Mới đây, tổ chức Privacy International đã liệt kê danh sách các ứng dụng Android tự ý chia sẻ dữ liệu người dùng với Facebook, thậm chí ngay cả khi bạn không có tài khoản. Đơn cử như Kayak, Skyscanner, Trip Advisor, Shazam, Spotify, Indeed…
Mặc định, Apple sẽ thu thập họ tên, địa chỉ, tuổi, giới tính và địa điểm của bạn, tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thông tin thiết bị, các từ khóa mà bạn đã tìm kiếm trên App Store, các bài viết đã đọc trên Apple News, dữ liệu tải xuống và quan trọng nhất là những việc bạn đã làm trên Facebook, Instagram và Safari cũng sẽ bị thu thập.
Về cơ bản, hầu hết mọi thứ bạn thực hiện trên iPhone đều có thể được sử dụng bởi các nhà quảng cáo. Dựa vào những thông tin này, họ sẽ hiển thị nội dung quảng cáo phù hợp với sở thích của người dùng. Nếu muốn hạn chế quảng cáo, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ ngay sau đây.
Bạn có thể từ chối nhận quảng cáo dựa trên dữ liệu vị trí từ bằng cách vào Settings (cài đặt) > Privacy (quyền riêng tư) > Location Services (dịch vụ vị trí) > System Services (dịch vụ hệ thống) và vô hiệu hóa tùy chọn Location-Based Apple Ads (quảng cáo Apple dựa trên vị trí).
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tắt hoàn toàn Location Services (dịch vụ vị trí), tuy nhiên, điều này có thể gây ra một chút khó khăn đối với các ứng dụng cần dữ liệu vị trí như Google Maps, Instagram, Safari, Uber, Twitter, Tinder,…
|
Người dùng có thể tắt quảng cáo dựa trên dữ liệu vị trí. Ảnh: MINH HOÀNG |
Để giới hạn việc theo dõi, bạn hãy vào Settings (cài đặt) > Privacy (quyền riêng tư) > Advertising (quảng cáo) và kích hoạt tùy chọn Limit Ad Tracking (giới hạn theo dõi quảng cáo), nhấn Don’t allow (không cho phép) nếu xuất hiện hộp thoại nhắc nhở.
Tất nhiên, ngay cả khi bạn thực hiện hai bước trên thì Apple vẫn còn rất nhiều thông tin của bạn và dựa vào đó để hiển thị quảng cáo. Nếu muốn xóa những dữ liệu này, người dùng chỉ cần nhấn vào tùy chọn Reset Advertising Identifier (đặt lại số nhận dạng quảng cáo).
Mặc dù Apple có thể tôn trọng yêu cầu hạn chế theo dõi của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà quảng cáo trên những nền tảng khác phải tuân thủ việc này. Bất kì trang web nào bạn mở trong Safari hoặc các trình duyệt sử dụng WebKit đều có khả năng theo dõi thông tin, cung cấp cho các nhà quảng cáo và sau đó bạn sẽ thấy xuất hiện quảng cáo phù hợp.
Để ngăn các trang web và nhà quảng cáo theo dõi việc lướt web, bạn hãy vào Settings (cài đặt) > Safari và kích hoạt tùy chọn Ask Websites Not to Track Me (yêu cầu không theo dõi tôi). Kể từ bây giờ, khi mở một trang web bất kì, Apple sẽ thêm yêu cầu không được theo dõi bạn.
Ngoài ra, người dùng cũng nên cài đặt thêm các ứng dụng chặn quảng cáo của bên thứ ba, đơn cử như 1Blocker, AdBlock,... trên App Store. Khi hoàn tất, bạn cần truy cập vào Settings (cài đặt) > Safari > Content Blockers (trình chặn nội dung) và kích hoạt ứng dụng vừa cài đặt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt trình duyệt Firefox Focus tại địa chỉ http://bit.ly/ff-focus-1 (Android) và http://bit.ly/ff-focus-2 (iOS). Ứng dụng tập trung chủ yếu vào các giải pháp bảo mật sự riêng tư, một khi chế độ Private Browsing được kích hoạt, người dùng sẽ không bị theo dõi bởi cookies. Cũng trong phần cài đặt, bạn có thể vô hiệu hóa các trackers (theo dõi), thay đổi công cụ tìm kiếm, ngôn ngữ… đặc biệt Firefox Focus còn có thể hoạt động như một tiện ích chặn quảng cáo trên trình duyệt Safari.
Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết Danh sách những dữ liệu mà bạn đang bị thu thập tại địa chỉ http://bit.ly/dl-thu-thap.
Hi vọng với những mẹo nhỏ và kynguyenso.plo.vn vừa giới thiệu bên trên, bạn đọc sẽ có được trải nghiệm lướt web một cách tốt nhất.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Theo Minh Hoàng/ Kỷ nguyên số