Mạng xã hội là nơi người dùng có thể chia sẻ tất cả mọi thứ: trạng thái, hình ảnh, âm thanh hoặc video,… Nhờ tính đa dạng và năng động, nó khơi dậy những cảm xúc nhất định ở người dùng.
Tuy nhiên, việc đắm chìm trong mạng xã hội cả ngày có thể gây ra một số tác động tiêu cực mà đôi khi, chúng ta cũng không nhận ra. Thậm chí, mạng xã hội có thể thay đổi nhận thức của bạn về thế giới và cả chính bản thân bạn.
1. Thực tế luôn phũ phàng so với kỳ vọng
Chắc hẳn rất nhiều người đã từng trải qua cảm giác thất vọng vì thực tế khác xa so với kỳ vọng này.
Chúng ta thường có xu hướng lý tưởng hóa những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và phát triển những kỳ vọng không thực tế liên quan đến thông tin có trong nội dung mà chúng ta xem trên mạng xã hội (hình ảnh, video hoặc văn bản).
Nhiều người sử dụng Facebook để chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ lên trang cá nhân của họ, rằng họ rất yêu thương nửa kia của họ hay đăng các bức ảnh được chụp và dàn dựng vô cùng chỉn chủ lên Instagram.
Những nội dung như vậy thường không thể được kiểm chứng, không phản ảnh thực tế của một người. Mặc dù thoạt nhìn có vẻ rất thật nhưng rất có thể người này đang mắc nợ rất nhiều, có mâu thuẫn với vợ/chồng của họ và mục đích chỉ để “câu” lượt view, lượt thích. Điều này khiến cho những người khác phải tiếp cận những nội dung không đúng sự thật.
Không chỉ ảnh hướng xấu đến người khác, điều này còn ảnh hưởng đến chính bản thân họ. Rất nhiều người có xu hướng muốn mình trở thành một người hoàn hảo như họ tưởng tượng - giàu có hơn, hạnh phúc hơn và học giỏi hơn. Nói cách khác, họ đang ảo tưởng quá xa so với thực tế mà họ có. Cuối cùng, sự thất vọng về bản thân có thể khiến gây cho những người đó tâm lý chán nản, thậm chí là trầm cảm.
2. Sự chán nản và lo lắng
Dành thời gian trên mạng xã hội có thể là một hoạt động tiêu tốn nhiều thời gian. Rất nhiều người dành tới vài tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội. Khi chúng ta đang đắm chìm vào thế giới ảo cũng là lúc chúng ta “ngắt kết nối” với thế giới thực.
Dành quá nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm trạng. Trên thực tế, những người dùng mạng xã hội quá mức có nhiều tinh thần kém, bao gồm các triệu chứng lo lắng và trầm cảm, do quá lâu không tiếp xúc với thế giới thực.
Hiện tượng này được nhấn mạnh bởi xu hướng so sánh cuộc sống của chính bản thân với những gì được họ “khoe khoang” trên mạng xã hội. Vì chúng ta luôn muốn mình là hoàn hảo trong mắt người khác nên tự bản thân cũng sẽ nảy sinh một nỗi lo sợ rằng người khác biết được những bí mật của mình.
Không chỉ so sánh với bản thân, việc so sánh với người khác cũng là một trong những con đường dẫn chúng ta đến sự lo lắng và buồn bã. Thật nguy hiểm khi các phương tiện truyền thông xã hội đã làm cho việc này trở nên dễ dàng hơn.
3. Suy nghĩ tiêu cực về bản thân và “body shaming”
Cũng giống như sự chán nản và lo lắng, việc so sánh dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Việc nhiều người có vẻ ngoài hoàn hảo (hoặc những hình ảnh nổi bật về bản thân là do họ dùng app) đưa hình ảnh của họ lên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến tiêu cực đến những người còn lại, đặc biệt nếu họ dành nhiều thời gian trên mạng xã hội.
Chúng ta phải thực tế, không ai đột nhiên thức dậy với vẻ ngoài của một người mẫu cả, và trong khi nhiều người đã phải nỗ lực rất nhiều để rèn luyện cơ thể của mình, không phải ai cũng có ngoại hình như mong muốn.
Nhiều người, để tìm kiếm sự nổi tiếng trên mạng xã hội đã tìm cách trở nên thu hút hơn mà không quan tâm đến bản thân.
4. Rối loạn giấc ngủ
Cùng với lo lắng và trầm cảm, mạng xã hội có thể là nguồn gốc của một số vấn đề sức khỏe khác.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của người dùng mạng xã hội.
Chu kỳ ngủ không đều đặn có thể dẫn đến buồn ngủ và giảm năng suất làm việc. Rất nhiều người có thói quen dùng mạng xã hội trước khi đi ngủ. Thói quen xấu này có thể trì hoãn việc chúng ta đi ngủ, thậm chí tới vài giờ đồng hồ.
5. Chứng nghiện mạng xã hội
Mạng xã hội có thể gây nghiện hơn cả thuốc lá và rượu. Tính gây nghiện này ảnh hưởng đến nhiều người - những người dành nhiều giờ để xem có gì mới, tương tác của những người khác với bài đăng của họ,…
Nắm bắt được điều này, các nhà quảng cáo, tiếp thị đã lợi dụng thói quen này để lôi kéo người dùng truy cập vào các quảng cáo và thông báo. Vô tình, chúng ta đang trở thành “miếng mồi” cho những cá nhân tổ chức khác.
Theo Thanh Ngọc/Công lý & Xã hội