1. Camera khẩu độ kép
Năm nay, tại Mobile World Congress 2018, Samsung đã tung ra thêm một sự lựa chọn mới trên hai mẫu smartphone Galaxy S9 và S9+ (hay còn gọi là S9 Plus), đó là camera khẩu độ kép Dual Aperture. Cụ thể, camera chính trên dòng Galaxy S9 của Samsung đều được trang bị cảm biến Super Speed Dual Pixel 12MP thế hệ mới, có hai tùy chọn khẩu độ f/1.5 và f/2.4 cho phép người dùng thủ công hay tự động chuyển đổi qua lại để sử dụng.
Về cơ bản, khẩu độ chính là yếu tố quyết định lượng ánh sáng đi xuyên qua cảm biến. Khẩu độ càng lớn thì độ mở ống kính càng lớn, ánh sáng đi qua càng nhiều. Chắc chắn là trong vài năm qua, chúng ta đã thấy ống kính máy ảnh trên smartphone có khẩu độ được thiết kế lớn hơn nhiều so với trước đây. Như vậy, có thể sẽ có nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao Galaxy S9 và S9+ đã trang bị ống kính khẩu độ f/2.4 (giá trị f-stop càng nhỏ nghĩa là khẩu độ càng lớn) lại còn bận tâm với khẩu độ f/1.5.
|
Samsung Galaxy S9 và S9+. |
Trên lý thuyết, công nghệ khẩu độ kép Dual Aperture hứa hẹn sẽ mang lại hình ảnh có chất lượng tốt hơn. Samsung cho biết, hãng đã áp dụng giải pháp này sau khi nghiên cứu cách thức ghi nhận hình ảnh, màu sắc của đôi mắt con người. Việc dòng smartphone Galaxy S9 có thể chuyển đổi giữa hai mức khẩu độ f/1.5 và f/2.4 hứa hẹn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng ảnh trong các môi trường có độ sáng khác nhau.
Trong nhiếp ảnh, khẩu độ càng lớn sẽ cung cấp độ sâu trường ảnh DoF (depth-of-field) càng nông. Điều đó có nghĩa là những đối tượng ở một vị trí tương đối trước ống kính sẽ sắc nét, còn mọi thứ ở phía trước hoặc phía sau chúng sẽ bị mờ. Ngược lại, khẩu độ nhỏ sẽ cho ảnh có DoF sâu: ảnh sẽ sắc nét bất kể mọi vị trí. Nếu thường chụp ảnh phong cảnh, thông số DoF có thể sẽ được ưu tiên hơn. Ngược lại, trong thể loại ảnh chân dung, bạn thường tập trung vào một chủ thể.
Trên dòng smartphone Galaxy S9 của Samsung, bạn có thể để camera tự động chuyển đổi giữa hai khẩu độ f/1.5 và f/2.4, hoặc có thể chọn chế độ Portrait Mode khi muốn chụp chân dung, đồng thời có thể tự mình kiểm soát bằng tay mọi thông số trong chế độ Pro của máy ảnh.
2. Chế độ chụp ảnh chân dung
Trong khi Apple đòi hỏi bạn phải trang bị điện thoại có camera kép, chẳng hạn như iPhone X, iPhone 8 Plus hoặc iPhone 7 Plus, mới có thể sử dụng tính năng chụp ảnh chân dung Portrait Mode, thì điều đó giờ đây không còn đúng đối với người dùng Samsung.
Camera kép có thể là một sự khác biệt lớn giữa Galaxy S9 và Galaxy S9+, nhưng Samsung cho biết cả hai mẫu smartphone mới này đều có khả năng tạo hiệu ứng làm mờ phông nền vốn rất được yêu thích trong thể loại ảnh chân dung. Nói tóm lại, không cần camera kép như Galaxy S9+, người dùng Galaxy S9 cũng có thể chụp ảnh chân dung ở chế độ Portrait Mode.
Chỉ cần chọn tính năng tương ứng trong ứng dụng Camera là bạn có thể dễ dàng chụp ảnh chân dung. Trên S9, nó được gọi là Selective Focus; trong khi trên S9+, tính năng có tên là Live Focus. Samsung khuyến cáo nên bố cục để chủ thể nằm trong phạm vi khoảng 50cm so với camera điện thoại. Khi nhấn nút chụp, máy phải mất một hoặc hai giây để xử lý.
Điểm khá hay là bạn cũng có thể chỉnh sửa sau khi chụp, mặc dù vậy cách thực hiện trên hai điện thoại hơi khác nhau. Với Selective Focus của S9, bạn có thể lựa chọn giữa việc lấy nét chỉ chủ thể hay phông nền, hoặc cả hai. Tuy nhiên, trên S9+, bạn sẽ được cung cấp một thanh trượt để điều chỉnh độ mờ của phông nền mà Samsung gọi là các bộ lọc bokeh.
3. Galaxy S9+ có chế độ zoom không nhiễu
Đa số người dùng đều có thể nhận thấy rằng, khi zoom để quay hay chụp cận cảnh thì chất lượng video và ảnh sẽ giảm đi khá nhiều, cụ thể là bị nhiễu hạt. Trên thực tế, những gì mà hầu hết điện thoại cần phải làm khi người dùng zoom thực sự chỉ là sử dụng một giải pháp zoom kỹ thuật số để phóng to trung tâm của khung hình (hay nói nôm na là cắt xén). Do đó, bạn sẽ có được ảnh kết quả cho cảm giác gần với chủ thể hơn, nhưng đổi lại sẽ phải hy sinh độ phân giải tổng thể.
Tương tự hầu hết smartphone hiện có trên thị trường, mẫu Samsung Galaxy S9 cung cấp loại zoom kỹ thuật số với độ phóng đại lên tới 8 lần và kết quả sẽ khiến bạn khó chịu vì bị nhiễu. Trong khi đó, Galaxy S9+ sẽ làm mọi thứ khác biệt. Giống như iPhone X, mẫu điện thoại flagship S9+ mới của Samsung có một camera thứ hai được trang bị ống kính tele cung cấp khả năng zoom quang học 2x, tức là không bị mất dữ liệu, không cần phải nhân rộng phóng to hình ảnh. Kết hợp với độ phóng đại kỹ thuật số, bạn sẽ có được khả năng zoom kỹ thuật số lớn hơn một chút, lên đến 10x. Bằng cách kết hợp quang học từ cả hai cảm biến, khả năng zoom kỹ thuật số trên S9+ khử nhiễu tốt hơn so với S9.
4. Quay video Super Slow-mo
Không chỉ cung cấp những tính năng mới lạ nói trên, camera của dòng Galaxy S9 còn có chế độ quay video "tua cực chậm" Super Slow-mo, cho phép ghi lại mọi khoảnh khắc ở tốc độ lên đến 960 khung hình/giây (fps – frame per second). Đây là tính năng được trông chờ nhất trên Galaxy S9 và S9+.
Về cơ bản, Super Slow-mo sẽ có hai chế độ quay phim siêu chậm. Chế độ đầu tiên cho phép bạn tự mình nhấn nút chụp để bắt đầu quay một khoảnh khắc. Ở chế độ thứ hai, bạn sẽ phải nhấn nút chụp trước, sau đó điện thoại sẽ nhận biết chuyển động trong khung hình để tự động kích hoạt tính năng quay phim siêu chậm, tương tự như camera selfie của các điện thoại khác sẽ tự động chụp ảnh khi nhận diện được nụ cười trong khung hình.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, không phải tất cả video slow-motion đều có giá trị như nhau.Video sẽ bị giới hạn về chiều dài: Super Slow-mo trên S9 chỉ có thể quay trong 0,2 giây và cho phép kéo dài đến 6 giây khi phát lặp lại. Một vấn đề khác chính là độ phân giải. Các cảnh quay bằng Galaxy S9 và S9+ đều có độ phân giải HD 720p tốc độ 960fps. Nếu muốn độ phân giải lên đến Full HD 1080p thì phải chọn chế độ thấp hơn là 480fps.
5. Tạo biểu tượng AR Emoji
Nhằm cạnh tranh với tính năng Animoji của Apple, Samsung đã giới thiệu AR Emoji và đó cũng là một phần quan trọng trong sự kiện ra mắt Galaxy S9 và S9+. Nói một cách dễ hiểu, AR Emoji cho phép bạn tạo ra hình emoji mô phỏng gương mặt của mình để gửi nhận tin nhắn hình ảnh và video vui nhộn.
Thay vì tạo ra một bộ mẫu biểu tượng khuôn mặt biểu cảm emoji sẵn có giống như trên sản phẩm iPhone X của Apple, AR Emoji trên Galaxy S9 và S9+ đầu tiên tạo ra một khuôn mặt ảo dựa trên khuôn mặt của riêng người dùng, sau đó cho phép tùy chỉnh để chúng trông giống người sở hữu hơn.
Đó là về lý thuyết, nhưng trên thực tế những gì chính xác bạn có thể làm với tính năng AR Emoji cho đến bây giờ là khá hạn chế. Hình dạng ban đầu của khuôn mặt nhân vật được dựa trên hình ảnh mà camera của Galaxy S9 và S9+ tạo ra một ảnh chụp nhanh đầu tiên. Bạn nên gỡ bỏ bất kỳ phụ kiện nào mà mình đang mang mặc, chẳng hạn như tháo kính đeo mắt, bỏ nón và chỉ cười nhẹ nhàng khi chụp ảnh. Sau khi chụp ảnh, bạn có thể chọn từ bộ sưu tập các kiểu tóc với màu sắc khác nhau, điều chỉnh tông màu da và đeo kính cho khuôn mặt cũng như chọn trang phục khác.
Rõ ràng AR Emoji chỉ mới trong giai đoạn đầu và Samsung vẫn cần phải làm rất nhiều việc để mở rộng tính năng này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, có thể nói AR Emoji trên Galaxy S9 và S9+ sẽ cung cấp một trải nghiệm vui nhộn hơn, khiến bạn đỡ cảm thấy nhàm chán hơn khi sử dụng smartphone.
Theo Huy Thắng/PCWorld