượng Xuyên cùng các doanh gia có tầm nhìn cao rộng hơn. Họ nhìn thấy cái cù lao không lớn lắm nằm giữa sông Phước Long (tức sông Đồng Nai) có một vị trí rất thuận lợi trong việc giao thương với hệ thống đường thủy từ Bắc xuống Nam, lên Cao Miên và xuống miền Tây Nam bộ. Đặc biệt trên cù lao này đã sớm là nơi có các nghề thủ công như: dệt chiếu, dệt tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, làm đồ gỗ…

Thế là các phú thương người Hoa rời Bàn Lân chuyển qua cù lao lập nghiệp. Và bằng uy tín của mình “Trần Thượng Xuyên chiêu tập người buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói, tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới năm dặm, chia thành ba đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lát đá ong, đường phố nhỏ lát đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội. Các nhà phú thương buôn to bán lớn chỉ ở đây nhiều hơn, có người cả nước đều biết tiếng” (Gia Định thành thông chí – quyển 6 Thành trì chí).

Nông Nại Đại Phố được hình thành không những thu hút giới thương nhân Trung Hoa, mà cả tàu buôn phương Tây, Nhật Bản, Mã Lai, Chà Và… đến giao thương mua bán. Do đó thương cảng này đã nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại đáp ứng rất tốt các dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Dày dạn kinh nghiệm thương trường, các thương nhân người Hoa định cư ở cù lao Phố đã tổ chức mạng lưới thu gom các loại nông lâm thổ sản ở Đồng Nai khắp các vùng Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu như: lúa gạo, gỗ, ngà voi, gạc nai, dược thảo, mật ong, sáp ong, trà, đường, tôm càng, sò huyết, cát, đá, chiếu, đồ gốm… tạo thành nguồn hàng chủ động cung cấp với một hệ thống kho bãi thích hợp. Đồng thời nhập vào các loại đồ sứ, tơ lụa, vải bố, thuốc bắc, đồng, vật liệu trang trí đình chùa, nhang đèn, giấy, vàng, bạc…

Hoạt động kinh doanh ở cù lao Phố tấp nập, sầm uất nhưng thật nền nếp, chỉn chu; cũng chính Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí nhận xét: “Xưa nay thuyền buôn đến đây hạ neo xong thì lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, kê khai toàn bộ hàng hóa có trong thuyền trình sở thuế; chủ mua hàng định giá mua tất cả những hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì.”

Đại đại công thần bất tuyệt

Ngoài công lao khởi dựng thương cảng Nông Nại Đại Phố có tác động thúc đẩy công cuộc khai khẩn đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa, đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần hình thành phố thị thương mại Chợ Lớn – Sài Gòn – Gia Định và các vùng phụ cận thì Trần Thượng Xuyên (tự Trần Thắng Tài, sinh quán ở Ngô Xuyên thuộc phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) còn là một dũng tướng thao lược trong việc giúp chúa Nguyễn giữ yên bờ cõi và mở rộng lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1715 Trấn Biên Đô đốc Trần Thượng Xuyên cùng Nguyễn Cửu Phú – một võ tướng của triều đình đi đánh dẹp quân phản loạn, hạ được thành La Bích. Trước đó, ông đã thống lĩnh binh lính Cao Lôi Liêm và Long Môn làm đội quân tiên phong đánh với vua Cao Miên là Nặc Ong Thu chiếm được ba lũy Cầu Nôm, Nam Vang và Gò Vách.

Nối nghiệp cha, con trai ông là Trần Đại Định (rể của Thống binh Hà Tiên Mạc Cửu) nổi tiếng văn võ song toàn được triều đình nhà Nguyễn phong đến tước Tổng binh Định Vỉnh Hầu, chỉ huy hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn. Cháu của Trần Thượng Xuyên là Trần Lực cũng là một vị tướng tài được chúa Nguyễn trọng dụng. Và gia tộc có công khai phá vùng đất Trấn Biên – Gia Định với cả 3 đời đều là tướng, đã được triều đình nhà Nguyễn ban tặng đặc ân: “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”.

Xứ Đồng Nai một thuở…

Đến cuối thế kỷ XVI và xuyên suốt thế kỷ XVII, sự khốc liệt của cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn càng làm cho làn sóng di dân từ vùng Ngũ Quảng vào xứ Đồng Nai càng trở nên rầm rộ. Ngoài nông dân là thành phần chủ yếu, còn có người trốn tránh binh dịch, sưu thuế, binh lính đào ngũ, tù nhân bị lưu đày, thầy lang, thầy đồ nghèo và cả những người giàu có nhưng muốn tìm nơi đất mới để mở rộng công việc làm ăn. Đặc biệt là từ năm 1623, khi Sãi Vương gã công nương Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II đã mở đường cho rất nhiều người Việt vào vùng đất Đồng Nai “ở với Lạp Man và thổ Châu Mạ” sống bằng cách bắn chim, săn thú, trồng rẫy, tỉa lúa, hầm than, nuôi tằm, giăng câu, bủa lưới…

Như vậy, đến giữa thế kỷ XVII, cả lưu vực sông Đồng Nai và vùng Sài Gòn – Bến Nghé đã có người Việt định cư và cùng với người Khmer, họ khai khẩn được một vùng đất đai rộng lớn. Tuy nhiên, những điểm khai phá chỉ mới manh mún và rải rác theo kiểu “móc lõm” chủ yếu dọc theo sông rạch, nơi thuận tiện giao thông bằng ghe, xuồng. Đất hoang rừng rậm vẫn còn rất nhiều, vì hầu hết di dân Việt nghèo, thiếu tài lực, vật lực và phương tiện canh tác.

 

Theo Bùi Thuận/Báo Đồng Nai