14 động vật quý hiếm được tái thả về rừng

Google News

Số lượng động vật hoang dã quý hiếm gồm 11 cá thể tê tê Java và 3 cá thể rái cá vuốt bé vừa được Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) phối hợp với một số đơn vị tái thả về tự nhiên.

Trước đó, SVW đã phối hợp cùng cơ quan chức năng cứu hộ những cá thể động vật hoang dã này từ các vụ buôn bán, nuôi nhốt trái phép và người dân tự nguyện giao nộp.

Trong số động vật được cứu hộ, SVW trực tiếp phục hồi cho 5 cá thể tê tê và 3 cá thể rái cá. Sau khi được đưa về Trung tâm cứu hộ, các cá thể trải qua quá trình kiểm dịch trong 30 ngày, được theo dõi sức khỏe liên tục và phục hồi cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh.

14 dong vat quy hiem duoc tai tha ve rung

Các cán bộ bảo tồn chuẩn bị đưa tê tê tới nơi tái thả.

Trước mỗi đợt tái thả, nhóm nghiên cứu của SVW đã thực hiện khảo sát để lựa chọn địa điểm tái thả phù hợp với từng loài.

Tất cả các cá thể đều được tái thích nghi với môi trường tự nhiên trong khu vực bán hoang dã trước khi được tái thả. Khu vực bán hoang dã cung cấp một môi trường tương tự với môi trường sống tự nhiên của các loài động vật này, ở đó chúng có thể rèn luyện những "kỹ năng" cần thiết để sinh tồn khi trở về thế giới hoang dã.

14 dong vat quy hiem duoc tai tha ve rung-Hinh-2

Chuẩn bị tái thả các cá thể tê tê về tự nhiên.

Trong lần tái thả này, nhóm đã thiết lập một khu chuồng tái thả tạm thời cho 3 cá thể rái cá. Việc này góp phần hạn chế sự xung đột giữa các cá thể được thả và các đàn rái cá tự nhiên do loài này có tập tính bảo vệ lãnh thổ.

Bên cạnh đó, SVW cùng các đơn vị phối hợp cũng lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm tại các điểm tiếp cận với khu vực chuồng tái thả nhằm gửi cảnh báo tới các kiểm lâm viên địa phương để có các biện pháp ngăn chặn nếu có người xâm nhập (trong vòng 500m). Sau khi rái cá đã quen với môi trường mới, các nhà bảo tồn sẽ tiến hành thả chúng về tự nhiên.

14 dong vat quy hiem duoc tai tha ve rung-Hinh-3

Các cá thể rái cá ở khu chuồng tái thả tạm thời nhằm thích nghi từng bước với tự nhiên.

Tê tê Java và Rái cá vuốt bé đều được xếp vào nhóm IB các loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP).

Theo đó, mọi vi phạm liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo số lượng cá thể và giá trị (bằng tiền) của sản phẩm hoặc trường hợp tái phạm. Tuy vậy, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.

 
 

Theo Nguyễn Hoài/Tiền phong