Bằng cách lập bản đồ phân bố các công cụ bằng đá, xương động vật, đất son và vỏ sò trên bề mặt di chỉ Riparo Bombrini ở Liguria (Ý), các nhà cổ nhân loại học chỉ ra loài người cổ đại Neanderthals có dạng hành vi tưởng chừng chỉ đặc trưng ở người hiện đại. Đó là nhu cầu sống trong một không gian nhà cửa có cấu trúc rõ ràng, có sự tương đồng với nhau.
Cuộc khai quật di chỉ Riparo Bombrini ở Ý tiết lộ người Neanderthals cũng bố trí không gian sống như người hiện đại - Ảnh: ARCHOEALOGY MAGAZINE
Phát hiện này tưởng chừng là điều không tưởng, bởi người Neanderthals đã tuyệt chủng ít nhất trên dưới 40.000 năm, có nghĩa các hang động được sắp xếp, chia khu vực gọn gàng mà họ sinh sống cũng có niên đại tương đương hoặc cổ xưa hơn.
Theo nhóm khảo cổ từ Đại học Montreal và Đại học Genoa, các hang động khác nhau của người Neanderthals có sự đồng nhất trong cách phân bố không gian.
Họ phân bố khu vực sinh sống thành các vùng hoạt động cường độ cao và cường độ thấp riêng biệt. Ngoài ra, vị trí những công trình thiết yếu như lò sưởi, hố rác trong hang động cũng tương đồng.
Thú vị hơn, cách bố trí không gian sống này mang tính kế thừa giữa hai loài.
Tại khu vực này, phức hợp công nghệ Mousterian muộn của người Neanderthals được nối tiếp bằng phức hợp công nghệ Protoaurignacian của người hiện đại Homo sapiens. Và, người Homo sapiens cũng tiếp tục sử dụng cách bố trí hang động tương tự loài tiền nhiệm.
Điều này cho thấy năng lực nhận thức về tổ chức không gian không chỉ sở hữu riêng bởi người hiện đại như những suy nghĩ trước đây.
Phát hiện cũng nối tiếp thêm những chuỗi dài bằng chứng cho thấy người Neanderthals không sống cuộc đời của những vượn nhân hình mà giống chúng ta hơn chúng ta từng tưởng tượng.
Trong vài năm nay, các bằng chứng khảo cổ liên tục cho thấy hàng chục ngàn năm trước, họ đã biết dệt sợi, chế tác trang sức... Họ cũng biết tổ chức các cơ sở giết mổ thú săn, chế tác vũ khí... riêng biệt.
Loài Neanderthals - còn gọi là Homo neanderthalensis - được cho là xuất hiện trên thế giới khoảng 400.000 - 800.000 năm trước, là loài cùng chi Homo (chi Người) với người hiện đại Homo sapiens.
Họ có bộ não thậm chí còn lớn hơn con người nhưng kém linh hoạt hơn vì thiếu một số kết nối, nên được cho là phát triển kém chúng ta một chút.
Các cộng đồng Neanderthals và Homo sapiens từng gặp gỡ và giao phối với nhau trong quá khứ, do đó người hiện đại ngày nay vẫn có trên dưới 2% DNA xuất phát từ loài người cổ này.
Theo Anh Thư/ Người Lao Động