Nhóm khoa học gia gồm giáo sư Stephen Wroe (Trường Đại học New England - Mỹ), tiến sĩ Gabriele Sansalone (Viện Khoa học biển - Ý) và giáo sư Pasquale Raia (Trường Đại học Naples Federico II) đã phân tích, so sánh bộ não người tinh khôn Homo sapiens chúng ta với một số loài và xác định một dạng "hội chứng Peter Pan" riêng của não bộ đã khiến chúng ta khác biệt.
"Hội chứng Peter Pan" - thuật ngữ chỉ một vấn đề tâm lý khiến người bệnh không bao giờ thực sự trưởng thành về mặt tinh thần - cũng đúng với bộ não người theo một kiểu rất đặc biệt.
Hộp sọ người Neanderthals (phía trước) và người tinh khôn Homo sapiens - Ảnh: Petr Student
Các thùy của não động vật thường duy trì một sự tiến hóa tích hợp đến tuổi trưởng thành, sau đó có xu hướng độc lập. Nhưng bộ não Homo sapiens - người tinh khôn - không bao giờ "lớn lên", mà duy trì sự tiến hóa tích hợp đó.
Điều này mang lại cho chúng ta tính linh hoạt khi cần thích nghi với hoàn cảnh mới cùng sự tinh vi đặc biệt khi xử lý những vấn đề trong cuộc sống, không bị "bó khuôn" theo cách các động vật khác trưởng thành.
Trong bài viết trên The Conversation, nhóm tác giả cho biết quá trình đối chiếu bộ não của các loài đã làm lộ ra một điều gây sốc khác: Ngoài Homo sapiens, có một loài khác cũng mang đặc điểm "Peter Pan" này: Người Neanderthals.
Người Neanderthals cũng thuộc chi Người (Homo) với chúng ta, đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.000-40.000 năm trước, từng bị cho là đần độn và tàn bạo, bị loài thông minh hơn là chúng ta lấn át đến tuyệt chủng.
Nhưng đặc điểm tiến hóa vừa được phát hiện cho thấy họ phải có khả năng học tập và thích nghi cao, là những con người tinh vi giống chúng ta. "Kết quả của chúng tôi càng làm mờ đi bất kỳ ranh giới nào giữa chúng ta và họ" - các tác giả khẳng định.
Điều này cũng phần nào giải thích các phát hiện lạ lùng trong vài năm gần đây về người Neanderthals: Những ngôi mộ phủ hoa cầu kỳ hàng chục ngàn năm tuổi, những món trang sức, đồ bện sợi y hệt của Homo sapiens, thậm chí còn được tạo ra bằng kỹ năng có phần vượt trội hơn Homo sapiens cùng thời.
Các tác giả kết luận rằng phát hiện cho thấy giả thuyết rằng người Neanderthals tuyệt chủng vì kém thông minh là hoàn toàn "lạc lối". Muốn tìm hiểu lý do họ biến mất, có thể chúng ta cần đi theo một con đường khác.
Có rất nhiều lý do để một loài tuyệt chủng, không nhất thiết vì kém thông minh nên bị lấn át. Chính người tinh khôn luôn tự hào về bộ não cao cấp đã suýt tuyệt chủng 70.000 năm trước.
Theo Người Lao Động