Vua Lê Thần Tông: Cưới người đẹp, lập làm hoàng hậu vì... giấc mơ

Google News

Lê Thần Tông đang ở ngôi lần thứ nhất (1619-1643), một đêm ông nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp từ phía Nam đi đến, tự xưng là có duyên phận từ tiền kiếp.

Giống như các vị quân vương khác, Lê Thần Tông (1607-1662) có nhiều vợ, nhưng ai là người vợ đầu tiên của ông thì cho đến nay các sử gia vẫn chưa thống nhất. Có người cho rằng vợ đầu của vua là hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, có người thì coi Phạm Thị Ngọc Hậu là vợ cả của ông.

Theo một số tư liệu Hán Nôm và truyền tụng trong dân gian ở Thanh Hóa thì Lê Thần Tông và Phạm Thị Ngọc Hậu có mối duyên tình kỳ lạ. Chính sử cho biết bà Phạm Thị Ngọc Hậu quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Bà xuất thân trong một gia đình bình dân ở chốn thôn quê, nhưng từ nhỏ chị em Phạm Thị Ngọc Hậu đã được cha mẹ dạy bảo cẩn thận, nhất là lòng yêu thương con người.

Vua Le Than Tong: Cuoi nguoi dep, lap lam hoang hau vi... giac mo

Vua Lê Thần Tông và hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Hậu.

Tuy gia cảnh không có gì làm khá giả, lại chỉ sinh được hai cô con gái nhưng vợ chồng họ Phạm không lấy đó làm buồn phiền, ngược lại với họ hai người con là vật báu mà trời ban cho nên rất yêu quý. Với người ngoài ông bà còn giúp đỡ những cảnh đời khốn khó hơn mình, những người sa cơ hoạn nạn, vì thế dân trong vùng ai cũng mến trọng.

Khi chị em Phạm Thị Ngọc Hậu, Phạm Thị Ngọc Hiền mới hơn 10 tuổi thì cha lâm bệnh qua đời, có một thầy địa lý từng chịu ơn giúp đỡ của gia đình họ Phạm nghe tin tìm đến viếng và xin tìm một nơi đất tốt để táng ân nhân, coi đó như sự trả ơn đền nghĩa. Ngôi đất đó được coi là phúc địa, thầy địa lý tiên đoán đó là thế đất "nhất giá công hầu, nhất giá vương". Nhiều người không hiểu cho đó là chuyện tầm phào, ông thầy địa lý không tranh luận mà chỉ cười rồi ra đi.

Phạm Thị Ngọc Hậu còn có tên gọi khác là Phạm Thị Hậu, Phạm Thị Ngọc Oanh, đến năm 18 tuổi đã trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, dáng điệu thướt tha, đức hạnh đủ đầy. Năm 19 tuổi, nàng theo người thân ra kinh đô Thăng Long chơi, chuyến đi đó không ngờ đã thay đổi cuộc đời của cô gái trẻ đến từ miền quê nghèo xứ Thanh.

Bấy giờ Lê Thần Tông đang ở ngôi lần thứ nhất (1619-1643), một đêm ông nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp từ phía Nam đi đến, tự xưng là có duyên phận từ tiền kiếp. Liền trong mấy đêm, giấc mộng đó lặp đi lặp lại khiến Lê Thần Tông lấy làm kinh ngạc, ông mô tả lại dung nhan người trong mộng, sai họa quan trong triều vẽ thành tranh rồi cho người đi tìm kiếm.

Duyên trời run rủi, sự việc tình cờ, đúng lúc các đại thần đang lo lắng tìm người đẹp khác nào "mò kim đáy bể" thì họ bất ngờ gặp một cô gái giống hệt trong tranh đang dạo bước mà vẫn còn bỡ ngỡ trước cảnh nhộn nhịp của phố chợ chốn kinh đô. Tin báo lập tức đến tai Lê Thần Tông, vua liền cho người đưa cô gái vào cung hỏi chuyện thì được biết cô tên là Phạm Thị Ngọc Hậu, người xứ Thanh.

Tin là ứng vào giấc mộng, Lê Thần Tông liền tuyển cô gái làm cung phi và rất sủng ái. Còn người em gái của Ngọc Hậu là Ngọc Hiền, sau này lấy một vị quan có tước hầu, lúc đó người ta mới tin vào lời tiên đoán của ông thầy địa lý năm nào.

Năm Giáp Ngọ (1654), cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu hạ sinh một hoàng tử, được đặt tên là Lê Duy Vũ, đây là người con trai thứ 2 của vua Lê Thần Tông. Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), Lê Duy Vũ được lập làm Thái tử và đến tháng 11 cùng năm sau khi Lê Thần Tông qua đời, thái tử khi đó mới lên 9 tuổi được lập làm vua, sử gọi là Lê Huyền Tông.

Con được kế vị ngai vàng, bà Phạm Thị Ngọc Hậu được tôn là Đoan Thuần Hoàng Thái hậu, thế nhưng Lê Huyền Tông làm vua cũng chỉ được 8 năm (1662-1670) thì mất, thọ 17 tuổi. Thái hậu Đoan Thuần rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm tìm hiểu Phật pháp và lo làm việc thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất.

 
Lời bàn:

Theo điển chế của các triều đại phong kiến ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, những mỹ nhân được tuyển vào cung làm vợ vua đều xuất thân từ các gia đình quan lại, võ tướng, danh gia vọng tộc. Đối với những tầng lớp bình dân ngoài xã hội, nếu người nào được tuyển chọn thì cũng đều phải thông qua quy trình sát hạch ngặt nghèo. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mỹ nhân may mắn trở thành cung phi hoặc hoàng hậu vì được chính nhà vua chọn một cách tình cờ. Người xưa thường gán cho những cuộc hôn nhân này nó một danh xưng mỹ miều rằng "thiên duyên thiên định", còn với tầng lớp bình dân là "duyên thiên định", nói tóm lại là duyên trời định.

Nhưng đó là cách nói của người xưa, vì trong xã hội ấy đàn ông có quyền "năm thê bảy thiếp" là chuyện thường tình, còn phụ nữ thì "chính chuyên chỉ có một chồng" và thậm chí là "phu tử tòng tử", tức là không may chồng chết sớm thì phải ở vậy nuôi con, theo con tới già. Ngày nay, mặc dù pháp luật ngăn cấm, nhưng vẫn còn không ít người thân bại danh liệt chỉ vì thích "phở" hơn "cơm". Lại có những người đàn bà sẵn sàng mang cái vốn "trời ban" để trao đổi lấy xe hơi, nhà lầu, thậm chí là cả chức quyền... thật gớm ghiếc thay.

Theo K.N/Báo Bình Phước