Giáo sư Charles Geisler, trưởng nhóm nghiên cứu bình luận: “Hầu như không nhà hoạch định chính sách nào cân nhắc tới những rào cản đáng kể đối với việc nhập cư của những người tị nạn do biến đổi khí hậu. Giống như những người tị nạn khác, họ cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi phải chuyển tới sinh sống ở một vùng đất cao hơn.”
|
Ảnh minh họa: DNA India |
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt con số tới 9 tỉ người vào năm 2050 và 11 tỷ người vào năm 2100. Để đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân, đất canh tác cần nhiều hơn, trong khi các đại dương đang lấn chiếm dần các vùng duyên hải và đồng bằng màu mỡ, khiến những người từng định cư ở đây phải tìm nơi sinh sống mới.
Nghiên cứu ước tính đến năm 2060, khoảng 1,4 tỷ người có thể trở thành người tị nạn do biến đổi khí hậu và con số này sẽ lên tới 2 tỷ vào năm 2100.
Ông Geisler cho hay việc kiểm soát khả năng sinh sản của con người, các vùng duyên hải bị ngập nước, nơi ở mới và những trở ngại về tái định cư trong phạm vi quốc gia là những vấn đề nan giải. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra ước tính sơ bộ về những khu vực không thể tiếp nhận những đợt nhập cư mới của người tị nạn do tàn dư chiến tranh, kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm năng suất sơ cấp thuần, sa mạc hóa, sự phát triển đô thị, tích tụ đất đai, “bê tông hóa hành tinh” bằng đường xá và các vùng lưu trữ khí nhà kính.
Nghiên cứu cũng miêu tả những giải pháp thực tế và đưa ra bằng chứng về sự thích ứng chủ động với nước biển dâng ở một số khu vực như bang Florida (Mỹ) hay Trung Quốc với việc điều phối các chính sách sử dụng đất ven biển và đất liền dựa theo dự đoán về chuyển dịch dân cư do thời tiết gây ra.
Ngoài nước biển dâng, các khu vực ven biển ở độ cao thấp của nhiều quốc gia còn phải đối mặt với tình trạng các đợt triều cường gia tăng khiến biển lấn sâu vào nội địa. Trong lịch sử, con người đã bỏ nhiều công sức để lấn biển nhưng giờ thì ngược lại – các đại dương đang lấn đất.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sự cạnh tranh do giảm không gian sinh sống sẽ dẫn tới những đánh đổi và xung đột trong sử dụng đất. Điều này có thể dẫn đến tình trạng chính phủ phải bán đất công để giải quyết chỗ ở cho người dân.
“Áp lực với chúng ta hiện nay là phải giảm lượng phát thải khí nhà kính. Đây là cách cứu vãn tương lai tốt nhất chống lại biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra tại các bờ biển cũng như trong đất liền”. – Ông Geisler khẳng định.
Theo Hồng Anh/ Thiennhien